Giảm phát thải Carbon trong chăn nuôi – Hiện thực hóa cam kết COP26

Giảm phát thải Carbon trong chăn nuôi là mục tiêu hàng đầu được đặt ra trong cam kết COP26 của Chính phủ. Theo đó, tại “Hội nghị về công nghệ chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi, hướng đến giảm phát thải nhà kính” được Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tổ chức, các đại biểu đã đi tìm giải pháp để thực hiện bằng được cam kết này.

Giảm phát thải Carbon trong chăn nuôi - Hiện thực hóa cam kết COP26

COP là viết tắt của Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu – sự kiện diễn ra hàng năm, riêng sự kiện năm 2020 bị hoãn vì đại dịch. Số 26 biểu thị đây là hội nghị lần thứ 26. Một số mục tiêu chính, bao gồm:

  • Giữ nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 1,5 độ C: Đây là mục tiêu mà một số quốc gia sản xuất nhiên liệu hóa thạch đã chống lại.
  • Đặt ngày chấm dứt việc sử dụng than “không suy giảm”: Dhuật ngữ than “không suy giảm” ám chỉ việc sử dụng than mà không có bất kỳ công nghệ nào để làm giảm đáng kể lượng khí thải CO2 của nó.
  • Cung cấp 100 tỷ USD tài trợ khí hậu hàng năm: các quốc gia giàu có đã đồng ý với mục tiêu này, để giúp các nước đang phát triển giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với các tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu.
  • Gia tăng doanh số các loại ôtô không phát thải (ví dụ như ôtô điện).
  • Chấm dứt nạn phá rừng vào cuối thập kỷ này, vì rừng đóng một vai trò quan trọng trong việc loại bỏ Carbon khỏi khí quyển.
  • Giảm lượng khí thải từ Methane – một loại khí có sức làm nóng gấp 80 lần so với Carbon Dioxide.

Cam kết COP26 và mục tiêu giảm phát thải Carbon

Cùng với sự phát triển vượt bậc, ngành chăn nuôi nước ta đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường từ nguồn chất thải “khổng lồ”. Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, mỗi năm Việt Nam có hơn 73 triệu tấn phân chuồng được thải ra từ tổng đàn chăn nuôi. Hầu hết số chất thải này chưa được tận dụng triệt để hoặc bỏ phí. Đồng thời mỗi năm, chăn nuôi tạo ra lượng phát thải 18,5 triệu tấn CO2 nhưng việc xử lý chất thải chăn nuôi còn chưa hiệu quả.

Giảm phát thải Carbon trong chăn nuôi - Hiện thực hóa cam kết COP26
Ngành chăn nuôi tạo ra lượng phát thải 18,5 triệu tấn CO2 mỗi năm.

Đứng trước thách thức lớn trên, mục tiêu giảm phát thải Carbon (CO2) được đặt lên hàng đầu. Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Theo lộ trình, vào năm 2025, tổng lượng phát thải khí metan không vượt quá 96,4 triệu tấn và phát thải khí metan trong chăn nuôi không vượt quá 16,8 triệu tấn. Ðến năm 2030, tổng lượng phát thải khí metan không vượt quá 77,9 triệu tấn, phát thải khí metan trong chăn nuôi không vượt quá 15,2 triệu tấn.

Bà Nguyễn Quỳnh Hoa, Trưởng phòng Phòng Môi trường và công nghệ chăn nuôi, Cục Chăn nuôi cho biết: “Hiện nay, nhiều địa phương đã quyết liệt trong việc thực hiện giảm phát thải Carbon ra môi trường. Chăn nuôi gắn liền với đảm bảo môi trường không chỉ giúp việc phát triển đàn bền vững mà đó còn là cách sản phẩm chăn nuôi đi xa hơn, đáp ứng được các tiêu chí xuất khẩu. Ðây cũng là “lửa thử vàng” để các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi phát triển mạnh mẽ hoặc tìm cho mình hướng đi khác”.

Làm thế nào để giảm phát thải Carbon trong chăn nuôi?

Tại “Hội nghị về công nghệ chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi, hướng đến giảm phát thải nhà kính” được Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tổ chức, các đại biểu đã đi tìm giải pháp giảm phát thải Carbon để thực hiện bằng được cam kết COP26.

– Ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại:

Hiện, các công ty, chủ trang trại chăn nuôi đang áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi như công nghệ khí sinh học, đệm lót sinh học, ủ phân, công nghệ vi sinh. Mỗi công nghệ có ưu điểm riêng, phù hợp với từng điều kiện và tình hình thực tế của chủ cơ sở chăn nuôi.

Ðối với chăn nuôi gia súc lớn và gia cầm, sử dụng đệm lót sinh học được làm bằng nguyên liệu có độ trơ cao (như trấu, mùn cưa, rơm, rạ…) là phương pháp được đánh giá hữu hiệu nhất, giúp giảm phát thải khí metan và bảo vệ môi trường. Ðệm lót có thể được trộn với men vi sinh để phân hủy phân, nước tiểu, giảm khí độc và mùi hôi trong chuồng nuôi…

Phân chuồng dùng làm đệm lót sinh học sau khi sử dụng được coi là một loại phân bón cho cây trồng không gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo cho sản phẩm sạch, tăng năng suất cây trồng, cải thiện chất lượng đất, hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn không có rác thải.

– Xây dựng khẩu phần ăn giảm đạm thô:

Trong báo cáo “Chế độ ăn giảm protein”, TS Jae Cheol Kim, Giám đốc Trung tâm Giải pháp kỹ thuật, Tập đoàn CJ Việt Nam cho biết, thức ăn đạm cao sẽ khiến gia cầm sử dụng nhiều nước hơn, đồng nghĩa bài thải nước thải ra ngoài nhiều hơn. Do đó, việc xây dựng khẩu phần ăn giảm đạm thô kết hợp với việc bổ sung axit amin thiết yếu được coi là một phương pháp nhiều triển vọng để nâng cao hiệu suất chăn nuôi gia cầm.

Theo TS Kim, tại Hàn Quốc, Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn dự đoán, khi giảm 1% đạm thô trong thức ăn chăn nuôi có thể giảm khoảng 360.000 tấn Nitơ Oxit (N2O) được tạo ra trong quá trình phân rã của phân gia súc. Ngoài ra, sự bài thải khí amoniac dự kiến sẽ giảm tới 10%.

Giảm phát thải Carbon trong chăn nuôi - Hiện thực hóa cam kết COP26
Giảm đạm thô, bổ sung axit amin thiết yếu trong khẩu phần ăn của vật nuôi.

“Ðiều này mang lại lợi nhuận kinh tế cho người chăn nuôi cũng như giảm tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một tăng. Giảm thức ăn giàu đạm còn giúp vật nuôi cải thiện sức khỏe đường ruột, tăng khả năng tiêu hóa”, TS Jae Cheol Kim phân tích. Ðây là khuyến cáo không mới tại các nước trên thế giới. Ngược lại, chế độ ăn giảm protein trong chăn nuôi trở thành quy định bắt buộc tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc và Liên minh châu Âu.

– Giảm mùi hôi từ chất thải chăn nuôi:

Ông Phan Trọng Vĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tương lai Thông minh Nhật Việt cho biết: “Ở các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, mùi hôi và dịch bệnh là vấn đề mà công ty thường nhận được sự “cầu cứu” nhiều nhất. Nó không chỉ ảnh hưởng đến việc chăn nuôi bền vững mà còn ảnh hưởng đến không gian, không khí xung quanh.

Giảm phát thải Carbon trong chăn nuôi - Hiện thực hóa cam kết COP26
Giải pháp hạn chế mùi hôi trong chăn nuôi.

Hiện, đơn vị cũng đang đồng hành cùng các hộ chăn nuôi trên cả nước ứng dụng công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi nhằm để giảm phát thải Carbon tại Việt Nam. Môi trường sống được đảm bảo, không còn mùi hôi thì vật nuôi cũng phát triển tốt hơn, không bị nhiều nguy cơ gây bệnh. Kiểm soát vấn đề chất thải được Công ty chú trọng ngay từ đầu vào và môi trường sống ban đầu cho vật nuôi. Ðiều này cũng giúp vậy nuôi ít phải sử dụng kháng sinh cũng như sử dụng nước, đào thải nhiều phân, nước thải ra ngoài môi trường”.

– Sử dụng ấu trùng ruồi lính đen:

Một trong những biện pháp hữu hiệu để xử lý khối lượng lớn phân chuồng đã và đang được các công ty, trang trại triển khai khá hiệu quả là sử dụng ấu trùng ruồi lính đen phát triển tốt trên nền phân đã qua xử lý vi sinh. Ðặc biệt, tỷ lệ sinh trưởng của ấu trùng tương đối đạt chất lượng.

Sau 10 ngày xử lý, phân gà hoàn toàn mất đi mùi đặc trưng và giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ðây là hướng đi mà các nông hộ hoặc các doanh nghiệp FDI có thể nghĩ tới và sử dụng trong hành trình giảm phát thải.

Bên cạnh đó, để ngăn chặn hoặc giảm phát thải Carbon trong chăn nuôi càng nhiều càng tốt, hàng loạt các kỹ thuật đặc dụng đã được áp dụng, một số trong đó đã được sử dụng hàng thiên niên kỷ, chẳng hạn như thường xuyên loại bỏ nước phân khỏi chuồng gia súc, lấp phân hoặc chôn ngay lập tức, nhằm mục đích cải thiện sức khỏe vật nuôi hoặc ngăn chặn sự thất thoát dưỡng chất trong quá trình bảo quản và sử dụng.

Nguồn tham khảo: skhcn.vinhlong.gov.vn

>>> Xem thêm: Xử lý chất thải khi chăn nuôi heo quy mô lớn