Cách các nước lớn trên thế giới xử lý rác thải

Xử lý rác thải là bài toán nan giải của toàn cầu, bên cạnh các quốc gia đang chật vật loay hoay thì rất nhiều nước đã giải quyết thành công, từ biến rác thành năng lượng hay ứng dụng công nghệ sinh học. Cùng BIOGENCY xem các quốc gia hàng đầu đã xử lý rác thải như thế nào qua bài viết dưới đây.

Cách các nước lớn trên thế giới xử lý rác thải
Cách các nước lớn trên thế giới xử lý rác thải

Thụy Điển – Biến rác thành năng lượng

Thuỵ Điển là quốc gia rất thành công trong việc xử lý rác thải, khi giải quyết được gần như 100% rác thải sinh hoạt của người dân. Đặc biệt quốc gia này đi đầu trong việc biến rác thải thành năng lượng. Hiện tại Thuỵ Điển chỉ có 1% rác được chôn lấp, còn lại 52% đốt để sản xuất điện và 47% được tái chế.

Đây là kết quả của một quá trình nỗ lực hàng thập kỷ từ những năm 1970, bắt đầu với những quy định chặt chẽ về phân loại rác thải khoa học trong các hộ gia đình, nhà máy và địa phương.

Năm 2015, Thuỵ Điển nhập 2,3 tấn chất thải để biến thành năng lượng sưởi ấm cho hơn 900.000 ngôi nhà. Vào năm 2020, Thụy Điển tái chế được 87% chai nhựa PET, 87% lon nhôm, 61% vật liệu đóng gói. Rác thải thực phẩm cũng được chuyển đổi thành khí sinh học thân thiện với môi trường, được dùng để chạy xe buýt công cộng và sưởi ấm cho các tòa nhà chung cư. Nhờ quá trình này, Thụy Điển ước tính góp phần làm giảm khoảng 2,2 triệu tấn carbon dioxide mỗi năm.

Tìm hiểu về cách các nước lớn trên thế giới xử lý rác thải
Nhà máy điện rác ở Thuỵ Điển.

Hiện tại, với dân số chỉ hơn 10 triệu người nhưng Thụy Điển đã có hơn 34 nhà máy điện rác cung cấp điện cho 780.000 hộ gia đình. Có thể thấy, Thuỵ Điển không chỉ tận dụng rất tốt “tài nguyên rác” mà còn được các nước lân cận trả tiền để “sử dụng” rác hộ. Điều này cũng cho thấy, Thuỵ Điển nhận thức rất rõ tình hình cạn kiệt năng lượng và biến đổi khí hậu trong tương lai.

Áo – Áp dụng công nghệ sinh học để tái chế nhựa PET

Là một quốc gia nhỏ bé nhưng Áo đã khiến thế giới phải trầm trồ khi áp dụng thành công công nghệ sinh học để tái chế nhựa PET. Cụ thể, Áo đã áp dụng công nghệ sử dụng enzim một loại nấm để phân huỷ nhựa PET thành phân tử, sau đó dễ dàng chuyển đổi thành nhựa chất lượng cao. Cùng với nhiều công nghệ tiên tiến khác, Áo, Bỉ và Đức hiện đang là 3 quốc gia tái chế rác hiệu quả nhất trên thế giới.

Bỉ – Giảm thiểu rác từ trong “trứng nước”

Không chỉ tập trung vào xử lý rác thải, Bỉ còn là quốc gia cho thấy nỗ lực giảm thiểu rác thải từ trong “trứng nước”. Đến nay, Bỉ là một trong những quốc gia có tỷ lệ tái chế, tái sử dụng chất thải đứng đầu thế giới. Cùng điểm qua những nét nổi bật từ quốc gia này trong xử lý rác thải:

  • Đầu những năm 1990, Bỉ đã nỗ lực cải thiện công tác phân loại chất thải và đưa lệnh cấm đốt rác tái chế, cấm vận chuyển chất thải có thể tái chế. Ban hành Đạo luật ngăn chặn gia tăng chất thải.
  • Từ những năm 2000, Bỉ đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đẩy mạnh tái sử dụng, tái chế chất thải, ngăn chặn lượng chất thải phát sinh ra môi trường. Nhờ đó mà công tác quản lý chất thải của Bỉ đã đạt được hiệu quả cao.
  • Triển khai chiến lược quản lý chất thải theo từng giai đoạn. Ngăn chặn việc phát sinh chất thải -> Tái sử dụng và tái chế chất thải -> Nếu không thể tái chế, phải xử lý chất thải theo cách ít tác động đến môi trường và sức khỏe cộng đồng nhất, ưu tiên đốt rác phát điện.
  • Ban hành thuế, phí tái chế chất thải, giấy phép môi trường… như thuế thu gom vật liệu hữu cơ; thuế thu gom chai nhựa, bao bì kim loại và thùng đồ uống; thuế thu gom giấy, bìa các tông, chai thủy tinh.
  • Ban hành Đạo luật Thuế sinh thái đối với các mặt hàng như hộp đựng đồ uống, một số bao bì, máy ảnh và pin dùng một lần; áp dụng nhãn tiêu chuẩn đối với những sản phẩm đáp ứng các tiêu chí môi trường, xã hội; xuất bản hướng dẫn mua sắm xanh.
  • Chính phủ Bỉ cũng tăng cường quản lý vật liệu bền vững bằng cách hạn chế phát sinh chất thải từ các công đoạn sản xuất; thực hiện biện pháp tiết kiệm nguyên liệu thô và năng lượng; triển khai các chiến dịch tuyên truyền, kêu gọi, khuyến khích mô hình sản xuất và tiêu thụ bền vững.
  • Sử dụng phần mềm tính toán Ecolizer để đánh giá tác động từ sản phẩm doanh nghiệp sản xuất ra đối với môi trường, từ đó có giải pháp điều chỉnh, thiết kế sản phẩm thân thiện với môi trường.
  • Phần mềm “Sự kiện xanh” – một hệ thống quản lý trên website đối với các sự kiện, giúp đơn vị tổ chức đánh giá chính xác mức độ rác thải trong sự kiện đó, từ đó tìm ra những giải pháp để giảm thiểu số lượng rác thải, hoặc tìm đến những địa điểm cho thuê đồ cũ để tái sử dụng tại sự kiện đó.

Nhật Bản – Đốt rác thải triệt để

Không cầu kỳ nhưng rất hiệu quả, cách xử lý rác thải của Nhật Bản được nhiều quốc gia học tập. Đầu tiên rác thải sẽ được phân loại kỹ càng ngay từ nguồn thải, sau đó áp dụng công nghệ CFB để đốt triệt để rác.

Tìm hiểu về cách các nước lớn trên thế giới xử lý rác thải
Công nghệ đốt rác tại Nhật.

Công nghệ này xử lý rác bằng cách vùi rác vào một lớp cát, sau đó sử dụng lưu lượng không khí trong quá trình nung lò, cùng một số hóa chất khác để tiêu hủy rác. Rác bên trong lò sẽ được đối lưu liên tục, và sẽ bị tiêu huỷ hết trong thời gian rất nhanh, kể cả những vật liệu cứng đầu nhất. Không chỉ vậy, công nghệ này cũng giúp lượng khí thải như NO và NO2 giảm đi rất nhiều, cùng giá thành rẻ hơn những loại hình khác. Lượng nhiệt năng sau khi đốt cũng được sử dụng để sản xuất điện.

Xử lý rác thải tại Việt Nam – Một số phương pháp có thể học tập, áp dụng

Có thể thấy, đối với quốc gia đang phát triển, để áp dụng các công nghệ xử lý rác hàng đầu như Châu Âu có vẻ còn khá xa. Điều mà Việt Nam có thể học tập là thói quen đổ rác đúng quy định, phân loại nghiêm ngặt rác tại nguồn từ mỗi cá nhân. Điều tưởng chừng đơn giản nhưng chưa thực sự hiệu quả, khu liên hợp Xử lý Chất thải Đa Phước là minh chứng điển hình, dù có quy trình để tái chế rác thải, nhưng không thể sử dụng được vì nguồn rác đầu vào không được phân loại.

Tìm hiểu về cách các nước lớn trên thế giới xử lý rác thải
Phần lớn rác thải ở Việt Nam được chôn lấp.

Các phương pháp xử lý rác thải hữu hiệu bao gồm tái chế rác thải nhựa và ủ phân đối với rác thải hữu cơ cần được thực hiện nghiêm ngặt và áp dụng rộng rãi hơn nữa nhằm giảm lượng rác thải chôn lấp.  Theo thông tin của sở Tài Nguyên Môi Trường, hiện nay TP HCM cũng đang ưu tiên chuyển việc xử lý rác thải từ chôn lấp sang đốt. Mục tiêu đến năm 2020, giảm lượng rác được chôn lấp từ 76% xuống 50%, và đến năm 2025 chỉ còn 20% rác được chôn lấp. Đây đã là một bước cải tiến lớn trong việc xử lý rác thải ở nước ta.

Nguồn: petechcorp.com

>>> Xem thêm: Quy trình công nghệ xử lý nước rỉ rác giúp nước thải đạt chuẩn QCVN 25:2009/BTNMT

Để lại một bình luận