Ao nuôi tôm nhiều bọt, nguyên nhân và cách xử lý

Ao nuôi tôm nhiều bọt là dấu hiệu cho thấy các chỉ số môi trường nước có sự biến động và đang ảnh hưởng đến sức khỏe và quá trình phát triển của tôm, tùy vào mức độ bọt nhiều hay ít và nguyên nhân của chúng mà bà con đưa ra hướng giải quyết sao cho hiệu quả. Bài viết dưới đây Biogency sẽ thông tin đến bà con nguyên nhân ao nuôi tôm nhiều bọt và một số cách xử lý để bà con áp dụng cho ao nuôi của mình.

Ao nuôi tôm nhiều bọt

Các loại bọt thường xuất hiện trong ao nuôi tôm

Trong quá trình nuôi tôm, bà con thường gặp các loại bọt nổi trên mặt ao sau:

  • Bọt do sục khí hoặc quạt nước: Các thiết bị sục khí hoạt động tạo ra bọt hoặc do hoạt động quạt nước hòa tan oxy vào nước tạo ra bọt ngay trên dòng chảy và nhanh chóng tan ngay sau đó. Loại bọt này thường rất mau tan và có màu trắng, không gây ảnh hưởng đến tôm.
  • Bọt hình thành do hoạt động sử dụng hóa chất: Thông thường các hóa chất sử dụng trong ao tôm luôn tạo ra bọt. Loại bọt này nhanh tan hay chậm tùy thuộc vào loại hóa chất và liều lượng sử dụng. Tuy nhiên, chúng cũng sẽ tan hết sau 1 – 2 giờ đồng hồ. Ví dụ khi bà con dùng Saponin để diệt tạp hoặc kích lột cũng tạo bọt, vì hoạt chất Saponin có tính xà phòng (không khuyến khích áp dụng).
  • Bọt có màu, gây bất lợi cho môi trường và tôm nuôi: Loại bọt này thường rất lâu tan và thường có màu đặc trưng là nâu, đen từ nhạt đến sậm. Chúng ta tìm hiểu sâu hơn về loại bọt này tại ao tôm.

Ao nuôi tôm nhiều bọt

Hình 1. Ao nuôi tôm xuất hiện bọt nước dơ do ô nhiễm hữu cơ.

Ao nuôi tôm nhiều bọt do đâu?

Khi phát hiện ao nuôi tôm nhiều bọt, bà con cần kiểm tra các nguyên nhân sau:

  • Thời tiết nóng, gió mạnh hoặc mưa lớn có thể gây nổi bọt trên ao tôm.
  • Sụp tảo đột ngột cũng là một nguyên nhân khiến ao nuôi tôm nhiều bọt.
  • Quá nhiều thức ăn dư thừa, phân tôm do xi-phông không tốt.
  • Ao có nhiều bùn thải (nếu bùn đáy đen, hôi chứng tỏ ở khu vực đó tích tụ và tạo nhiều khí độc như H2S, NH3. Khí H2S, NH3 có thể làm tôm bị nhiễm độc, nồng độ cao có thể làm tôm chết).
  • Nồng độ oxy thấp: Nếu nồng độ oxy trong ao tôm quá thấp, tôm nuôi và vi sinh vật sẽ cần sử dụng các phương án khác để thích nghi, điều này có thể gây ra sự tiết ra bọt khí trong ao.
  • Mật độ tôm quá dày, làm phát sinh nhiều chất thải trong ao, là điều kiện cho vi khuẩn và tảo phát triển, và khi chúng bị phân hủy, chúng sẽ tạo ra khí và bọt.

Cách xử lý ao nuôi tôm nhiều bọt hiệu quả

Khi ao nuôi tôm xuất hiện tình trạng nổi bọt lâu tan, điều này cho thấy chất lượng nước trong ao suy giảm, tảo chết, khí độc đang tồn tại trong ao nuôi. Sự tồn tại của chúng là biểu hiện cho thấy chất lượng nước nuôi – môi trường sống của tôm đang kém dần. Khi bọt xuất hiện nhiều trong ao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hô hấp, khiến tôm giảm ăn, chậm lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của mùa vụ. Do đó, để xử lý ao nuôi tôm nhiều bọt, Biogency đưa ra cho bà con một số giải pháp sau:

  • Khi bọt nổi dày lúc quạt tạt vào bờ thì cần vớt bọt khỏi ao.
  • Vớt váng tảo tàn nổi trên mặt ao.
  • Thay nước một phần nếu có thể.
  • Đặt nhá, vó kiểm tra tôm và căn chỉnh và giảm lượng thức ăn liên tiếp trong 2 3 ngày nếu xác định được tảo tàn nhiều và tôm giảm ăn.
  • Tăng cường chạy và oxy đáy để cung cấp đủ oxy hòa tan cho tôm, tối thiểu trên 4 ppm.
  • Rải vôi ở các khu vực có quy tụ chất thải, bùn đáy ao, nhất là khi pH nước ao thấp, duy trì pH trong khoảng 7,5 – 8,3.
  • Sử dụng men vi sinh xử lý đáy và nước nhằm đảm bảo duy trì môi trường nước ổn định.

Ao nuôi tôm nhiều bọt

Hình 2. Men vi sinh xử lý nước ao, xử lý ao nuôi tôm nhiều bọt và quản lý chất lượng nước tối ưu.

Để ngăn ngừa hiện tượng ao nuôi tôm nhiều bọt xuất hiện trong quá trình nuôi, bà con cần thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường, quản lý tảo, cho ăn vừa phải, tránh lượng thức ăn dư thừa tích tụ lâu ngày làm ô nhiễm môi trường ao nuôi. Đồng thời thường xuyên sử dụng chế phẩm vi sinh trong quá trình nuôi để làm sạch, ổn định màu nước, giảm thiểu các mầm bệnh phát triển gây bệnh cho tôm.

Trên đây là thông tin về loại bọt bất lợi cho ao tôm, cách phân biệt và cách xử lý khi ao nuôi tôm nhiều bọt. Nếu có khó khăn trong quá trình nuôi tôm thẻ, bà con có thể liên hệ ngay số HOTLINE 0909 538 514, đội ngũ kỹ sư thủy sản của Biogency luôn sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành với bà con trong mọi vụ nuôi. Chúc bà con có những mùa vụ nuôi tôm thành công!

>>> Xem thêm: Cách diệt rong nhớt trong ao nuôi tôm