Quá trình nuôi ấu trùng tôm thẻ đóng một vai trò rất quan trọng để có thể giúp bà con sản xuất được tôm đạt chất lượng cao. Tuy nhiên không phải bà con nào cũng hiểu rõ về ấu trùng tôm thẻ. Chính vì vậy, trong bài viết này Biogency sẽ giúp bà con hiểu rõ ấu trùng tôm thẻ là gì và chúng cần dinh dưỡng để phát triển như thế nào.
Ấu trùng tôm thẻ là gì?
Bà con có thể biết tới ấu trùng tôm thẻ qua những cái tên quen thuộc khác như: Tôm bột, tôm post, tôm ấu trùng. Thực ra chúng chính là tôm giống thông thường, chúng được nuôi và để cung cấp cho bà con thả giống vào đầu mỗi vụ tôm.
Kích thước của tôm ấu trùng thẻ sẽ quy định số ngày tuổi của chúng. Ví dụ PL10 là con giống đã trải qua giai đoạn phát triển hoàn chỉnh, tôm ấu trùng thẻ (tôm post) lúc này sẽ được tính là 10 ngày tuổi. Trong thời gian này, con giống cũng đã hoàn thành quá trình phát triển, biến đổi hình thái cũng như sinh lý của tôm ấu trùng và hoàn tất quá trình ương tôm giống (tôm post).
Hình 1. Hình ảnh của ấu trùng tôm thẻ.
Ấu trùng tôm thẻ trong quá trình hoàn thiện cũng sẽ cần trải qua các giai đoạn khác nhau. Quá trình hình thành nên tôm ấu trùng thẻ có thể được mô tả như sau:
- Chọn tôm trưởng thành làm tôm bố mẹ và tiến hành thụ tinh.
- Trứng được thụ tinh trong khoảng 14 đến 16 giờ đồng hồ sẽ nở thành ấu trùng Nauplius.
- Sau khoảng 36 – 40 giờ đồng hồ ấu trùng Nauplius sẽ tiếp tục phát triển thành ấu trùng Zoea.
- Trong 3 ngày, ấu trùng Zoea sẽ phát triển thành ấu trùng Mysis.
- Ấu trùng Mysis lớn lên thành hậu ấu trùng Postlarvae (pL). Ấu trùng tôm pL sẽ kéo dài từ 9 – 10 ngày, sau đó được thả nuôi trong ao vèo rồi chuyển xuống ao thịt và thu hoạch sau 3 – 4 tháng.
Tuỳ vào việc ấu trùng tôm đang phát triển ở giai đoạn nào mà cách chăm sóc và thức ăn cho ấu trùng cũng sẽ khác nhau.
Đặc điểm các giai đoạn của ấu trùng tôm thẻ?
Hình 2. Các giai đoạn phát triển của ấu trùng tôm thẻ.
Ấu trùng tôm thẻ có các giai đoạn phát triển như sau:
Như đã giới thiệu, ấu trùng tôm thẻ sẽ trải qua 4 giai đoạn với đặc điểm cụ thể của mỗi giai đoạn như sau:
– Giai đoạn 1: Giai đoạn ấu trùng Nauplius (N)
Giai đoạn ấu trùng Nauplius của tôm sẽ trải qua 6 lần lột xác và 6 giai đoạn phụ, mỗi lần kéo dài từ 5 – 7 giờ đồng hồ. Khi mới hình thành ấu trùng sau thụ tinh chúng sẽ không cử động trong khoảng 30 phút. Sau đó chúng sẽ bắt đầu bơi ngắt quãng và rất dễ bị thu hút bởi ánh sáng. Ấu trùng sẽ di duyển theo hình ziczac và không định hướng bằng 3 đôi chân phụ của chúng.
Hình 3. Giai đoạn ấu trùng Nauplius.
Bọc noãn hoàn dự trữ (yolk) sẽ là dinh dưỡng của giai đoạn ấu trùng Nauplius, và chúng chưa ăn thức ăn ngoài.
– Giai đoạn 2: Giai đoạn ấu trùng Zoea (Z)
Với ấu trùng giai đoạn Zoea, ấu trùng tôm sẽ phát triển và biến đổi qua 3 giai đoạn nhỏ là Zoea 1, Zoea 2 và Zoea 3. Ấu trùng Zoea bơi liên tục, không ngắt quãng như giai đoạn Nauplius và có xu hướng bơi gần mặt nước. Tuỳ thuộc vào ấu trùng tôm phát triển đến giai đoạn nào, màu nước lúc đó và sức khoẻ của ấu trùng mà bà con sẽ tiến hành tăng giảm thức ăn cho phù hợp. Ấu trùng Zoea thay vỏ 2 lần từ Zoea 1 đến Zoea 3 trong 5 ngày, mỗi lần kéo dài 36 giờ.
Hình 4. Giai đoạn ấu trùng Zoea.
Bà con nên tiến hành thay khoảng 30% nước bể ương khi ấu trùng tôm thẻ phát triển đến cuối giai đoạn Zoea 3 để chuyển sang giai đoạn ấu trùng Mysis.
– Giai đoạn 3: Giai đoạn ấu trùng Mysis (M)
Ở giai đoạn này, tương tự giai đoạn ấu trùng Zoea, sự phát triển và biến đổi của ấu trùng Mysis tôm thẻ cũng được chia thành 3 giai đoạn nhỏ là Mysis 1, Mysis 2 và Mysis 3. Khoảng thời gian chuyển qua các giai đoạn sẽ từ 24 đến 28 giờ đồng đồ, phụ thuộc vào nhiệt độ của nước, thức ăn và sức khoẻ của ấu trùng rồi trở thành Postlarvae. Ấu trùng Mysis có xu hướng bơi hướng xuống sâu đuôi đi trước, đầu đi sau.
Hình 5. Giai đoạn ấu trùng Mysis.
Bà con cần tiến hành sục khí mạnh vào giai đoạn này để hạn chế ấu trùng Mysis bị chìm đáy. Cuối giai đoạn này cần tiến hành xi phông đáy ao và thay khoảng 30% nước cho ao.
– Giai đoạn 4: Giai đoạn ấu trùng Postlarvae (PL)
Giai đoạn ấu trùng Postlarvae, ấu trùng tôm gần như đã phát triển hoàn chỉnh để chuẩn bị thả giống. Sau giai đoạn này tôm con đã phát triển đầy đủ các bộ phận. Bà con cần quan sát kích thước phát triển của ấu trùng tôm để chọn được loại thức ăn phù hợp.
Sau thời kỳ này thì tôm con đã có đầy đủ các bộ phận, lột xác mỗi ngày từ giai đoạn. Từ giai đoạn PL4 trở đi được xếp vào giai đoạn ấu niên. Trong các trại sản xuất tôm giống khi đạt đến PL8 trở lên có thể xuất bán để đưa ra ao nuôi.
Hình 6. Giai đoạn ấu trùng Postlarvae.
Tương tự các giai đoạn trước, bà con cũng cần tiến hành xi phông đáy ao và tiếp tục thay khoảng 30% nước hàng ngày để tôm giống có khả năng phát triển tốt nhất.
Cần cung cấp dinh dưỡng cho ấu trùng tôm như thế nào?
Tuỳ thuộc vào ấu trùng tôm thẻ phát triển đến giai đoạn nào mà bà con cần bổ sung dinh dưỡng khác nhau. Bà con có thể tham khảo các thông tin sau để tiến hành cung cấp dinh dưỡng cho ấu trùng tôm thẻ hiệu quả.
– Cung cấp dinh dưỡng cho ấu trùng tôm ở giai đoạn ấu trùng Nauplius (N)
Như đã trình bày ở phần đặc điểm của giai đoạn này, noãn hoàn dự trữ sẽ là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho ấu trùng và chúng chưa ăn thức ăn bên ngoài. Tuy nhiên, ở cuối giai đoạn ấu trùng Nauplius bà con bổ sung thêm tảo tươi để làm thức ăn cho ấu trùng. Lượng tảo tươi được đưa vào cho ấu trùng khoảng 100 lít/1.000.000 ấu trùng.
Hình 7. Vi tảo thức ăn cho ấu trùng tôm
– Cung cấp dinh dưỡng cho ấu trùng tôm ở giai đoạn ấu trùng Zoea (Z)
Ở giai đoạn ấu trùng Zoea tảo tươi vẫn là thành phần chính trong nguồn thức ăn cho ấu trùng. Ngoài ra còn có tảo khô và thức ăn tổng hợp với tỷ lệ như sau:
- Tảo tươi (60% – 80%).
- Tảo khô (10%).
- Thức ăn tổng hợp (chiếm khoảng 10% đến 30%) gồm 40% Frippak + 20% Lansy +20% V8-Zoea + 15% No + 5% ET 600.
Lượng tảo tươi thường dùng trong cả giai đoạn ấu trùng Zoea là 200 đến 300 lít tảo/1.000.000 ấu trùng/ngày với mật độ tuỳ thuộc với kích thước tảo. Trong khi đó đối với tảo khô và thức ăn tổng hợp liều lượng sẽ tùy thuộc vào giai đoạn của ấu trùng là Zoea 1 hay Zoea 2:
- Giai đoạn Zoea 1: Lượng tảo khô sử dụng 8 -10g/1.000.000 ấu trùng/ngày và thức ăn tổng hợp 20-30g/1.000.000 ấu trùng/ngày.
- Giai đoạn Zoea 2: Lượng tảo khô sử dụng 13 -17g/1.000.000 ấu trùng/ngày và thức ăn tổng hợp 40-50g/1.000.000 ấu trùng/ngày.
Giai đoạn cuối cùng của giai đoạn ấu trùng Zoea là Zoea 3, cần bổ sung Artemia vào khẩu phần ăn với luông 50g/1.000.000 ấu trùng/ngày.
Hình 8. Ấu trùng Artemia làm thức ăn cho ấu trùng tôm thẻ.
– Cung cấp dinh dưỡng cho ấu trùng tôm ở giai đoạn ấu trùng Mysis (M)
Ở giai đoạn ấu trùng Mysis, lượng tảo tươi sẽ giảm còn 100 lít/1.000.000 ấu trùng/ngày. Tôm ấu trùng sẽ được cho ăn 8 lần/ngày với:
- 4 lần cho ấu trùng tôm ăn thức ăn tổng hợp.
- 4 lần cho ấu trùng tôm ăn Artemia.
Chia theo từng giai đoạn con của giai đoạn ấu trùng Mysis, lượng thức ăn sẽ như sau:
- Giai đoạn Mysis 1: Sử dụng 100g thức ăn tổng hợp và 80g Artemia bung dù.
- Giai đoạn Mysis 2: Sử dụng 120g thức ăn tổng hợp và 100g Artemia bung dù.
- Giai đoạn Mysis 3: Sử dụng 140g thức ăn tổng hợp và 120g Artemia bung dù.
Thức ăn tổng hợp sẽ bao gồm: 30% Frippak + 20% Lansy +25% V8-Zoea + 20% No + 5% ET 600.
Từ giai đoạn Mysis, ấu trùng tôm sẽ lột xác hàng ngày. Chính vì vậy cần bổ sung khoáng chất với lượng 2 – 5 ppm và Vitamin C với lượng 1 ppm vào thức ăn tổng hợp.
– Cung cấp dinh dưỡng cho ấu trùng tôm ở giai đoạn ấu trùng Postlarvae (PL)
Bước tới giai đoạn này, tỷ lệ thức ăn tổng hợp cho ấu trùng tôm sẽ là: 30% Frippak + 30% Green Flake + 40% No. Đồng thời cũng bổ sung ấu trùng tôm ăn Artemia, nên sử dụng Nauplius Artemia và bỏ vỏ để đảm bảo vệ sinh trong môi trường ương tôm giống.
Sau mỗi lần chuyển các giai đoạn phụ, sẽ có sự thay đổi của lượng thức ăn tổng hợp và lượng Artemia tăng 20 -40 g cho 1.000.000 ấu trùng. Lượng thức ăn 1.000.000 ấu trùng qua giai đoạn Postlarvae như sau:
Giai đoạn | Ấu trùng Artemia (g) | Thức ăn tổng hợp (g) |
Postlarvae 1 | 140 | 150 |
Postlarvae 2 | 160 | 160 |
Postlarvae 3 | 200 | 170 |
Postlarvae 4 | 220 | 180 |
Postlarvae 5 | 240 | 200 |
Postlarvae 6 | 240 | 220 |
Postlarvae 7 | 240 | 240 |
Postlarvae 8 | 240 | 260 |
Postlarvae 9 + 10 | 240 | 280 |
Trong quá trình ương tôm giống, cần quan sát và điều chỉnh lượng thức ăn theo nhu cầu dinh dưỡng của ấu trùng.
Vậy là bài viết này đã chia sẽ đến bà con những thông tin cần biết về ấu trùng tôm thẻ, cũng như nhu cầu dinh dưỡng của chúng ở mỗi giai đoạn như thế nào. Mong rằng với những kiến thức này có thể giúp ích một phần vào mùa vụ thành công của bà con. Mọi khó khăn và thắc mắc trong quá trình nuôi tôm bà con có thể liên hệ ngay HOTLINE 0909 538 514, các kỹ sư thủy sản của Biogency luôn sẵn sàng hỗ trợ.
>>> Xem thêm: Cấu tạo đầu tôm & Loại bệnh ở đầu tôm thường gặp trong quá trình nuôi