Các phương pháp xử lý nước thải nuôi tôm (Phần1)

Nước thải từ hoạt động nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh phần lớn chứa hàm lượng rất cao chất dinh dưỡng ở dạng hòa tan (chủ yếu là Nitơ và Photpho), chất hữu cơ lơ lửng và có thể tồn dư kháng sinh, hóa chất diệt khuẩn hoặc các loại vi khuẩn gây bệnh. Do đó, hầu hết các phương pháp xử lý nước thải nuôi tôm đều dựa trên nguyên lý loại bỏ các chất dinh dưỡng, chất rắn lơ lửng và khử trùng để giảm tác động của chúng đến môi trường.

phương pháp xử lý nước thải nuôi tôm

Phương pháp xử lý nước thải nuôi tôm bằng hệ thống xử lý nước thải công nghiệp

Nước thay và nước xi phông sẽ tách các chất rắn lơ lửng bằng thiết bị lọc trống. Nước sau khi tách chất rắn lơ lửng sẽ được đưa vào các bể xử lý sinh học.

Tại đây, bể lọc sinh học với các giá thể sinh học lơ lửng trong nước sẽ được sục khí tích cực và nhờ vào số lượng lớn vi sinh trong bùn hoạt tính sẽ chuyển hóa các hợp chất hữu cơ hòa tan thành hợp chất vô cơ không độc hoặc sinh khối vi khuẩn.

Nước sau khi qua khỏi bể lọc sinh học được chuyển qua bể lắng để tách bùn, sau đó chuyển qua bể khử trùng diệt khuẩn và tuần hoàn tái sử dụng hoặc thải ra môi trường. Lượng bùn phát sinh từ bể lắng sẽ được thu gom vào bể chứa bùn để xử lý hoặc tận dụng trồng cây.

Sơ đồ xử lý nước thải nuôi tôm bằng bể xử lý sinh học

Hình 1. Sơ đồ xử lý nước thải nuôi tôm bằng bể xử lý sinh học.

Ưu điểm phương pháp xử lý nước thải nuôi tôm bằng hệ thống xử lý nước thải công nghiệp:

  • Xử lý nước thải với hiệu suất cao.
  • Thời gian xử lý nhanh.

Nhược điểm:

  • Chi phí cao.
  • Đòi hỏi phải có chuyên môn sâu về nguyên lý kỹ thuật để vận hành.
  • Chỉ áp dụng được đối với các công ty lớn, khó áp dụng đại trà.

Phương pháp xử lý nước thải nuôi tôm bằng ao sinh học

Phương pháp sử dụng ao sinh học xử lý nước thải nuôi tôm dựa trên nguyên lý xử lý nước thải nhờ vào các quá trình phân hủy sinh học các hợp chất hữu cơ của các loại vi sinh hữu ích và các loài thủy sản ăn chất cặn lắng hữu cơ như cá rô phi, sò, nghêu…

Trên thực tế, hệ thống xử lý bằng ao sinh học được thiết kế gồm nhiều ao kế tiếp nhau có công dụng khác nhau, trong đó chủ yếu là ao lắng và ao xử lý sinh học kỵ khí, hiếu khí hoặc tùy nghi (ao có cả vùng kỵ khí và hiếu khí).

Tác dụng của các ao lắng nhằm giữ lại phần lớn chất lơ lửng trước khi nước thải được đưa vào các ao sinh học, thiết kế ao lắng phải phù hợp để có đủ thời gian lắng các cặn lơ lửng.

Sơ đồ các quá trình sinh học xảy ra trong hồ sinh học tùy nghi.

Hình 2. Sơ đồ các quá trình sinh học xảy ra trong hồ sinh học tùy nghi.

Tại các ao xử lý sinh học, chất hữu cơ lơ lửng sẽ được phân hủy sinh học bằng hệ vi sinh vật có trong ao cũng như tận dụng nuôi các loài thủy sản như: Cá phi, cá nâu, sò, nghêu… để xử lý các chất rắn lơ lửng, rong tảo. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau, người dân thường nuôi cá trê để tận dụng vỏ tôm lột, cá phi, cá nâu để xử lý chất thải xi phông từ ao nuôi.

Ưu điểm phương pháp xử lý nước thải nuôi tôm bằng ao sinh học:

  • Chi phí thấp.
  • Dễ thực hiện và áp dụng đại trà.

Nhược điểm:

  • Đòi hỏi phải có diện tích lớn để bố trí ao sinh học.
  • Chất lượng nước sau xử lý còn biến động.
  • Thời gian xử lý khá lâu.

Phương pháp xử lý nước thải nuôi tôm bằng công nghệ Biofloc

Áp dụng công nghệ Biofloc (hoặc Semi-biofloc) để xử lý nước tại nguồn

Công nghệ Biofloc được khởi xướng bởi Giáo sư Yoram Avnimelech người Israel, dựa trên nền tảng là thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn dị dưỡng bằng cách bổ sung nguồn Carbon bên ngoài như mật đường vào ao nuôi trong điều kiện không thay nước và chúng sẽ chuyển hóa các chất hữu cơ dư thừa trong ao nuôi thành sinh khối cơ thể của chúng.

Nguyên lý của công nghệ này là do cơ thể của vi khuẩn dị dưỡng được cấu tạo bởi tỷ lệ C:N khoảng 4:1, do vậy với sự hiện diện của hàm lượng Nitơ cao trong ao nuôi (dưới dạng NH3/NH4+) chỉ cần cung cấp nguồn Carbon bên ngoài vào ao nuôi, vi khuẩn dị dưỡng sẽ sinh trưởng mạnh mẽ, lấn át sự phát triển của tảo, làm sạch nước ao giúp hạn chế tối đa được việc thay nước và làm giảm lượng nước thải phát sinh. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn phát sinh một lượng nước xi phông nhỏ và cần có các biện pháp xử lý bổ sung để xử lý triệt để lượng thải này.

Ưu điểm phương pháp xử lý nước thải nuôi tôm bằng công nghệ Biofloc:

  • Đảm bảo an toàn sinh học.
  • Giảm chi phí sản xuất nhờ giảm hệ số chuyển đổi thức ăn FCR (Feed Conversion Ratio) và không thay nước nên tiết kiệm được chi phí vận hành.
  • Nước thải phát sinh chỉ gồm nước xi phông đáy ao, tuy nhiên hàm lượng chất ô nhiễm thấp do phần lớn đã được chuyển hóa thành sinh khối vi khuẩn.

Nhược điểm:

  • Đòi hỏi phải có chuyên môn sâu về nguyên lý kỹ thuật và cách vận hành của công nghệ Biofloc.
  • Nhu cầu về điện cao, phải đảm bảo luôn có nguồn điện dự phòng.
  • Phải áp dụng các biện pháp xử lý bổ sung để xử lý lượng nước thải từ quá trình xi phông.

—–

Lựa chọn phương pháp xử lý nước thải nuôi tôm như thế nào tùy thuộc vào kỹ thuật vận hành, điều kiện và chi phí của người nuôi. Để được tư vấn chi tiết hơn về các kỹ thuật nuôi tôm an toàn bằng men vi sinh Microbe-Lift giúp giảm thiểu chi phí xử lý nước thải nuôi tôm, hãy liên hệ Biogency theo HOTLINE 0909 538 514.

>>> Xem thêm: Chuẩn bị nước ao nuôi tôm và gây màu nước trước khi thả giống