Tôm bị hội chứng chậm lớn là một trong những nỗi lo hàng đầu của bà con nuôi tôm. Càng lo lắng hơn khi bệnh này chưa có thuốc đặc trị. Tuy nhiên, trong dân gian có phương pháp điều trị bệnh tôm chậm lớn bằng trái cây cau kiểng và rau sam giúp loại bỏ bào tử vi trùng khoảng 70 – 80%. Hãy cùng Biogency tìm hiểu chi tiết hơn qua bài viết dưới đây.
Nguyên nhân tôm bị hội chứng chậm lớn (EHP)
Tôm bị bệnh chậm lớn xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2015 do Bệnh vi bào tử trùng (Microsporidian) từ ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) thuộc họ Enterocytozoonidae gây ra.
Ký sinh trùng EHP ký sinh trong gan, tụy tôm và nhân lên bên trong tế bào chất của biểu mô ống gan, tụy. EHP ký sinh nội bào và sử dụng dinh dưỡng, năng lượng dự trữ trong gan, tụy khiến tôm không đủ dinh dưỡng, năng lượng cho sự tăng trưởng và lột xác. Về thời gian dài, gây cho tôm chậm lớn, giảm sức đề kháng tôm dễ bị nhiễm các bệnh khác và có thể chết tôm.
Ngoài ra, tôm nhiễm EHP có thể tăng tính mẫn cảm với một số bệnh như: Đốm trắng (WSD), hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND),… dẫn đến tỷ lệ chết có thể lên đến 100% trong khoảng thời gian ngắn.
Hình 1. Tôm bị chậm lớn là một trong những bệnh thường gặp ở tôm, do ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) gây ra.
Mặc dù, đây không phải là bệnh nguy hiểm, không phải là nguyên nhân trực tiếp gây chết tôm nhưng là nguyên nhân gián tiếp gây thiệt hại về kinh tế cho người nuôi tôm.
Do vi khuẩn EHP có khả năng nhân lên mạnh mẽ nên tốc độ lây lan nhanh. Tôm bị nhiễm ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) thường từ các nguyên nhân:
- EHP từ tôm bố mẹ truyền bị nhiễm có thể truyền qua cho tôm con trong quá trình sinh sản.
- Trong môi trường nước ao đã từng nhiễm bệnh EHP sẽ chứa các mầm mầm bệnh hoặc do ăn thức ăn tươi sống có mầm bệnh nhiễm từ tôm này sang tôm khác hoặc ao này sang ao khác.
- EHP trong môi trường nuôi bám vào vỏ tôm trong quá trình lột xác để xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.
- Tôm ăn thức ăn tươi sống hoặc sinh vật trong ao nuôi bị nhiễm EHP như: Các loài giun đất, giun nhiều tơ (dời), động vật hai mảnh vỏ (ngao, sò, hàu…) và Artemia…
Triệu chứng tôm bị hội chứng tôm chậm lớn (EHP)
Tôm bị bệnh EHP không có biểu hiện rõ và các giai đoạn 1 cách rõ ràng. Tuổi tôm có khả năng bị nhiễm bệnh cũng không theo chu kỳ, sau khoảng 25 ngày thả nuôi có thể thấy kích cỡ tôm không đồng đều, có con chỉ đạt tăng trưởng thấp khoảng 10 – 40% so với các tôm khỏe mạnh, không nhiễm EHP.
Ngoài ra, trên các ao tôm nuôi đã nhiễm hội chứng phân trắng (WFS) có thể thấy khả năng nhiễm EHP nhiều hơn với tỷ lệ nhiễm lên đến 96% và hội chứng chậm lớn (MSGS) với tỷ lệ nhiễm khoảng 55,5%.
Hình 2. Tôm bị bệnh phân trắng có khả năng nhiễm ký sinh trùng EHP cao hơn với tỷ lệ nhiễm lên đến 96%.
Phương pháp phòng và điều trị bệnh tôm chậm lớn do ký sinh trùng EHP gây ra
EHP là bệnh ký sinh trùng nội bào, đến nay chưa có thuốc điều trị, do đó việc sử dụng kháng sinh để phòng và điều trị bệnh tôm chậm lớn do EHP là không hiệu quả. Việc lạm dụng kháng sinh làm cho tôm chậm lớn và gây ra hiện tượng kháng kháng sinh. Vì vậy việc phòng, chống bệnh do EHP chủ yếu dựa vào việc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật trong quản lý ao nuôi như:
- Quản lý con giống, thức ăn, môi trường nuôi, quy trình nuôi…
- Đồng thời, thực hiện đầy đủ, liên tục các yêu cầu an toàn sinh học là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay.
Trái cây cau kiểng và rau sam giúp phòng và điều trị bệnh tôm chậm lớn (EHP)
– Chuẩn bị trái cau kiểng và rau sam
Chuẩn bị: 0,5 kg cau già (lấy trái cau chín) + 0,5 kg rau sam + cồn 70% (mua cồn Thái để đảm bảo chất lượng).
Hình 3. Trái cau kiểng giúp phòng và điều trị bệnh tôm chậm lớn.
Hình 4. Rau sam giúp phòng và điều trị bệnh tôm chậm lớn.
Thực hiện: Rửa sạch trái cau kiểng và rau sam, sau đó xay nhuyễn tạo thành hỗn hợp. Cho thêm 10 lít nước sạch vào nấu sôi trong 2 giờ, để nguội rồi vắt lấy nước cốt.
Bảo quản: Để bảo quản được hỗn hợp dung dịch sau khi chiết được lâu, pha nước cốt ở trên với cồn 70%, cứ 8 lít nước cốt thì pha với 2 lít cồn để tạo thành sản phẩm sử dụng.
– Liều lượng sử dụng
Sử dụng với liều lượng cứ 1 lít thành phẩm sử dụng trộn chung với 20 – 30 kg thức ăn tôm sẽ giúp sổ được nhóm ký sinh trùng và bào tử trùng trong cơ thể tôm.
Tuy nhiên, một lưu ý quan trọng là sau khi sổ được ký sinh trùng và bào tử trùng ra thì việc tiếp theo là cần xử lý nước ao và si phông đáy để loại bỏ bào tử trùng ra khỏi nước, tránh tái nhiễm lại.
Đối với bệnh tôm chậm lớn do vi bào tử trùng, không có biện pháp nào có thể loại bỏ 100% vi bào tử trùng. Cách sử dụng bài thảo dược gồm trái cau kiểng và rau sam là phương pháp có hiệu quả loại bỏ 70 – 80% mầm bệnh.
—–
Để nuôi tôm an toàn và hiệu quả, bà con nên tập trung ưu tiên phòng bệnh hơn là điều trị bệnh tôm chậm lớn bằng cách xử lý nước, xử lý đáy và xử lý khí độc ao nuôi thường xuyên, tạo môi trường thuận lợi nhất cho tôm phát triển khỏe mạnh và đều con, về size lớn. Để biết thêm thông tin về các giải pháp sinh học trong xử lý nước, xử lý đáy và xử lý khí độc ao nuôi tôm, bà con hãy liên hệ Biogency theo HOTLINE 0909 538 514, Biogency luôn sẵn sàng đồng hành cùng bà con để có những mùa vụ nuôi tôm thành công.
>>> Xem thêm: Men vi sinh Microbe-Lift AQUA N1 xử lý khí độc ao tôm hiệu quả như thế nào?