Nuôi cá tra hiện nay là một trong những mô hình nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao tại Việt Nam. Tuy nhiên, song song với tiềm năng là những thách thức lớn mà bà con phải đối mặt bởi vì môi trường ao nuôi cá tra dễ bị ô nhiễm, tạo điều kiện cho nhiều mầm bệnh, đặc biệt là sự xuất hiện của các loại ký sinh trùng phát triển và gây hại, gây bệnh nghiêm trọng tới sức khỏe cá tra. Những tác nhân này không chỉ làm giảm năng suất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cá tra thương phẩm.
Ký sinh trùng là gì?
Ký sinh trùng là những sinh vật sống nhờ trên cơ thể của loài khác để tồn tại và phát triển. Trong các ao nuôi cá tra, các loại ký sinh trùng có thể sống trong môi trường nước hoặc ký sinh trực tiếp trên cơ thể cá tra như da, mang, nội tạng. Chúng hút chất dinh dưỡng từ cá, làm tổn thương mô, gây ra các loại bệnh lý nguy hiểm như lở loét, suy hô hấp, giảm khả năng miễn dịch, gây stress, bệnh có thể lây lan nhanh chóng thậm chí tử vong hàng loạt nếu không phát hiện và xử lý kịp thời.

Các bệnh do ký sinh trùng thường gặp trên cá tra
Trong quá trình nuôi cá tra, bà con có thể gặp phải một số loại bệnh điển hình do ký sinh trùng gây ra như:
– Bệnh do trùng bánh xe (Trichodina spp.):
- Triệu chứng: Cá nhiễm trùng bánh xe thường bơi lờ đờ, nổi đầu, da tiết nhiều nhớt, tróc vảy và dễ bị lở loét nếu bệnh nặng. Loại ký sinh này thường bám trên da và mang cá, gây tổn thương biểu mô và cản trở quá trình hô hấp.
- Điều trị: Tắm cá bằng dung dịch formol trong vòng 1 giờ, hoặc sử dụng KMnO₄ (thuốc tím).
- Phòng ngừa: Bà con cần vệ sinh ao nuôi sạch sẽ trước khi thả giống, không sử dụng thức ăn tươi sống chưa qua xử lý nhiệt và nên duy trì chất lượng nước ở mức ổn định.
>>> Xem thêm: Giải pháp: Xử lý bùn ao nuôi cá tra
– Bệnh do sán lá mang (Dactylogyrus spp.):
- Triệu chứng: Sán ký sinh trên mang cá, làm mang bị tổn thương, sưng đỏ. Cá có biểu hiện thở gấp, nổi đầu lên mặt nước do thiếu oxy, hoạt động kém.
- Điều trị: Formalin (formaldehyde 37–40%),Praziquantel, Kali permanganat (KMnO₄).
- Phòng ngừa: Nguồn cá giống tốt, môi trường ao sạch và tăng cường sức đề kháng cho cá.
– Bệnh do trùng mỏ neo (Lernaea spp.):
- Triệu chứng: Cá bị trùng mỏ neo thường có vết loét ngoài da, cơ thể yếu, biếng ăn nguyên nhân là do cá bị ngứa thường cọ mình vào thành ao. Trên da có thể quan sát thấy các sợi nhỏ như chỉ bám vào — đó chính là phần đuôi của trùng mỏ neo.
- Điều trị: Formalin (37–40%), Organophosphate, Kalic permanganat (KMnO₄).
- Phòng ngừa: Cải tạo và vệ sinh ao kỹ lưỡng, kiểm soát nguồn nước vào, chọn cá giống sạch bệnh, quản lý mật độ nuôi hợp lý, tạt diệt giáp xác trung gian định kỳ.
– Bệnh do trùng quả dưa (Ichthyophthirius multifiliis):
- Triệu chứng: Đây là loại trùng rất phổ biến trong mùa lạnh. Trên da cá xuất hiện những đốm trắng nhỏ li ti như hạt muối, cá thở dốc, kém ăn, bơi sát mặt nước, chết rải rác nếu không được điều trị kịp thời.
- Điều trị: Tắm cá bằng dung dịch xanh malachite kết hợp với formol để tiêu diệt triệt để ký sinh trùng.
- Phòng ngừa: Không nên thả cá vào thời điểm thời tiết lạnh, đảm bảo môi trường nước luôn ổn định nhiệt độ và độ pH.
– Bệnh do trùng lỗ (Chilodonella spp.):
- Triệu chứng: Cá bị nhiễm trùng lỗ thường có mang nhợt nhạt, thở gấp, bơi lội bất thường, và da tiết nhiều nhớt. Nếu không điều trị, cá sẽ yếu dần và có thể chết.
- Điều trị: Dùng dung dịch formol hoặc KMnO₄ với nồng độ thích hợp để tắm cá, giúp diệt trùng hiệu quả.
- Phòng ngừa: Giảm mật độ nuôi không để cá bị stress do quá tải hay chất lượng nước kém. Nguồn nước cần được kiểm soát chặt chẽ, luôn trong tình trạng sạch và ổn định.

Khuyến cáo và biện pháp phòng bệnh chung khi nuôi cá tra
Để hạn chế các loại bệnh do ký sinh trùng, bà con cần áp dụng một số biện pháp quản lý ao nuôi và chăm sóc cá đúng cách:
- Kiểm tra định kỳ: Theo dõi sức khỏe cá thường xuyên đặc biệt là kiểm tra mẫu bằng kính hiển vi định kỳ để phát hiện sớm ký sinh trùng.
- Không lạm dụng thuốc: Không tự ý sử dụng thuốc hoặc hóa chất khi chưa có hướng dẫn cụ thể từ chuyên gia thủy sản. Việc lạm dụng thuốc bừa bãi có thể gây tác dụng phụ không mong muốn và làm cá yếu hơn.
- Quản lý tốt các yếu tố môi trường nước: Kiểm soát pH, nhiệt độ, nồng độ oxy hòa tan, nồng độ khí độc như NH3, NO2 thường xuyên là điều kiện tiên quyết để cá khỏe mạnh và tăng sức đề kháng.
- Sử dụng men vi sinh chất lượng: Các dòng Microbe-Lift AQUA C và Microbe-Lift AQUA SA có công dụng là giúp kiểm soát môi trường tốt, tăng sức đề kháng, giảm việc phát triển của các loại ký sinh trùng trong bùn và nước ao nuôi cá tra.

Ký sinh trùng là mối nguy hại tiềm ẩn nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh và kiểm soát được nếu bà con chủ động giám sát và áp dụng đúng kỹ thuật nuôi. Bên cạnh việc sử dụng các sản phẩm xử lý hiệu quả, việc giữ gìn môi trường nước trong sạch, duy trì mật độ cá hợp lý và cung cấp dinh dưỡng đầy đủ là những yếu tố then chốt để đảm bảo thành công trong nuôi cá tra.
>>> Xem thêm: Kỹ thuật nuôi cá tra thương phẩm đạt năng suất cao