Mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi đang mang lại hiệu quả cao

Những năm gần đây, các mô hình áp dụng kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi ở nước ta đã và đang mang lại hiệu quả cao, giúp nâng cao giá trị, gia tăng sản phẩm nông nghiệp, tận dụng đầu ra của chăn nuôi tạo nguồn phân bón hữu cơ cho trồng trọt, làm thức ăn cho gia súc.

Mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi đang mang lại hiệu quả cao

Mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi là gì?

Theo ước tính của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giai đoạn 2018-2022, mỗi năm nước ta có trung bình 60 triệu tấn phân và hơn 290 triệu m3 nước thải chăn nuôi được thải ra từ các loại vật nuôi chính cần được xử lý, tái sử dụng để bảo vệ môi trường.

Hằng năm, Việt Nam sử dụng khoảng 11 triệu tấn phân bón cho gần 10 triệu ha đất nông nghiệp. Trong khi đó, ngành chăn nuôi với quy mô năm 2022 là 544 triệu con gia cầm, hơn 29 triệu con lợn và 8,6 triệu con trâu, bò. Mỗi năm, số lượng phân và nước thải chăn nuôi thải ra rất lớn nhưng chỉ một phần được xử lý làm phân hữu cơ hoặc làm nguyên liệu đầu vào cho khí sinh học tạo năng lượng tái tạo, còn hầu hết được thải ra môi trường gây lãng phí và ô nhiễm.

Mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi đang mang lại hiệu quả cao
Trung bình 60 triệu tấn phân và hơn 290 triệu m3 nước thải chăn nuôi mỗi năm.

Chăn nuôi tuần hoàn là khái niệm khá mới mẻ với nhiều người tuy nhiên thực tế nông nghiệp tuần hoàn đã tồn tại ở Việt Nam từ rất lâu đời trong các hệ thống canh tác như vườn – ao – chuồng, vườn – ao – chuồng – rừng, xen canh, gối vụ. Trong các hệ thống này, chất thải của chăn nuôi được sử dụng để phục vụ cho trồng trọt, phụ phẩm trồng trọt được sử dụng để làm thức ăn cho vật nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Nhìn chung, kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi là quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng khoa học tiến bộ kỹ thuật và áp dụng các giải pháp công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý.

Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và nhất là giảm thiểu đi đến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Hiệu quả của mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi

Theo Cục Chăn nuôi, thời gian qua trên cả nước có nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ, tuần hoàn đã hình thành và đang được nhân rộng, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào sản xuất chăn nuôi theo chuỗi khép kín với quy mô lớn và sản xuất theo hướng tuần hoàn.

– Xử lý chất thải nhờ chăn nuôi hướng hữu cơ:

Để xử lý chất thải chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn, các biện pháp đang được áp dụng gồm làm ủ làm phân bón hữu cơ, sản xuất năng lượng sạch, đệm lót sinh học, vi sinh khử mùi và xử lý chất thải, chăn nuôi các loại côn trùng ăn chất thải (trùn quế, ruồi lính đen).

Mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi đang mang lại hiệu quả cao
Chăn nuôi hữu cơ khép kín.

Vốn là hộ nghèo ở xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), năm 2022, gia đình bà Nguyễn Thị Đời, dân tộc Tà Ôi được Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ với 95 con.

Bà Đời cho biết: “Trước đây, gia đình tôi nuôi lợn nhưng số lượng ít và theo cách truyền thống cho nên hiệu quả không cao. Từ khi tham gia mô hình này, được hỗ trợ giống tốt, xây dựng chuồng trại thoáng mát và được hướng dẫn quy trình chăn nuôi, cung cấp thức ăn cho nên lợn sinh trưởng nhanh.

So với chăn nuôi truyền thống trước đây, hiệu quả từ chăn nuôi theo hướng hữu cơ cao hơn. Đến nay, gia đình tôi đã bán được nhiều lứa và được thu mua, bình quân mỗi năm thu được 60 đến 70 triệu đồng. Các loại chất thải từ lợn được gia đình ủ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng để quay lại cho chăn nuôi lợn theo hướng tuần hoàn”. (theo: nhandan.vn)

– Sử dụng phế, phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi:

Năm 2023, từ nguồn kinh phí khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông và DVNN Tiền Giang đã phối hợp với Trung tâm DVNN huyện Cai Lậy, UBND xã Mỹ Long thực hiện mô hình trình diễn “Kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi dê (sử dụng phụ phẩm từ cây mít ủ chua làm thức ăn cho  dê)”, quy mô 100 con/04 hộ nhằm mục đích chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về quy trình chăn nuôi dê an toàn sinh học; ứng dụng quy trình ủ chua phụ phẩm mít (xơ mít, mít non, hột mít) và phân dê bằng men vi sinh thứ cấp.

Kết quả, thức ăn ủ chua thay thế 50% lượng thức ăn thô xanh (cỏ) giúp người chăn nuôi chủ động thức ăn, bảo quản thức ăn lâu và đặc biệt tăng giá trị dinh dưỡng của phụ phẩm nông nghiệp.

Việc sử dụng thức ăn pha trộn ủ chua (hạt mít xay nhuyễn + bột bắp + cám gạo) thay thế 30% thức ăn hỗn hợp đã giảm lượng thức ăn hỗn hợp và rút ngắn thời gian nuôi nên đã giảm chi phí sản xuất, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi dê với lợi nhuận 2,5 tháng nuôi vỗ béo là 142.075.000 đồng/100con, trung bình là 1.420.075 đồng/con; cao hơn ngoài mô hình là 29.625.000 đồng/100 con, trung bình là 296.625 đồng/con. (theo: snnptnt.tiengiang.gov.vn)

Có thể thấy, kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi là một hướng đi đúng đắn trong chăn nuôi hiện đại. Đây là một xu thế tất yếu để ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nguồn tài nguyên dần hạn hẹp và nguy cơ ô nhiễm môi trường chăn nuôi vẫn hiện hữu.

>>> Xem thêm: Chăn nuôi tuần hoàn hướng đến Net Zero Carbon