Nếu đang áp dụng hình thức chăn nuôi hộ gia đình bà con cần nắm các quy định, yêu cầu trong Luật Chăn nuôi 2018 nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững. Dưới đây là các quy định cơ bản.
Chăn nuôi hộ gia đình là gì?
Chăn nuôi hộ gia đình là hình thức chăn nuôi có quy mô nhỏ, không sử dụng lao động ngoài gia đình, không sử dụng công nghệ cao và không có yêu cầu về diện tích chuồng trại. Theo đó, quy mô chăn nuôi nông hộ được quy định dưới 10 đơn vị vật nuôi.
Các yêu cầu trong chăn nuôi hộ gia đình bà con cần biết
Chăn nuôi hộ gia đình cần tuân thủ các yêu cầu về điều kiện cơ sở chăn nuôi, yêu cầu xử lý chất thải chăn nuôi, tiếng ồn nhằm hạn chế các tác động đến môi trường và cuộc sống người dân khu vực xung quanh.
Theo đó, chăn nuôi nông hộ phải đáp ứng các yêu cầu về cơ sở chăn nuôi được quy định tại điều 56 trong Luật chăn nuôi 2018 bao gồm:
- Chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người.
- Định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi.
- Có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch; thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định. của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó tổ chức, cá nhân chăn nuôi có nghĩa vụ sau đây:
- Thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định tại Điều 54 của Luật này.
- Thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi.
- Xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Bảo đảm đối xử nhân đạo với vật nuôi theo quy định của pháp luật.
Điều 54 trong luật Chăn nuôi 2018 quy định:
- Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi với Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định loại, số lượng vật nuôi phải thực hiện kê khai, thời điểm kê khai và mẫu kê khai hoạt động chăn nuôi.
Yêu cầu về xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ
Chất thải chăn nuôi bao gồm chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ, nước thải chăn nuôi, khí thải và chất thải khác. Việc xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ được quy định tại điều 60, theo đó chủ chăn nuôi nông hộ phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
- Có biện pháp xử lý phân, nước thải, khí thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và không gây ảnh hưởng đến người xung quanh.
- Vật nuôi chết vì dịch bệnh và chất thải nguy hại khác phải được xử lý theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.
Xử lý tiếng ồn trong hoạt động chăn nuôi
Ngoài chất thải thì trong quá trình hoạt động chăn nuôi còn sản sinh ra tiếng ồn có tác động tiêu cực đến con người và môi trường xung quanh. Tiếng ồn trong hoạt động chăn nuôi bao gồm tiếng ồn phát ra từ vật nuôi, thiết bị sử dụng trong hoạt động chăn nuôi.
Trong Luật chăn nuôi 2018, việc xử lý tiếng ồn trong hoạt động chăn nuôi được quy định tại Điều 61, theo đó tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại, chủ chăn nuôi nông hộ phải xử lý tiếng ồn phát ra trong hoạt động chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn trong hoạt động chăn nuôi.
STT | Khu vực | Từ 6 giờ đến 21 giờ | Từ 21 giờ đến 6 giờ |
1 | Khu vực đặc biệt | 55 | 45 |
2 | Khu vực thông thường | 70 | 55 |
Trong đó:
- Khu vực đặc biệt là những khu vực trong hàng rào của các cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa và các khu vực có quy định đặc biệt khác.
- Khu vực thông thường gồm khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính.
Có thể thấy, chăn nuôi hộ gia đình ở các vùng nông thôn ngày càng phát triển và mở rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, bên cạnh các mô hình phát triển bền vững thì phần lớn các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chưa được kiểm soát tốt, chưa có hệ thống xử lý chất thải, nhiều sai phạm chưa xử lý khắt khen, điều này tiềm ẩn các mối nguy hại gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.
>>> Xem thêm: Xử lý chất thải khi chăn nuôi heo quy mô lớn