Sự phát triển của thị trường tín chỉ Carbon

Thị trường tín chỉ Carbon là công cụ quan trọng trong giảm phát thải khí nhà kính. Hiện nay, việc xây dựng và phát triển thị trường tín chỉ Carbon đang phát triển nhanh chóng trên toàn cầu. Trong bài viết dưới đây hãy cùng tìm hiểu về sự phát triển của thị trường tín chỉ Carbon.

Sự phát triển của thị trường tín chỉ Carbon

Thị trường tín chỉ Carbon và vai trò của thị trường tín chỉ Carbon

– Thị trường tín chỉ carbon là gì?

Thị trường tín chỉ carbon chính là nơi diễn ra những giao dịch liên quan đến việc trao đổi, mua bán tín chỉ carbon giữa các tổ chức, công ty, đơn vị hoặc giữa các quốc gia. Carbon (CO2) là loại khí nhà kính có thể quy đổi tương đương mọi loại khí nhà kính khác nên các giao dịch được gọi chung là trao đổi, mua bán Carbon, hình thành nên thị trường tín chỉ Carbon hay thị trường Carbon

Sự phát triển của thị trường tín chỉ Carbon
Thị trường tín chỉ carbon là nơi giao dịch, mua bán tín chỉ carbon giữa các tổ chức, công ty, đơn vị hoặc giữa các quốc gia.

Có 2 loại hàng hóa chính trên thị trường tín chỉ carbon, đó là tín chỉ carbon và hạn ngạch phát thải khí nhà kính:

  • Tín chỉ carbon (có tên gọi tiếng Anh là Carbon Credit) là một loại chứng nhận đại diện về quyền phát thải 1 tấn khí CO2 hoặc các loại khí nhà kính khác được quy đổi tương đương với 1 tấn khí CO2. Theo đó, giá trị của 1 tín chỉ carbon là 1 tấn khí CO2, đây cũng là đơn vị được sử dụng để mua bán trên thị trường tín chỉ carbon.
  • Hạn ngạch phát thải khí nhà kính là khái niệm để chỉ lượng khí nhà kính tối đa mà một đơn vị được phép phát thải ra môi trường trong một khoảng thời gian nhất định.

– Vai trò của thị trường tín chỉ carbon

Thị trường tín chỉ carbon được hình thành nhằm tạo nên nguồn lực giúp thúc đẩy hạn chế lượng khí nhà kính phát thải ra môi trường và chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon.

Ngoài ra, thông qua việc hình thành thị trường tín chỉ carbon, các đơn vị, tổ chức hay quốc gia còn thể hiện cam kết về giảm phát thải khí nhà kính về bằng 0 (hay còn gọi là Net Zero Carbon). Đây cũng là một bước quan trọng trong cụ thể hóa các chính sách về phân bổ hạn ngạch phát thải, giảm phát thải khí nhà kính và trao đổi tín chỉ carbon, từ đó tạo nên nguồn lực tài chính xanh.

Với thị trường tín chỉ carbon, các tổ chức, công ty, cá nhân còn có thể bù đắp lượng phát thải khí nhà kính bằng cách mua thêm tín chỉ carbon hay hạn ngạch phát thải từ những đơn vị đã giảm phát thải hoặc loại bỏ được khí nhà kính.

Sự phát triển của thị trường tín chỉ Carbon

– Sự phát triển của thị trường tín chỉ Carbon trên thế giới

Thị trường tín chỉ Carbon là một trong các biện pháp mới nhất được nhiều quốc gia quan tâm để thực hiện nỗ lực trong giảm mức phát thải quốc gia. Để đạt được lợi ích và hiệu quả thực sự, thị trường tín chỉ Carbon cần được áp dụng rộng rãi trên khắp toàn cầu.

Hiện nay, trên thế giới có 58 quốc gia tham gia vào việc phát triển thị trường tín chỉ Carbon và có 27 quốc gia áp dụng thuế Carbon, một số áp dụng cả hai.

Các giai đoạn quan trọng của sự phát triển thị trường tín chỉ Carbon trên toàn thế giới:

  • Năm 1997: Thị trường tín chỉ carbon được đề cập và thông qua tại Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Theo đó, các quốc gia có thể mua bán, trao đổi quyền phát thải. Từ đó xuất hiện loại hàng hóa mới là chứng chỉ hấp thụ/giảm phát thải khí nhà kính. Sau đó, thị trường tín chỉ Carbon được phát triển mạnh mẽ tại nhiều nước châu Âu, châu Mỹ và kể cả châu Á.
  • Năm 2005: Liên minh châu Âu vận hành thị trường thương mại phát thải quốc tế đầu tiên trên thế giới. Đây là công cụ được đánh giá là quan trọng nhất trong chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu, đồng thời nhằm thực thi cam kết thuộc Nghị định thư Kyoto.
  • Năm 2011 – 2015: Thị trường tín chỉ Carbon được đề cập trong Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội tại Trung Quốc và sau đó được thí điểm trên diện rộng tại nhiều thành phố có mức độ phát triển kinh tế khác nhau.
  • Năm 2015: Thị trường tín chỉ Carbon được quy định cụ thể tại điều 6 Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
  • Tháng 5/2021: Sàn giao dịch chứng khoán Singapore, quỹ đầu tư Temasek thuộc chính phủ Singapore, ngân hàng DBS và Standard Chartered công bố thành lập thị trường tín chỉ Carbon tự nguyện nhằm tạo điều kiện cho mua bán tín chỉ Carbon chất lượng cao thông qua các hợp đồng tiêu chuẩn hóa. Trong ngày đầu tiên, đã có 12.000 tấn CO2 được “mua bán” với giá trung bình 5,36 đô la Mỹ/tấn.
  • Ngày 16/7/2021: Trung Quốc chính thức vận hành thị trường tín chỉ Carbon nhằm đạt mục tiêu trung hòa Carbon vào năm 2060.
  • Ngày 25/09/2022: Sàn giao dịch chứng khoán Malaysia khai trương Sàn giao dịch tín chỉ Carbon.
  • Ngày 26/09/2022: Sàn giao dịch tín chỉ Carbon được ra mắt bởi Sàn giao dịch chứng khoán Indonesia.
  • Tháng 12/2022: Vận hành thị trường Carbon tự nguyện tại Đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc).
  • Ngày 11/10/2023: Khai trương sàn giao dịch tín chỉ Carbon của sàn giao dịch chứng khoán Tokyo có xác thực của chính phủ.

Theo chuyên gia Sato từ Viện Nomura cho biết, hiện nay châu Á đang đối mặt với áp lực thực hiện sàn giao dịch tín chỉ Carbon để có thể ứng phó với hàng rào thuế Carbon của Liên minh châu Âu được áp dụng chính thức từ 2026.

Tính đến nay, các quốc gia đều đã đạt được đồng thuận về phương thức cũng như quy trình xây dựng và vận hành thị trường tín chỉ Carbon để tạo nguồn lực tài chính giúp giảm phát thải khí nhà kính.

– Sự phát triển của thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam

Nhu cầu về tín chỉ Carbon ngày càng bùng nổ đã tạo cơ hội cho Việt Nam phát triển thị trường tín chỉ Carbon, tạo ra khoản tín dụng Carbon chất lượng cao và có thể bán chúng. Luật Bảo vệ môi trường 2020 lần đầu tiên nêu rõ tín chỉ Carbon là chứng nhận thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 hay một tấn khí phát thải tương đương CO2 và có thể được giao dịch thương mại.

Sự phát triển của thị trường tín chỉ Carbon
Việt Nam có cơ hội tạo ra khoản tín dụng Carbon chất lượng cao và bán chúng.

Từ năm 2021, Việt Nam buộc phải thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải nhà kính để thực thi thỏa thuận Paris. Đặc biệt, Việt Nam phải áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để hướng đến mục tiêu “Net Zero Carbon” vào năm 2050; giảm phát thải 30% khí Metan vào 2030; giảm dần và loại bỏ điện than từ năm 2030-3040.

Nghị định số 06/2022/NĐ-CP được Chính phủ ban hành vào ngày 7/1/2022 đã quy định cụ thể về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hình thành và phát triển thị trường tín chỉ Carbon. Lộ trình thực hiện được chia làm 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn 2023-2024: Thiết lập cơ sở pháp lý ban đầu để xây dựng đề án;
  • Giai đoạn 2025-2027: Thời gian giao dịch thí điểm trên thị trường carbon;
  • Đến năm 2028: Vận hành chính thức thị trường carbon và kết nối với các sàn giao dịch tín chỉ carbon trong khu vực và trên thế giới.

Thách thức lớn nhất trong cả 3 giai đoạn chính là nhận thức của tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào thị trường và toàn xã hội.

Thị trường tín chỉ Carbon mà Việt Nam muốn phát triển mang yếu tố bắt buộc, các doanh nghiệp sẽ chịu kiểm soát về phát thải khí nhà kính. Còn đối với thị trường tín chỉ Carbon mang tính tự nguyện thì đã vận hành được một thời gian, chủ yếu trong ngành lâm nghiệp.

Có thể thấy rằng, thông qua các văn bản được ban hành, thị trường tín chỉ Carbon tại Việt Nam đang dần được định hình rõ nét hơn, tạo mối liên kết với thị trường tín chỉ Carbon trên thế giới và khu vực. Mặt khác, đây cùng là cơ chế tạo sự thúc đẩy phát triển nền kinh tế trung hòa Carbon, chú trọng chuyển đổi công nghệ để giảm phát thải khí nhà kính.

Nhiệm vụ tiên quyết hiện nay chính là xây dựng khung pháp lý mang tính phổ quát về phát triển thị trường tín chỉ Carbon. Cùng với đó, các tổ chức, doanh nghiệp phải nâng cao nhận thức, đào tạo đội ngũ có năng lực quản lý và vận hành thị trường tín chỉ Carbon. Đồng thời, cần thực hiện cơ chế thí điểm thị trường tín chỉ Carbon phù hợp và triển khai sàn giao dịch tín chỉ Carbon.

Trong bối cảnh thị trường tín chỉ Carbon dường như là tất yếu trên toàn thế giới, thì Việt Nam cần có những giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm phát thải và góp phần tăng lợi ích kinh tế trong mọi lĩnh vực, ngành nghề. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ đến HOTLINE 0909 538 514 để được hỗ trợ sớm nhất!

>>> Xem thêm: Chăn nuôi tuần hoàn hướng đến Net Zero Carbon

Để lại một bình luận