Đứng trước nhiều cơ hội lớn, đi kèm không ít thách thức, để đi đường dài đòi hỏi ngành thuỷ sản nước ta nói riêng và thuỷ sản thế giới nói chung cần tích cực chuyển đổi theo lộ trình xanh, sản xuất bền vững, thân thiện môi trường. Đó cũng là lý do Vietshrimp 2025 lấy chủ đề “Xanh hóa vùng nuôi” nằm trong chiến lược xanh hóa của ngành thuỷ sản.
Lý do cần áp dụng chiến lược xanh hóa trong nuôi trồng thủy sản
Theo dự báo năm 2030, nhu cầu thủy sản làm thực phẩm trên thế giới sẽ tăng 18% so năm 2018, thủy sản nuôi chiếm khoảng 59% lượng tiêu thụ và khoảng 36% sản lượng thủy sản sẽ được xuất khẩu. Điều này cho thấy cơ hội mở rộng của ngành thuỷ sản Việt Nam vô cùng lớn, tuy nhiên cũng đồng nghĩa sẽ đi kèm rủi ro về sản xuất không bền vững, hệ lụy về môi trường và mất đa dạng sinh học.
Để phát triển thủy sản Việt Nam trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học – công nghệ tiên tiến, có vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển thì bắt buộc ngành thuỷ sản phải đi theo lộ trình xanh, sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường. Do đó, theo giới chuyên gia thì việc áp dụng chiến lược xanh trong nuôi trồng thuỷ sản là tất yếu và rất cấp thiết, không thể đảo ngược.
>>> Xem thêm: Áp dụng kinh tế tuần hoàn để nuôi trồng thủy sản bền vững
Nội dung cụ thể của “Chiến lược xanh hóa thủy sản”
Trong năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 2 chương trình quốc gia quan trọng về “Phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 – 2025, định hướng 2030” và “Phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 – 2030”.
Chương trình Quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 – 2025, định hướng 2030 được phê duyệt bằng Quyết định 1090/QĐ-TTg ngày 19/9/2022.
Mục tiêu năm 2025 giảm 10% hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi so với năm 2020; xác định sản lượng cho phép khai thác theo loài đối với nghề khai thác cá ngừ đại dương. Tất cả các tỉnh, thành phố ven biển xác định hạn ngạch tàu cá khai thác vùng biển ven bờ, vùng lộng thuộc phạm vi quản lý; 100% tàu cá hoạt động vùng khơi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác và nguyên liệu hải sản nhập khẩu; 100% tàu cá được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 – 2030 được phê duyệt bằng Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16/8/2022. Mục tiêu cụ thể, năm 2025 sản lượng nuôi trồng đạt 5,6 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 7,8 tỷ USD, tốc độ tăng giá trị NTTS trung bình 4%/năm. Năm 2030 sản lượng nuôi trồng 7 triệu tấn. Trong đó, có ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất để tiết kiệm nguồn nước, bảo vệ môi trường, tạo sản lượng lớn, chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ngày 29/7/2022, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt “Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 – 2030”. Trong đó, nhấn mạnh đến kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh được nghiên cứu, áp dụng và từng bước nhân rộng. Phấn đấu đến năm 2030 nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản được điều tra, đánh giá, quản lý và kiểm soát; chấm dứt việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong nuôi trồng gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học.
Nhằm thực hiện chiến lược, ngày 17/10/2022, Bộ NN&PTNT cùng Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Tập đoàn CLS đã họp bàn về giải pháp kỹ thuật cho hệ thống NAGIS giúp lập hệ thống thông tin địa lý, nhằm xây dựng bản đồ quản lý quy hoạch và giám sát hoạt động NTTS. Giám sát trên nhiều khía cạnh như diện tích, con giống, chất lượng nước. Đây là công cụ hỗ trợ đắc lực cho quản lý.
Ông Qu Dongyu, Tổng Giám đốc FAO đã đề ra 3 giải pháp để ngành thủy sản phát triển theo hướng bền vững. Bao gồm: Tái đầu tư vào các chương trình bền vững biển và nước ngọt, đầu tư vào tăng trưởng đại dương và đảm bảo các biện pháp bảo vệ phù hợp với quản lý hiệu quả. Việc tiếp tục chuyển đổi mô hình NTTS áp dụng cho hầu hết các vùng, nhưng đặc biệt cần thiết ở các vùng mất an ninh lương thực; mục tiêu là tăng sản lượng toàn cầu từ 35% – 40% vào năm 2030, theo bối cảnh quốc gia và khu vực.
Được biết, theo Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2045 là phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học – công nghệ tiên tiến, có vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển.
>>> Xem thêm: [Vietshrimp 2025: Xanh hóa vùng nuôi] Phát triển ngành tôm Việt bền vững