Vietshrimp trở lại với chủ đề “Xanh hóa vùng nuôi” sẽ diễn ra từ ngày 26 – 28/3/2025 tại TP Cần Thơ. Giải thích về chủ đề, giới chuyên gia nhận định việc chuyển đổi sang các phương thức sản xuất bền vững không còn là lựa chọn mà đã trở thành xu hướng tất yếu, “cuộc cách mạng xanh” với ngành tôm lại càng cấp thiết hơn bao giờ hết.
Đôi nét về Vietshrimp
VietShrimp viết tắt của Hội chợ Triển lãm Quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam, là diễn đàn lớn của cộng đồng ngành tôm trong nước và quốc tế. Nơi quy tụ những doanh nghiệp hàng đầu của ngành tôm Việt Nam – mang tới các giải pháp công nghệ tiên tiến, những mô hình nuôi hiện đại nhằm đẩy nhanh quá trình xanh hóa vùng nuôi tôm. Đồng thời là “cầu nối” để “4 nhà”: Nhà quản lý – Nhà khoa học – Nhà kinh doanh – Nhà nông cùng chung tay hành động, hiện thực hóa mục tiêu toàn cầu và phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam.
VietShrimp ra mắt lần đầu tiên vào năm 2016 với chủ trương 2 năm/lần. Đến nay, hội chợ đã được tổ chức rất thành công 5 lần vào các năm 2016, 2018 (tại tỉnh Bạc Liêu) và 2021, 2023 (tại TP Cần Thơ) năm 2024 (tại tỉnh Cà Mau); trở thành sự kiện lớn của ngành thủy sản Việt Nam và là một hội chợ chuyên ngành về tôm mang tầm cỡ khu vực và châu Á. Ước tính có hơn 200 nhà cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú ý, máy móc công nghệ,… đã có mặt tại mỗi triển lãm VietShrimp vừa qua.VietShrimp 2025 và mục tiêu hướng đến phát triển ngành nuôi tôm Việt Nam bền vững
Năm 2025, Vietshrimp trở lại với chủ đề “Xanh hóa vùng nuôi”. Theo các chuyên gia, phát triển xanh là mục tiêu của kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững bằng cách tận dụng các nguồn chất thải và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, sản xuất xanh cũng duy trì việc sử dụng lâu dài các nguồn nguyên vật liệu và tái tạo các hệ sinh thái tự nhiên.
Đây là chu trình sản xuất khép kín, trong đó chất thải được tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất, từ đó giảm tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Phát triển xanh nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao hiệu quả cạnh tranh, tạo ra các thị trường mới, tạo việc làm và gia tăng giá trị xã hội.
Chuyển đổi xanh không chỉ là thách thức mà còn mở ra cơ hội lớn cho ngành tôm. Các sản phẩm tôm xanh, đạt chứng chỉ quốc tế như ASC, đang được thị trường ưa chuộng và có giá bán cao hơn từ 10 – 30%. Theo VASEP, các doanh nghiệp áp dụng mô hình nuôi tôm bền vững đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu từ 15 – 20%, cho thấy tiềm năng kinh tế lớn từ việc chuyển đổi này.
Không dừng lại ở thay đổi phương thức sản xuất, chuyển đổi xanh còn đi đôi với việc ứng dụng công nghệ cao. Các hệ thống nuôi tôm tuần hoàn, công nghệ xử lý nước thải tiên tiến và các giải pháp tiết kiệm năng lượng đang được áp dụng rộng rãi.Thống kê cho thấy hơn 500 trang trại tôm đã áp dụng công nghệ cao, giúp giảm 30% lượng nước sử dụng và 20% lượng điện tiêu thụ. Điều này không chỉ mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc bảo vệ môi trường mà còn tối ưu hóa chi phí sản xuất.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, quá trình chuyển đổi xanh trong ngành tôm vẫn còn nhiều thách thức và là một hành trình dài phía trước. Theo các chuyên gia, sự thành công của quá trình này đòi hỏi sự chung tay của cả Chính phủ, doanh nghiệp và người nuôi tôm.
Cần có những chính sách hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh, đồng thời nâng cao nhận thức của người nuôi về lợi ích dài hạn của mô hình sản xuất bền vững. Điều này sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ để toàn ngành phát triển bền vững trong tương lai.
Với chủ đề “Xanh hóa vùng nuôi” VIETSHRIMP 2025 sẽ diễn ra từ ngày 26 – 28/3/2025, tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ (108A Lê Lợi, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ). Đừng bỏ lỡ cơ hội tham gia VietShrimp 2025. Đây không chỉ là sự kiện thương mại, mà còn là diễn đàn học thuật, giúp doanh nghiệp và người nuôi tôm học hỏi từ các chuyên gia trong và ngoài nước, tiếp cận xu hướng và công nghệ tiên tiến, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho ngành tôm Việt Nam.
>>> Xem thêm: Vietshrimp 2025 & Chiến lược xanh hóa thủy sản