Chú ý 2 loại bệnh thường gặp ở tôm giai đoạn 30 ngày tuổi

Dịch bệnh ở tôm thẻ chân trắng đang là yếu tố được nhiều bà con quan tâm vì nó hiện diện hầu hết ở tất cả các vụ nuôi, tôm không bị bệnh này thì cũng bệnh khác. Trong giai đoạn tôm 30 ngày tuổi, bà con cần chú ý 2 loại bệnh thường gặp ở tôm được Biogency chia sẻ dưới đây, chúng gây ảnh hưởng không nhỏ đến giai đoạn phát triển của tôm về sau và chất lượng tôm khi thu hoạch.

Chú ý 2 loại bệnh thường gặp ở tôm giai đoạn 30 ngày tuổi

Bệnh thường gặp ở tôm 30 ngày tuổi: Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính – AHPND

Tôm bị bệnh gan tuy cấp EMS – Một loại bệnh thường gặp ở tôm 30 ngày tuổi.

Hình 1. Tôm bị bệnh gan tuy cấp AHPND – Một loại bệnh thường gặp ở tôm 30 ngày tuổi.

– Nguyên nhân phát sinh bệnh:

Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính – AHPND là loại bệnh thường gặp ở tôm trong giai đoạn thả nuôi 30 ngày đầu tiên là nguyên nhân gây nên hội chứng tôm chết sớm EMS, nguyên nhân là do:

  • Con giống kém chất lượng, bị nhiễm bệnh từ tôm bố mẹ.
  • Do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus làm rối loạn chức năng và phá hủy các mô gan tụy của tôm.
  • Nếu tôm chết ở giai đoạn 35 – 50 ngày tuổi nguyên nhân phần lớn nằm ở việc quản lý ao nuôi kém, nước trong không lên màu, đất nhiễm phèn, độ pH thấp, thiếu cân bằng khoáng chất trong ao, độ oxy hòa tan thấp,… hoặc do sử dụng thuốc trừ sâu diệt giáp xác, điều này làm dư lượng độc tố cypermethrin và deltamethrin, màu nước trong ao không ổn định.

– Dấu hiệu nhận biết:

  • Tôm chậm lớn và chết ở đáy ao.
  • Tôm bị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính – AHPND thường lờ đờ, nơi tấp mé, quay đảo trên mặt nước, giảm ăn và chết sau đó.
  • Gan tôm nhiễm bệnh AHPND thường gặp có nhiều trạng thái khác nhau như: Sưng to, mềm nhũn, biến màu. Nhiều trường hợp gan bị teo nhỏ và dai. Vỏ mềm, đục cơ. Tôm bị phân trắng kéo dài.
  • Nhiều trường hợp ghi nhận tôm ngưng chết khi ngưng cho ăn và sau đó chết rất nhanh khi cho ăn trở lại.

– Cách điều trị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính – AHPND trên tôm giai đoạn 30 ngày tuổi:

Tuy là một loại bệnh thường gặp ở tôm, nhưng hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị tiêu diệt được loại vi khuẩn Vibrio Parahaemolyticus bởi lớp màng bao sinh học của chúng có khả năng chống lại tác dụng của các loại thuốc và phương pháp điều trị khác.

Vì thế, bà con cần sử dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp từ khâu cải tảo ao nuôi cho đến khâu thu hoạch và kết hợp với men vi sinh để ức chế sự phát triển của vi khuẩn Vibrio Parahaemolyticus một cách tốt nhất, từ đó phòng bệnh gan tụy cấp tính cho tôm.

+ Phương pháp điều trị tham khảo như sau:

  • Xử lý nguồn nước cấp bằng chlorine 20 – 30 ppm.
  • Trong quá trình nuôi nếu ao tôm bị bệnh có thể xử lý bằng BKC, IOTDINE liều từ  10 – 15 ppm.
  • Trộn oxytetraxyline liều 5 gr/1kg thức ăn cho ăn trong vòng 3 – 5 ngày, bổ sung thêm Vitamin, điện giải.

+ Cách phòng bệnh:

  • Chọn nguồn tôm giống có chất lượng, không nhiễm bệnh, cải tạo đầu vụ tốt.
  • Thường xuyên kiểm tra sức khỏe tôm bằng cách thăm nhá, chày tôm,… và kiểm tra chất lượng nước ao nuôi, mật độ vi khuẩn Vibrio định kỳ bằng đĩa Chrom Agar.
  • Quản lý môi trường nước ao nuôi với các thông số phù hợp.

Bệnh thường gặp ở tôm 30 ngày tuổi: Bệnh đỏ đuôi

Tôm biểu hiện đỏ ở thân và đuôi – Một loại bệnh thường gặp ở tôm thẻ chân trắng trong giai đoạn 30 ngày tuổi bà con cần quan tâm.

Hình 2. Tôm biểu hiện đỏ ở thân và đuôi – Một loại bệnh thường gặp ở tôm thẻ chân trắng trong giai đoạn 30 ngày tuổi bà con cần quan tâm.

– Nguyên nhân phát sinh bệnh:

Bệnh đỏ đuôi cũng là một loại bệnh thường gặp ở tôm khi nuôi khoảng 30 ngày tuổi (cụ thể từ 14 – 40 ngày tuổi), còn được gọi là hội chứng Taura (TSV) do loại virus Picornavirus, thuộc họ Picornaviridae gây ra bằng cách lây truyền chủ yếu từ nước nhiễm virus, từ tôm bệnh sang tôm khỏe, từ các côn trùng trong nước.

– Dấu hiệu nhận biết:

  • Tôm yếu, èo uột, vỏ mềm, ruột không có thức ăn, bơi lờ đờ trên mặt nước, tấp mé bờ, chậm lớn.
  • Gan tụy có màu vàng hơn bình thường, mang, đuôi có thể bị sưng. Thân tôm (đuôi, chân bơi) có màu đỏ nhạt, hồng xám. Khi dùng kính hiển vi quan sát đuôi và chân bơi của tôm sẽ thấy có dấu hiệu hoại tử.
  • Ở giai đoạn cấp tính, tôm thường chết trong quá trình lột xác. Trong độ tuổi 30-45 ngày, tôm thẻ chân trắng nhiễm TSV cấp tính có thể chết hàng loạt sau 2-3 ngày bỏ ăn. Đầu tiên thấy xuất hiện tôm chết dưới đáy, sau đó tôm nổi lên mặt nước và có nhiều tôm chết ở rìa ao.
  • Sau giai đoạn cấp tính, biểu bì bị hoại tử sẽ gây nên các đốm đen trên thân tôm, vỏ kitin ở đuôi và chân bơi bị ăn mòn, do vi khuẩn Vibrio spp.
  • Tôm nhiễm TSV giai đoạn mạn tính: Không có dấu hiệu bên ngoài, mô bệnh chỉ có trong tổ chức lympho của tế bào.

– Cách điều trị bệnh đỏ đuôi trên tôm giai đoạn 30 ngày tuổi:

Hiện tại chưa có bất kỳ quy trình xử lý hay điều trị bệnh đỏ đuôi trên tôm chính thức nào khi tôm đã nhiễm bệnh và bắt đầu chết. Việc điều trị bệnh đỏ đuôi chỉ góp phần kiểm soát dịch bệnh, hạn chế tối đa thiệt hại cho vụ nuôi:

  • Phương pháp cơ bản là ngăn chặn không cho tôm lột xác bằng việc giảm thức ăn và duy trì pH > 8.0, liên tục sục khí và duy trì chất lượng nước tốt nhất có thể.
  • Tuyệt đối không sử dụng hóa chất và chất kháng sinh để điều trị khi xảy ra bệnh trong ao nuôi.
  • Hằng ngày cần phải dọn dẹp tôm chết khỏi ao để duy trì môi trường nước thật tốt, khi tôm ngừng chết 4-5 ngày thì nâng cao chất lượng thức ăn và thay nước mức phù hợp cho ao nuôi. Tôm sau đó sẽ nhanh chóng phục hồi và có những vết sẹo trên lớp vỏ kitin và sẽ hết hoàn toàn sau vài lần lột xác.
  • Duy trì chất lượng nước ở mức tốt nhất.

Qua bài viết trên BIOGENCY đã giúp bà con hiểu rõ hơn về 2 bệnh thường gặp ở tôm trong giai đoạn 30 ngày tuổi và một số cách điều trị, xử lý và phòng ngừa dịch bệnh này. Nếu có khó khăn trong quá trình xử lý ao tôm nhiễm bệnh, bà con có thể liên hệ ngay số HOTLINE 0909 538 514, Biogency luôn sẵn sàng hỗ trợ bà con.

>>> Xem thêm: Khắc phục tình trạng “tôm rớt cục thịt” bằng cách nào?