Phát triển kinh tế tuần hoàn để nuôi trồng thủy sản bền vững là định hướng tương lai giúp ngành thuỷ sản giải quyết các vấn đề cấp thiết hiện nay bao gồm ô nhiễm nguồn nước, giảm phát thải và giảm nguy cơ bị đánh thuế phát thải khi xuất khẩu.
Mô hình kinh tế tuần hoàn trong nuôi trồng thuỷ sản là gì?
Bên cạnh chế biến thì nuôi trồng thuỷ sản cũng phát sinh ô nhiễm môi trường không kém với nhiều loại phát thải, trong đó chủ yếu là nước thải và khí thải.
Nước thải nuôi trồng thuỷ sản có chỉ số ô nhiễm ở mức cao, đặc biệt đối với các cơ sở nuôi trồng nhỏ lẻ, lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong sản xuất thủy sản. Về khí thải, phát sinh từ thức ăn tiêu thụ và chất thải từ quá trình nuôi; tiêu thụ điện năng vận hành hệ thống; khí thải phân hủy hữu cơ từ ao tôm và chất thải tôm; logistics (vận chuyển vật tư phục vụ nuôi tôm); hóa chất xử lý gây ô nhiễm môi trường; rác thải (can nhựa, chai nhựa, thùng carton, bao bì,…).
Theo nghiên cứu về hoạt động nuôi tôm thẻ chân trắng nước ta của WWF Việt Nam (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam), với việc sử dụng tài nguyên đất là 0,48 ha/tấn tôm; tài nguyên nước là 2.041 m3/tấn tôm; sử dụng thức ăn viên với chỉ số FCR 1,36 và tiêu tốn 8.844 KWh/tấn tôm sẽ cho năng suất trung bình của vụ nuôi là 7,35 tấn/ha/năm.
Đồng thời, quá trình nuôi sẽ thải ra môi trường toàn bộ số nước là 2.041 m3/tấn tôm; thải ra lượng khí nhà kính là 500 tấn CO2 eq/ha*, xấp xỉ 68,3 tấn khí nhà kính/tấn tôm. Bên cạnh đó, hoạt động này còn thải ra một lượng chất thải rắn từ quá trình siphon, vỏ tôm, tôm chết…
Phát triển nền kinh tế tuần hoàn để nuôi trồng thủy sản bền vững là định hướng tương lai giúp ngành thuỷ sản giải quyết các vấn đề cấp thiết hiện nay bao gồm ô nhiễm nguồn nước, giảm phát thải và giảm nguy cơ bị đánh thuế phát thải khi xuất khẩu. Nguyên tắc cốt lõi của kinh tế tuần hoàn là giảm chi phí, tiêu thụ nguyên liệu đầu vào, giảm phát thải đầu ra, chế biến và tái sử dụng chất thải, phụ phẩm.
Áp dụng kinh tế tuần hoàn để nuôi trồng thủy – góc nhìn từ ngành tôm
Kinh tế tuần hoàn trong nuôi trồng thuỷ sản đang ngày được quan tâm, điển hình là áp dụng trong nuôi tôm. Kinh tế tuần hoàn trong nuôi tôm ứng dụng theo nguyên lý: tối ưu hóa đầu vào và tối đa hóa đầu ra. Điều này được thực hiện thông qua một số giải pháp như:
- Sử dụng năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, biogas) để giảm chi phí năng lượng, kết hợp với mái che để ổn định nhiệt độ, sử dụng sục khí hiệu quả.
- Ứng dụng công nghệ nuôi tuần hoàn khép kín biofloc, biogas giúp tái sử dụng trực tiếp các dinh dưỡng từ chất thải và thức ăn dư thừa, giảm FCR trong nuôi tôm.
- Giảm chi phí xử lý nước thải.
- Công nghệ nuôi tuần hoàn khép kín: biogas – aquaponics, rong biển – cá – biogas/rừng ngập mặn giúp giảm thiểu rủi ro lây lan bệnh, tạo thêm nguồn thu từ cá và rong biển, giảm chi phí xử lý nước thải, hấp thụ carbon,…
Để giảm lượng khí nhà kính phát thải từ ao nuôi tôm, nhóm nghiên cứu – Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ đã hướng dẫn người nuôi tập trung vào giảm tiêu thụ điện, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, ủ khí sinh học để xử lý chất thải trong ao nuôi.
Đồng thời, thay đổi cách cho ăn, điều chỉnh mật độ thả tôm và cải thiện hệ thống xử lý nước để đảm bảo giảm tỷ lệ tôm chết. Sau 9 tháng thực hiện các biện pháp này tại Bạc Liêu, lượng khí nhà kính phát thải từ ao nuôi tôm đã giảm 17% đối với mô hình nuôi tôm quảng canh và giảm gần 11% đối với mô hình nuôi tôm thâm canh.
Áp dụng kinh tế tuần hoàn là giải pháp hiệu quả giúp ngành thủy sản vừa giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường, vừa tạo ra nguồn lợi kinh tế to lớn. Một số mô hình thực tế của cộng đồng doanh nghiệp đã minh chứng cho điều đó. Nhiều công ty thủy sản lớn như Skretting Việt Nam, De Heus, Minh Phú, Thăng Long, Việt Nam Food (VNF)… đang đầu tư nghiên cứu và phát triển hướng tới nuôi trồng thủy sản giảm phát thải ròng.
Có thể thấy, kinh tế tuần hoàn trong nuôi tôm đang trở thành xu hướng được nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp, người nuôi tôm quan tâm. Tuy nhiên, để ứng dụng hiệu quả những giải pháp kể trên đòi hỏi kỹ thuật cao và tỉ mỉ. Do đó để mô hình kinh tế tuần hoàn phát huy hiệu quả, cần thêm cơ chế ưu đãi, chính sách khuyến khích sự tham gia của các bên, nhất là doanh nghiệp.
Nguồn: Tạp chí Người Nuôi Tôm
>>> Xem thêm: Quản lý chi phí thức ăn trong nuôi trồng thủy sản