Nhằm giảm thiểu các tác động ô nhiễm đến môi trường cũng như những ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe cộng đồng, các hộ nuôi tôm cần nắm rõ và có ý thức tuân thủ những tiêu chuẩn xả thải khi nuôi tôm để hướng đến một nghề nuôi tôm phát triển bền vững.
Nước thải nuôi tôm ô nhiễm như thế nào?
Việc áp dụng và tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn xả thải khi nuôi tôm ngày càng trở nên cấp thiết vì số hộ nuôi thâm canh, siêu thâm canh ngày một nhiều; Diện tích nuôi tôm gia tăng chóng mặt; Lượng nước thải và chất thải khổng lồ với mức độ ô nhiễm cao nhưng chưa được xử lý hiệu quả gây ra các hệ lụy cho môi trường cũng như sức khỏe của con người.
Cụ thể, trong quá trình nuôi tôm sẽ phát sinh ra các loại nước thải, chất thải chính gồm:
- Nước xi phông (thải lượng hằng ngày chiếm 2% thể tích ao gồm xác tôm, vỏ tôm, thức ăn thừa, phân tôm, xác tảo… là nước thải có hàm lượng ô nhiễm cao nhất).
- Nước thải từ ao nuôi (thải lượng hằng ngày chiếm 20% – 50% thể tích ao nuôi. Hàm lượng ô nhiễm thấp hơn trong nước xi phông đáy ao).
- Một số loại nước thải khác (từ bồn lắng, hầm ủ Biogas…).
- Vỏ tôm từ quá trình lột xác và tôm chết.
- Bùn thải chứa phân, thức ăn thừa, hóa chất, vô, khoáng chất… lắng đọng trong ao.
Nguồn phát sinh các chất gây ô nhiễm trong quá trình nuôi tôm từ thức ăn thừa, phân tôm, quá trình chuyển hóa dinh dưỡng… Theo phân tích và đánh giá cho thấy đặc điểm của chúng phần lớn là chứa:
- Hàm lượng lớn chất dinh dưỡng ở dạng hòa tan (chủ yếu là Nitơ và Phospho).
- Chất hữu cơ (BOD5, COD).
- Chất rắn lơ lửng (TSS).
- Tồn dư kháng sinh, hóa chất diệt khuẩn, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
- Các vi khuẩn gây bệnh.
Hình 1. Nước thải nuôi tôm chứa nhiều chất ô nhiễm.
Với đặc điểm nước thải chứa hàm lượng lớn chất hữu cơ, phương pháp xử lý hiệu quả nhất là phương pháp sinh học, dựa trên cơ chế xử lý của vi sinh vật. Đây không chỉ là phương pháp mang lại hiệu quả mà còn an toàn cho con người, thân thiện với môi trường.
Cập nhật tiêu chuẩn xả thải khi nuôi tôm mới nhất
Chính vì những hệ lụy khó lường từ nước thải nuôi tôm, các tiêu chuẩn xả thải khi nuôi tôm được quy định ngày càng nghiêm ngặt.
Dưới đây là các thông số xả thải từ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở nuôi tôm nước lợ – Điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, BVMT & ANTP (QCVN 02 – 19:2014/BNNPTNT) do Tổng cục Thủy sản biên soạn và ban hành; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kèm theo Thông tư số 22/2014/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 7 năm 2014.
Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, cá nhân nuôi bán thâm canh, thâm canh tôm sú, nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng trên phạm vi cả nước. Và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
– Bảng 1: Quy định về chất lượng nước cấp vào ao nuôi và nước ao nuôi tôm Sú và tôm thẻ chân trắng
STT | Thông số | Đơn vị | Giá trị cho phép |
1 | Oxy hòa tan (DO) | mg/l | ≥ 3,5 |
2 | pH | 7 ÷ 9, dao động trong ngày không quá 0,5 | |
3 | Độ mặn | ‰ | 5 ÷ 35 |
4 | Độ kiềm | mg/l | 60 ÷ 180 |
5 | Độ trong | cm | 20 ÷ 50 |
6 | NH3 | mg/l | < 0,3 |
7 | H2S | mg/l | < 0,05 |
8 | Nhiệt độ | °C | 18 ÷ 33 |
– Bảng 2: Quy định về chất lượng nước thải từ ao xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường bên ngoài
STT | Thông số | Đơn vị | Giá trị cho phép |
1 | pH | 5,5 – 9 | |
2 | BOD5 (20 độ C) | mg/l | ≤ 50 |
3 | COD | mg/l | ≤ 150 |
4 | Chất rắn lơ lửng | mg/l | ≤ 100 |
5 | Coliform | MPN /100ml | ≤ 5.000 |
Theo đó, các hộ nuôi tôm cần tiến hành kiểm tra, theo dõi hằng ngày với các chỉ tiêu gồm: Oxy hòa tan, độ pH, độ mặn, nhiệt độ, độ trong. Đối với các chỉ tiêu khác như độ kiềm, NH3, H₂S cần kiểm tra 3-5 ngày/ lần.
Nước thải từ ao tôm chỉ được xả thải ra môi trường xung quanh khi các chỉ tiêu trên cần đảm bảo đáp ứng theo giá trị các thông số được quy định ở 2 bảng trên.
Một số lưu ý khác về quy định xử lý nước thải, chất thải và xả thải nuôi tôm
Để hướng tới một ngành nuôi tôm phát triển bền vững, mang lại hiệu quả lâu dài về kinh tế và bảo vệ môi trường, bà con cần lưu ý một số điều sau:
- Không xả nước thải sinh hoạt vào ao nuôi, ao chứa/lắng.
- Rác thải sinh hoạt, bao bì sản phẩm sau khi sử dụng phải cho vào thùng chứa có nắp đậy. Lưu ý thùng chứa không đặt trên bờ ao nuôi và ao chứa/lắng.
- Nhà vệ sinh tự hoại đặt cách ao nuôi, ao chứa/lắng tối thiểu 30m, có lối đi riêng.
- Có vòi nước rửa tay cạnh nhà vệ sinh, dụng cụ chứa rác có nắp đậy. Nước thải nhà vệ sinh xả qua hệ thống nước thải riêng.
- Công nhân làm việc tại cơ sở phải được tập huấn về ATTP, an toàn lao động, bảo vệ môi trường, hướng dẫn sử dụng và bảo quản thức ăn, thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học…
- Sử dụng thuốc, vi sinh vật, chế phẩm sinh học, hóa chất… phải có trong danh mục được phép lưu hành, có nhãn mác. Sử dụng đúng liều lượng, không dùng sản phẩm hết hạn sử dụng.
Bà con có thể tham khảo thêm nội dung quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở nuôi tôm nước lợ, điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm theo QCVN 02 – 19:2014/BNNPTNT.
Như vậy, trên đây là các điểm nổi bật trong tiêu chuẩn xả thải khi nuôi tôm. Mong rằng có ích với bà con. Nếu có bất cứ băn khoăn nào cần giải đáp, bà con có thể liên hệ ngay cho Biogency qua HOTLINE 0909 538 514 để được hỗ trợ nhanh nhất.
>>> Xem thêm: Ứng dụng quy trình BIOGENCY để giảm lượng nước thay khi nuôi tôm