Iodine trong thủy sản có vai trò như một vi chất dinh dưỡng cần thiết. Việc sử dụng Iodine mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên nếu sử dụng không đúng cách sẽ gây hại đến thủy sản. Trong bài viết sau đây, BIOGENCY giúp bà con hiểu thêm về cách sử dụng Iodine trong thủy sản một cách hiệu quả nhất!
Iodine và Iodine trong thủy sản
Iodine (thường được biết đến với tên gọi là I-ốt) là một nguyên tố hóa học được ký hiệu là I với số nguyên tử 53. Trong bảng tuần hoàn nguyên tố hóa học, Iodine là một phi kim thuộc nhóm Halogen và nằm trong nhóm 17. Trạng thái phổ biến nhất của Iodine là dạng chất rắn, có màu đen tím ở nhiệt độ và áp suất tiêu chuẩn.
Trong đời sống, Iodine được xem là một nguyên tố thiết yếu của con người trong sự trao đổi chất, cũng như tăng trường và phát triển trí não. Mặt khác, trong một số ứng dụng công nghiệp, Iodine được ứng dụng để làm chất khử trùng, tạo màu hay chất ổn định.
Tuy nhiên, khi nhắc đến Iodine trong thủy sản, nghĩa là người ta muốn nhắc đến Povidone-Iodine (PVP-I). Đây là một hợp chất hóa học bao gồm Polyvinylpyrrolidone và Iodine. Chất này có dạng bột, màu đỏ thẫm, có mùi đặc trưng và hòa tan hoàn toàn trong Ethyl Alcohol và nước lạnh.
Cơ chế hoạt động và hiệu quả diệt khuẩn khi sử dụng Iodine trong thủy sản
– Cơ chế hoạt động của Iodine trong thủy sản
Trong nuôi trồng thủy sản, Iodine được sử dụng như một chất sát trùng. Iodine tự do có cơ chế hoạt động là phóng thích từ từ ra khỏi hỗn hợp Povidone-Iodine rồi thẩm thấu qua vách và màng tế bào của nấm, vi khuẩn, động vật nguyên sinh hay virus.
Ngoài ra, Iodine còn có thể gắn vào nhóm NH của Axit Amin, từ đó phá vỡ cấu trúc của Protein; oxy hóa nhóm SH trong các Axit Amin có chứa lưu huỳnh, làm gãy liên kết S-S và cản trở quá trình tổng hợp Protein; hay phá vỡ liên kết C=C trong những Axit béo ở màng tế bào.
Với khả năng giải phóng từ từ ra khỏi hợp chất Povidone-Iodine, Iodine mang lại tác dụng sát trùng cao, hiệu quả được lâu dài và giảm được độ độc khi Iodine tiếp xúc với tế bào động vật hữu nhũ.
– Hiệu quả diệt khuẩn khi sử dụng Iodine trong thủy sản
Iodine có nhiều dạng khác nhau, trong số đó thì chỉ có I2 và HOI là có khả năng khử trùng và diệt khuẩn mạnh.
Đối với môi trường ao nuôi có độ pH thấp từ 2,5-7 thì I2, HOI chiếm tỉ lệ cao, do đó hiệu quả khử trùng cũng cao hơn so với môi trường có độ pH cao. Hiệu quả khử trùng sẽ đạt tối đa khi pH trong khoảng 3-6. Mặt khác, nếu môi trường ao nuôi có nhiều chất khử như H2S, Mn2+,… thì Iodine sẽ phản ứng với chúng và làm giảm hiệu quả khử trùng.
Nồng độ sử dụng Iodine để diệt khuẩn với vi khuẩn là 0,2 mg/L, virus là 0,4 mg/L, nấm mốc là 0,6 mg/L và động vật nguyên sinh hay ức chế tảo phát triển là 0,2 mg/L. Sau từ 2-3 ngày sử dụng, Povidone-Iodine sẽ tự phân giải và không gây hại cho môi trường. Tuy nhiên, ở nhiệt độ và độ pH cao, thủy sản sẽ dễ mẫn cảm với Iodine và tác dụng khử khuẩn cũng không được hiệu quả cao.
Cách sử dụng Iodine trong thủy sản
– Cách sử dụng Iodine để xử lý nước
Mục đích | Cách sử dụng | Nồng độ PVP-I 30% (mg/L) |
Xử lý định kỳ nguồn nước nuôi tôm | Pha loãng rồi tạt xuống ao 2 tuần/lần | 0,3 – 0,5 |
Xử lý nguồn nước nuôi cá | Pha loãng rồi tạt xuống ao | 0,5 – 1,0 |
Xử lý nước khi tôm bị bệnh | Pha loãng rồi tạt xuống ao 3 ngày/lần | 0,5 – 1,0 |
– Cách sử dụng Iodine để sát trùng trang thiết bị nuôi
Mục đích | Cách sử dụng | Nồng độ PVP-I 30% (mg/L) |
Sát trùng bể ương cá, tôm giống | Tưới ướt bề mặt, để yên trong 30 phút, sau đó rửa sạch bằng nước thường | 500 |
Vệ sinh dụng cụ nuôi tôm, cá | Ngâm dụng cụ trong dung dịch PVP-I 15 phút | 500 |
Xử lý bè sau khi nuôi | Pha loãng rồi tạt lên vách bè, phơi nắng trong 2 – 3 ngày | 1/1000 |
– Cách sử dụng Iodine để trị bệnh, diệt tảo
Để trị các loại bệnh do nấm, vi khuẩn hay động vật nguyên sinh tác động bên ngoài cơ thể thủy sản, bà con có thể xử lý bằng các tạt Iodine xuống ao.
Bà con cần pha loãng dung dịch có nồng độ PVP-iodine 30% là 1,0 ppm rồi tạt xuống ao. Tần suất tạt là 3 ngày/lần cho đến khi hết bệnh. Đối với tảo, bà con sử dụng PVP-I có nồng độ 0,5 mg/L để tạt xuống ao trong một lần duy nhất để ức chế sự phát triển của tảo.
Một số lưu ý khi sử dụng Iodine trong thủy sản
- Chỉ nên sử dụng Iodine vào lúc trời mát, tốt nhất là vào buổi xế chiều.
- Độ pH ở mức nhỏ hơn 4 là tốt nhất để đảm bảo hiệu quả Iodine. Nếu độ pH cao hơn 6, có thể tăng nhẹ liều lượng.
- Không dùng chung Iodine với các loại thuốc sát trùng khác.
- Nên sử dụng Iodine với liều lượng vừa phải, có thời gian nghỉ giữa chu kỳ, tránh lạm dụng.
- Lựa chọn nơi cung cấp sản phẩm Iodine cho thủy sản chất lượng, uy tín và có nguồn gốc rõ ràng.
- Nên tham khảo ý kiến chuyên gia kỹ thuật nuôi trồng thủy sản để sử dụng Iodine đúng cách và đúng liều lượng với ao nuôi nhất.
Trên đây là những cách để sử dụng Iodine hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản. Mọi thắc mắc bà con có thể liên hệ theo số HOTLINE 0909 538 514 để được hỗ trợ và giải đáp kịp thời. BIOGENCY kính chúc bà con có một vụ mùa bội thu!
>>> Xem thêm: Các chất diệt khuẩn ao nuôi tôm và cách sử dụng đúng