Trong nuôi trồng thủy sản, sử dụng axit hữu cơ là một trong những biện pháp hiệu quả để phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi, thúc đẩy tăng trưởng và giảm tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR). Vậy axit hữu cơ dùng trong nuôi trồng thủy sản là gì? Gồm những loại nào? Hãy cùng BIOGENCY tham khảo qua bài viết dưới đây.
Axit hữu cơ dùng trong nuôi trồng thủy sản là gì?
Axit hữu cơ là các hợp chất hữu cơ với một hoặc nhiều nhóm Carboxyl. Chúng bao gồm các Axit Monocacboxylic chuỗi thẳng bão hòa (C1-C18) và các dẫn xuất tương ứng của chúng, chẳng hạn như axit không bão hòa (Cinnamic, Sorbic), Hydroxylic (Citric, Lactic), Phenolic (Benzoic, Cinnamic, Salicylic, Succinic) với cấu trúc phân tử chung của R-COOH, trong đó R đại diện cho nhóm chức năng đơn trị. Các Axit này thường được gọi là Axit béo chuỗi ngắn, Axit béo dễ bay hơi hoặc Axit Cacboxylic yếu.
Công dụng của Axit hữu cơ trong nuôi trồng thủy sản
Công dụng của Axit hữu cơ trong ao nuôi trồng thủy sản là ức chế sự phát triển của các vi sinh vật gây bệnh (nấm mốc, nấm men, vi khuẩn gây bệnh). Đặc biệt là các loài vi khuẩn Vibrio spp. gây bệnh cho tôm, điển hình là bệnh gan trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Vì vậy, Axit hữu cơ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thay thế kháng sinh đang bị lạm dụng trong nuôi trồng thủy sản như hiện nay. Ngoài công dụng ức chế sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh, Axit hữu cơ còn có nhiều tác dụng khác phải kể đến như:
- Tăng cường tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng: Axit hữu cơ có thể giúp cải thiện khả năng tiêu hóa của các loài thủy sản nói chung và tôm nói riêng, axit hữu cơ giúp hấp thu tốt hơn các chất dinh dưỡng từ thức ăn, từ đó giúp tôm tăng trưởng nhanh hơn và khỏe mạnh hơn.
- Kháng khuẩn và chống nấm: Một số loại Axit hữu cơ như Axit Propionic và Axit Lactic có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn và nấm gây bệnh trong hệ tiêu hóa của tôm giúp tăng tỷ lệ sống của tôm và giảm thiểu bệnh trên tôm.
- Ổn định pH và môi trường ao nuôi: Axit hữu cơ giúp điều chỉnh và ổn định pH trong môi trường nước, làm cho nó trở nên thích hợp hơn cho sự phát triển của thủy sản và các vi sinh vật có lợi trong ao nuôi.
- Cải thiện sức khỏe đường ruột: Axit hữu cơ có thể giúp cải thiện sự cân bằng của hệ vi sinh vật trong đường ruột của tôm, tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên, giúp chúng chống lại các bệnh tật.
- Hỗ trợ giảm mùi và các chất độc hại có trong môi trường ao nuôi: Axit hữu cơ có thể giúp làm giảm sự hình thành Amoniac và Hydrogen Sulfide trong nước, giúp cải thiện chất lượng nước ao nuôi.
- Tăng cường sự trao đổi chất và khả năng chống stress: Axit hữu cơ có thể giúp giảm căng thẳng cho tôm khi chúng phải đối mặt với điều kiện môi trường thay đổi hoặc tác động từ các yếu tố bên ngoài, giúp chúng duy trì sức khỏe tốt hơn.

Axit hữu cơ có những loại nào?
Như đã đề cập ở trên, Axit hữu cơ bao gồm các Axit Monocacboxylic chuỗi thẳng bão hòa (C1-C18) nên chúng có nhiều loại, mỗi loại đều có những công dụng và mỗi đặc điểm khác nhau. Dưới đây là một số loại axit hữu cơ phổ biến trong nuôi trồng thủy sản:
- Axit lactic (C₃H₆O₃): Được tạo ra trong quá trình lên men của vi khuẩn Lactic có tác dụng kháng khuẩn, cải thiện tiêu hóa và hỗ trợ vi sinh vật trong ruột thủy sản.
- Axit formic (HCOOH): Được sử dụng trong các sản phẩm bổ sung để giảm mùi hôi và duy trì pH có tác dụng chống vi khuẩn, chống nấm và duy trì pH ổn định trong ao.
- Axit propionic (C₃H₆O₂): Được sử dụng trong các chế phẩm thức ăn để phòng ngừa nấm mốc và vi khuẩn có tính kháng khuẩn giúp bảo vệ tôm khỏi các bệnh lý liên quan đến vi sinh vật, đặc biệt là trong điều kiện môi trường nuôi dày đặc.
- Axit acetic (C₂H₄O₂): Thường được sử dụng trong các chế phẩm bổ sung trong nuôi trồng thủy sản có tác dụng làm giảm pH trong môi trường ao nuôi, giúp duy trì pH ổn định và chống lại sự phát triển của vi khuẩn có hại.
- Axit butyric (C₄H₈O₂): Được sản xuất trong quá trình lên men nhưng cũng có thể được tổng hợp để bổ sung vào thức ăn giúp tăng cường sức khỏe đường ruột, hỗ trợ quá trình tiêu hóa và hấp thu tối đa dinh dưỡng.
Cách bổ sung axit hữu cơ trong ao nuôi
Bổ sung Axit hữu cơ vào ao nuôi có nhiều cách:
- Pha trực tiếp vào nước: Axit hữu cơ có thể được pha loãng và phun vào nước ao nuôi để giảm pH, kiểm soát vi sinh vật gây bệnh và duy trì chất lượng nước tốt hơn. Phương pháp này cần phải theo dõi pH thường xuyên để tránh làm giảm pH quá mức, gây Stress cho thủy sản.
- Bổ sung vào thức ăn: Axit hữu cơ có thể được trộn vào thức ăn dạng viên hoặc bột của thủy sản. Các Axit này giúp cải thiện quá trình tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng. Đây là phương pháp phổ biến và dễ thực hiện.
- Thêm vào hệ thống lọc nước: Axit hữu cơ có thể được bổ sung vào hệ thống lọc nước (ví dụ: qua bộ lọc vi sinh), giúp duy trì sự ổn định của pH và hỗ trợ sự phát triển của vi sinh vật có lợi, đồng thời giảm thiểu sự phát triển của vi khuẩn có hại.
- Sử dụng trong sản phẩm bổ sung hoặc chế phẩm vi sinh: Các chế phẩm có chứa Axit hữu cơ và vi sinh vật có lợi có thể được sử dụng định kỳ để bổ sung vào môi trường nuôi, giúp cải thiện sức khỏe của thủy sản và chất lượng nước.
Lưu ý: Khi sử dụng Axit hữu cơ cần phải đúng liều lượng và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tôm. Độ hiệu quả sẽ phù thuộc vào hiệu năng và nồng độ sử dụng. Do đó, khi sử dụng Axit hữu cơ cần có sự chỉ định của chuyên gia về loại Axit sử dụng, liều lượng sử dụng để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc. Người nuôi cần đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất, không nên tự ý phối trộn Axit hữu cơ với các loại hóa chất khác.
Hy vọng qua bài viết trên, BIOGENCY có thể giúp bà con phần nào hiểu được về Axit hữu cơ trong ao nuôi. Mọi thắc mắc bà con có thể liên hệ theo số HOTLINE 0909 538 514 để được hỗ trợ và giải đáp kịp thời. BIOGENCY kính chúc bà con có một vụ mùa bội thu!
>>> Xem thêm: Quản lý chi phí thức ăn trong nuôi trồng thủy sản