Kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản

Sự kết hợp các chất thay thế kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản với kĩ thuật chăm sóc tốt dường như là giải pháp tối ưu nhất để tối ưu hóa cơ hội bảo vệ động vật và ngăn chặn sự phát triển của hiện tượng kháng kháng sinh. Hãy cùng Biogency tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau.

kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản

Ảnh hưởng khi sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản

Lượng thủy sản ở châu Á gia tăng đáng kể trong thời gian qua (cá là đối tượng đạt giá trị kinh tế cao nhất). Năm 2014, sản lượng thủy sản (dành cho con người sử dụng) là 47 triệu tấn – Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam sản xuất hơn 90%.

Mật độ nuôi ngày càng cao làm cho chất lượng môi trường ao nuôi ngày càng giảm, vật nuôi dễ mẫn cảm với mầm bệnh hơn. Từ đó, người ta bắt đầu sử dụng kháng sinh để hạn chế mầm bệnh.

Hình 1. Kháng sinh được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản như một biện pháp để hạn chế mầm bệnh.

Nhiều loại kháng sinh còn được sử dụng như chất kích thích tăng trưởng, dẫn đến hiện tượng kháng kháng sinh (ABR). Thông qua chuỗi thức ăn, mầm bệnh có thể lan truyền và gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người sử dụng. Hiện tượng ABR sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị bệnh và sức khỏe cộng đồng.

Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho rằng hiểu được ABR là hết sức quan trọng và cấp thiết. Giải pháp là xây dựng kế hoạch hành động toàn cầu để giảm thiểu ABR, đồng thời nhấn mạnh việc thiếu các phương pháp điều trị mới để thay thế kháng sinh khi vi khuẩn bắt đầu kháng lại kháng sinh. Hầu như các trại nuôi ngày nay đều sử dụng kháng sinh (như Oxytetracycline, Florfenicol, Sulphonamide kết hợp với Trimethoprim).

Kháng sinh Cephalosporin

Hình 2. Kháng sinh Cephalosporin.

Tại Mỹ (USA), Chloramphenicol và Enrofloxacin vẫn được sử dụng nhưng cấm dùng cho vật nuôi, được sử dụng làm thức ăn cho người. So sánh với quy định tại Mĩ và châu Âu, 1 lượng lớn cơ chất kháng sinh vẫn được phép sử dụng ở châu Á nhưng lại không được phân biệt rõ ràng kháng sinh sử dụng cho người và thủy sản.

Điều này dễ dẫn đến hiện tượng ABR khi kháng sinh được sử dụng rộng rãi như vậy. Một số nghiên cứu đã làm nổi bật cách sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, góp phần gia tăng hiện tượng kháng kháng sinh trong môi trường ao nuôi. Vi khuẩn kháng kháng sinh không chỉ phân lập trên các mẫu tôm cá, mà còn từ môi trường xung quanh khu vực nuôi thủy sản.

Do đó, sử dụng một số sản phẩm như Probiotics, Prebiotics, chất kích thích miễn dịch và Vaccine kết hợp với quản lý môi trường nước tốt hơn sẽ là phương thức đầy hứa hẹn để giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh trong tương lai không xa.

Lựa chọn chất thay thế kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản

Vào đầu những năm 90, Na Uy đột ngột giảm số lượng kháng sinh sử dụng trong trại nuôi cá hồi. Thay vào đó, họ tiến hành các biện pháp vệ sinh, cũng như áp dụng các loại thuốc có tác dụng mạnh hơn.

Tương tự, thủy sản châu Á nên dùng biện pháp kỹ thuật chăm sóc tốt hơn để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát (thiết lập các biện pháp an toàn sinh học, giảm mật độ và cải thiện chất lượng nước), đặc biệt khuyến khích các biện pháp thay thế kháng sinh.

– Sử dụng Vaccine để thay thế kháng sinh

Trong trường hợp các phương pháp này không ngăn chặn được dịch bệnh bùng phát, các nhà nghiên cứu bệnh học thủy sản nên thực hiện chẩn đoán chính xác nguyên nhân và tìm ra phương pháp để ngăn chặn. Cách này sẽ giúp kiểm soát việc sử dụng kháng sinh tốt hơn, giảm thiểu các rủi ro liên quan.

Trong tương lai, việc sử dụng Vaccine được xem như một phương pháp ngăn chặn mầm bệnh lây nhiễm trong nuôi thủy sản châu Á. Có rất nhiều loại Vaccine cho cá nước ngọt ở châu Á (như cá chép, cá rô phi và cá da trơn) và tôm.

Nhưng thực tế, các loại Vaccine thương mại sẵn có vẫn còn hạn chế, vì chúng chỉ nhằm vào phần lớn các bệnh có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thủy sản. Mặt khác, việc chuyển đổi từ sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản qua Vaccine đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, các nhà đầu tư và trại nuôi, điều này lại rất khó để có thể làm được.

– Sử dụng Probiotics để thay thế kháng sinh

Probiotics cũng thường được sử dụng để ngăn chặn các bệnh lây nhiễm do vi khuẩn. Định nghĩa Probiotic là “các vi sinh vật sống, nếu được quản lý với số lượng thích hợp, sẽ mang lại lợi ích cho người nuôi bằng cách tự điều chỉnh số lượng vi sinh vật liên quan hoặc môi trường xung quanh”.

Việc áp dụng Probiotic trong nuôi trồng thủy sản đã được nghiên cứu rộng rãi vì nó là chất kích thích tăng trưởng, cải thiện sức khoẻ cá, tăng khả năng chịu đựng và phát triển của các loài thủy sinh. Y học cổ truyền Trung Quốc thường sử dụng tinh dầu thiết yếu từ thực vật để giảm bệnh lây nhiễm do vi khuẩn gây ra.

– Sử dụng Tỏi để thay thế kháng sinh

Tỏi – nguồn kháng sinh tự nhiên, cũng thường được sử dụng trong các ao nuôi thủy sản ở Trung Quốc và Việt Nam. Tỏi có khả năng kích thích hệ thống miễn dịch, cải thiện tốc độ tăng trưởng và khả năng tiêu hóa thức ăn trong các loài cá khác nhau.

– Sử dụng vi khuẩn Phage để thay thế kháng sinh

Các dòng vi khuẩn Phage là virus và có thể giết chết các loại vi khuẩn nhạy cảm. Điều này được khám phá năm 1915 và kết quả cho thấy chúng có khả năng kiểm soát các loại vi khuẩn gây bệnh. Có thể dùng nó để kiểm soát nhiều bệnh trên nhiều loại cá khác nhau.

Nhiều nghiên cứu thường tập trung vào cách kiểm soát mầm bệnh do vi khuẩn gây ra, Một số vi khuẩn hoạt động bằng cách ức chế sự phát triển của vi khuẩn khác. Trong khi một số khác lại ức chế biểu hiện gene độc tính của vi khuẩn (như cắt ngang cơ chế giao tiếp“Quorum sensing” của vi khuẩn).

—–

Sự kết hợp các chất thay thế kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản với kĩ thuật chăm sóc tốt dường như là giải pháp tối ưu nhất để tối ưu hóa cơ hội bảo vệ động vật và ngăn chặn sự phát triển của hiện tượng kháng kháng sinh.

Để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, kháng sinh nên được kiểm soát chặt chẽ hơn, hướng dẫn cách dùng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản rõ ràng hơn và hướng tới các chất thay thế kháng sinh để đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng.

Nguồn: Asian Aquaculture and Antibiotics; Use and Alternatives – Aqua Practrical – Vol 2, Issue 2 – Apr – June 2017 Dịch: Thạc sĩ Lê Hải Quỳnh

>>> Xem thêm: Chẩn đoán bệnh cho tôm bằng cách nào?