Bệnh cong thân đục cơ trên tôm. Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bệnh

Ngày nay, nguồn nước nuôi trồng thủy sản bị ô nhiễm khá cao, khiến việc nuôi tôm trở nên khó khăn hơn đối với bà con. Nuôi tôm là nuôi nước, nước bị ô nhiễm gây nên các bệnh ở tôm như bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh đầu vàng,… trong đó có bệnh cong thân đục cơ – một loại bệnh phổ biến ở tôm hiện nay. Bệnh cong thân đục cơ nguy hiểm như thế nào? Cách xử lý và phòng ngừa bệnh cong thân đục cơ ra sao? Hãy cùng Biogency tham khảo qua bài viết dưới đây nhé!

Bệnh cong thân đục cơ trên tôm. Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bệnh

Dấu hiệu nhận biết tôm mắc bệnh cong thân đục cơ

Bệnh cong thân đục cơ không còn xa lạ đối với bà con nuôi tôm, từ ngày thứ 10 trở đi thì bệnh cong thân đục cơ đã xuất hiện. Đối với bệnh này, bà con có thể quan sát các dấu hiệu bệnh bằng mắt thường. Các dấu hiệu của bệnh cong thân đục cơ thường là:

  • Cơ thịt tôm có màu trắng đục, đặc biệt là ở phần cơ đuôi, sau đó lan dần khắp cơ thể.
  • Cơ thể tôm co lại thành hình chữ C (cong thân).
  • Tôm không tự duỗi thẳng ra lại được khi kéo sàn, nhá thức ăn lên khỏi mặt nước vào thời tiết nắng nóng.
  • Khi tôm bị bệnh nặng sẽ dẫn đến hoại tử và đỏ ở phần cơ, biểu hiện rõ nhất là khi tôm dập nát, có thể sẽ bị gãy làm đôi.

Tôm bị cong thân đục cơ.

Hình 1. Tôm bị cong thân đục cơ.

Nguyên nhân gây bệnh cong thân đục cơ ở tôm

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên bệnh cong thân đục cơ ở tôm, thường là do:

– Do sốc môi trường:

Thời tiết nắng, nóng, nhiệt độ thay đổi thất thường, tôm trong nhá sẽ nhảy lên và búng mạnh khi gặp nhiệt độ cao khiến tôm bị cong thân, đặc biệt là khi bà con nhấc sàn/vó/nhá lên để kiểm tra sức ăn của tôm. Đuôi uốn cong chạm đến phần giáp ngực, cùng lúc đó mô cơ chạy dọc theo phần giữa cơ thể sẽ trở nên trắng đục. Sau khi được thả trở lại ao, tôm sẽ chết vì không có khả năng tự duỗi thẳng.

Khi cho tôm ăn, bà con tắt hết quạt nước và cho chạy lại hàng loạt khiến tôm bị “giật mình” và nhiều con nhảy lên mặt nước tạo thành “làn sóng” chạy dọc theo ao. Một số con khi nhảy lên khỏi mặt nước sẽ bị cong thân khi tiếp xúc với không khí sẽ chuyển sang trắng cơ. Khi nuôi, bà con thường không để ý đến hiện tượng này cho đến ngày hôm sau, có tôm chết ở trong ao mới phát hiện.

Đối với các ao nuôi có mật độ tảo giáp cao, nước có màu nâu đỏ khi gặp nhiệt độ môi trường cao sẽ dễ khiến tôm bị cong thân đục cơ hơn.

Khi kéo lưới để sang ao hay với mục đích thu tỉa, một số tôm sẽ bị stress khiến 1 phần hay toàn bộ cơ thịt tôm bị trắng đục, hoặc thỉnh thoảng có pha lẫn màu trắng và màu tối khác thường như cam hoặc đỏ hồng. Hầu hết tôm khác màu sẽ chết, những con khác bị nhẹ hơn có khả năng hồi phục nhưng thường sẽ mất khoảng vài ngày để hồi phục lại màu sắc.

– Do ao nuôi bị thiếu oxy:

Oxy hòa tan rất cần thiết cho tôm, lượng oxy hòa tan trong nước thấp nếu như không lắp đủ quạt nước tương ứng với số tôm trong ao (yêu cầu hàm lượng oxy hòa tan trong ao tôm cần đạt tối thiểu là 6 – 8mg/l). Nguyên nhân làm lượng oxy trong nước giảm xuống thấp là do quá trình phân hủy các chất hữu cơ tăng lên trong suốt vụ nuôi.

Khi trời có nhiều mây mù hoặc mưa trong vài ngày liên tục, tảo sẽ không quang hợp tốt và không thể tạo ra nhiều oxy, trong khi đó mọi sinh vật sống trong ao như tôm, tảo, vi sinh vật rất cần lượng oxy, oxy hòa tan thường không đều và rất thấp ở giữa ao, đặc biệt là những ao không có sự trao đổi nước thường xuyên và những ao thả tôm với mật độ cao. Khi ao thiếu oxy, sẽ dễ khiến tôm bị bệnh cong thân đục cơ, chậm phát triển.

– Do tôm bị nhiễm Virus:

Một trong các nguyên nhân khiến tôm bị cong thân đục cơ là do vi bào tử trùng (Microsporidia) thường xuất hiện ở các vùng nuôi có độ mặn cao (từ 25 – 35‰) – đây chính là loại virus làm cho tôm bị đục cơ, khi chúng xâm nhập vào cơ thể sẽ làm cho cơ thể tôm chuyển sang trắng đục.

Ngoài vi bào tử trùng còn do nhiễm virus (IMNV-Infectious Myonecrosis Virus) khiến cơ thể tôm bị hoại tử cơ, các điểm hoại tử nhỏ bắt đầu ở phần đuôi rồi sau đó lan dần ra toàn thân. Khi nhiễm loại virus này, tỷ lệ tôm chết khá cao (khoảng 40 – 70%).

– Do tôm bị thiếu khoáng:

Khoáng rất quan trọng đối với tôm, khoáng giúp tôm lột xác, tạo vỏ nhanh. Khi thiếu khoáng đa lượng và vi lượng (đặc biệt là Canxi và Magie) sẽ dễ khiến tôm bị cong thân đục cơ.

Bảng dưới đây tổng hợp các loại khoáng cần thiết cho ao nuôi tôm và dấu hiệu nhận biết khi tôm bị thiếu khoáng:

Các loại khoáng cần cho sự phát triển của tôm Dấu hiệu tôm bị thiếu khoáng
Ca Giảm sinh trưởng, ăn ít, vỏ tôm mỏng.
P Giảm sinh trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn và khoáng giảm.
Mg Thiếu Mg tôm dễ bị cong thân đục cơ, mềm vỏ, tình trạng này kéo dài gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và làm chết tôm.
Fe Giảm lượng hồng cầu, gan vàng.
Cu Tôm giảm sinh trưởng, dễ cảm nhiễm bệnh.
Zn Giảm tăng trưởng và giảm sức sinh sản.
Mn Giảm bắt mồi, giảm tăng trưởng và hoạt tính một số Enzyme.
Se Giảm khả năng đề kháng, giảm hoạt tính một số Enzyme.
Co Tôm không thể tự sản xuất Vitamin B12.

Khi tỷ lệ Ca:Mg mất cân bằng (1:3.1) sẽ ảnh hưởng đến sự điều hòa thẩm thấu từ đó gây ra hội chứng co cơ ở tôm (cong thân).

Dấu hiệu của tôm bị bệnh cong thân đục cơ.

Hình 2. Dấu hiệu của tôm bị bệnh cong thân đục cơ.

Cách điều trị và phòng ngừa bệnh cong thân đục cơ ở tôm

– Cách điều trị bệnh cong thân đục cơ trên tôm

Cong thân đục cơ là một loại bệnh khá phổ biến hiện nay khi nuôi tôm, khi nhiễm bệnh có thể gây ra hiện tượng chết hàng loạt ở tôm làm ảnh hưởng đến năng suất mùa vụ. Vì vậy, bà con cần có các biện pháp phòng ngừa và xử lý kịp thời, tránh để lại các hậu quả nghiêm trọng.

Tôm dễ bị cong thân đục cơ khi kéo nhá thức ăn lên vào thời tiết nắng nóng.

Hình 3. Tôm dễ bị cong thân đục cơ khi kéo nhá thức ăn lên vào thời tiết nắng nóng.

  • Chú ý kiểm tra chài, lưới khi nắng nóng

Khi nuôi tôm bà con nên hạn chế hoặc hết sức lưu ý khi kiểm tra chài, lưới, nhá thức ăn hoặc sang tôm sang ao khác vào thời tiết nắng nóng. Phải đảm bảo cung cấp đầy đủ lượng oxy cho ao tránh làm tôm sốc đột ngột do thời tiết hoặc thiếu oxy.

Một số giải pháp khắc phục khi nhiệt độ thay đổi đột ngột, nắng nóng:

+ Luôn giữ mực nước ổn định ở 1.5 – 1.7m, ương nuôi tôm trong nhà bạt để kiểm soát nhiệt độ nước.

+ Tăng cường chạy quạt để giảm sự phân tầng nhiệt độ và cung cấp đầy đủ oxy cho ao nuôi.

+ Bổ sung chất dinh dưỡng cho tôm trong những ngày nắng gắt hoặc mưa âm u. Bổ sung Vitamin C, βglucan… nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm trong những ngày thời tiết thất thường.

+ Giảm 30 – 50% lượng thức ăn trong những ngày thời tiết nắng gắt hoặc âm u.

+ Bổ sung men vi sinh để cung cấp các chủng vi sinh có lợi cho ao nuôi tôm. Bà con có thể tham khảo dòng men vi sinh đường ruột Microbe-Lift DFM nhằm hỗ trợ cho hoạt động đường ruột.

Men vi sinh đường ruột Microbe-Lift DFM.

Hình 4. Men vi sinh đường ruột Microbe-Lift DFM.

  • Bổ sung khoáng cho tôm ngay từ đầu vụ nuôi

Ngoài yếu tố môi trường, chất khoáng là rất cần thiết cho tôm. Bà con nên bổ sung chất khoáng ngay từ đầu vụ nuôi, có thể tạt khoáng định kỳ cho ao. Bên cạnh đó, cần phải đảm bảo độ pH và kiềm ở mức cho phép.

Bà con có thể định kỳ bổ sung khoáng cho ao nuôi tùy theo tuổi tôm và mật độ dày hay thưa, với liều lượng 1 – 2kg/1000m3, đánh vào ban đêm định kỳ 3-7 ngày/lần, hoặc có thể sử dụng kết hợp với các loại khoáng nước loại trộn cho ăn với liều lượng 1-2ml/kg thức ăn, 2 lần/ngày. Việc dùng thuốc định kỳ sẽ giúp tôm tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ nhiễm bệnh.

Đối với các trường hợp tôm bị cong thân đục cơ, bà con nên bổ sung các loại khoáng chất cần thiết cho tôm như: Vitamin, Ca, Mg, K,… để khắc phục tình trạng thiếu dinh dưỡng và phòng ngừa một số loại bệnh khác như bệnh đường ruột,…

– Cách phòng bệnh cong thân đục cơ trên tôm

Hiện nay chưa có thuốc điều trị bệnh cong thân đục cơ ở tôm, bà con nên chủ động phòng ngừa bệnh từ đầu vụ nuôi để tránh tình trạng tôm bệnh nặng mới điều trị. Dân gian xưa có câu “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Khi tôm mắc bệnh sẽ rất mất thời gian và chi phí điều trị và ảnh hưởng đến năng suất. Do đó, tốt hơn bà con nên thực hiện các biện pháp chăm sóc và phòng ngừa. Bà con có thể tham khảo các giải pháp dưới đây:

  • Bà con có thể phòng bệnh bằng cách bổ sung các chế phẩm sinh học tự nhiên để ngăn ngừa sự hình thành các loại virus và vi bào tử trùng,  bà con có thể tham khảo qua dòng men vi sinh Microbe-Lift AQUA C xử lý nước, lợn cợn ao nuôi tôm và men vi sinh Microbe-Lift AQUA SA xử lý đáy, giảm nhớt bạt, xi phông không có mùi hôi.
  • Ngoài ra, bà con có thể tham khảo dòng men vi sinh Microbe-Lift AQUA N1 chứa 2 chủng NitrosomonasNitrobacter chuyên trị vấn đề khí độc, giúp ao tôm luôn sạch và tôm khỏe hơn.
  • Quan trọng hơn là khi bắt đầu vụ nuôi, bà con nên lựa chọn con giống sạch, chất lượng và không bị nhiễm bệnh.

Men vi sinh Microbe-Lift giúp xử lý nước, khí độc và đáy ao nuôi tôm, giúp tôm phát triển khỏe nâng cao chất lượng thịt.

Hình 5. Men vi sinh Microbe-Lift giúp xử lý nước, khí độc và đáy ao nuôi tôm, giúp tôm phát triển khỏe nâng cao chất lượng thịt.

Nếu do môi trường và virus gây bệnh cong thân đục cơ nặng thì hiện nay chưa có thuốc điều trị. Bà con nên chủ động phòng ngừa trước khi bệnh xảy ra. Hy vọng qua bài viết trên, bà con có thể hiểu được phần nào về bệnh cong thân đục cơ trên tôm. Mọi thắc mắc liên hệ ngay với chúng tôi theo số HOTLINE 0909 538 514 để được hỗ trợ và giải đáp kịp thời.

>>> Xem thêm: Tôm rớt cục thịt là hiện tượng gì? Có đáng lo ngại?