Bệnh EHP trên tôm là gì? Làm cách nào để kiểm tra tôm bị nhiễm EHP?

Là một trong những loại bệnh xuất hiện khá phổ biến, bệnh EHP trên tôm rất được bà con nuôi tôm quan tâm. Vậy bệnh EHP trên tôm là gì? Hãy cùng Biogency tìm hiểu về căn bệnh này cũng như cách kiểm tra tôm bị nhiễm EHP qua bài viết dưới đây.

Bệnh EHP trên tôm là gì? Làm cách nào để kiểm tra tôm bị nhiễm EHP?

Bệnh EHP trên tôm là gì?

EHP là bệnh vi bào tử trùng, do ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (viết tắt là EHP) gây ra cho tôm, vì vậy người ta thường hay gọi ngắn gọn là bệnh EHP.

Ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei là một loại vi bào tử trùng ký sinh gây nhiễm trên tuyến gan tụy của tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Nó sẽ khiến cho tôm bị chậm lớn, nhiễm trùng mãn tính, hoặc nghiêm trọng hơn nữa là khiến tôm chết dù tỷ lệ chết không cao. Điều này khiến giá trị tôm thành phẩm giảm, chi phí đầu tư cao do tôm vẫn tiêu thụ thức ăn như bình thường nhưng lại không lớn.

Cấu tạo của một loại ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP).

Hình 1. Cấu tạo của một loại ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP).

Bệnh EHP trên tôm xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2015. Theo thông tin từ Tổng cục Thủy sản, bệnh EHP hiện đang là một trong những căn bệnh có chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho bà con nuôi tôm.

Các ao nuôi có tôm bị nhiễm bệnh EHP sẽ chỉ có mức độ tăng trưởng nằm trong khoảng từ 10 – 40% so với các ao bình thường. Tôm không chỉ chậm lớn mà kích thước của tôm cũng sẽ không đồng đều. Thông thường, ở các ao nuôi có tôm nhiễm bệnh phân trắng sẽ thường được phát hiện nhiễm cả bệnh EHP (tỷ lệ nhiễm EHP trong các ao xuất hiện bệnh phân trắng lên đến 96%).

Bà con nuôi tôm cần phải trang bị đầy đủ kiến thức về căn bệnh EHP này, nguồn gốc gây bệnh và các dấu hiệu nhận biết để có các biện pháp phòng tránh cũng như phát hiện kịp thời để xử lý. Bởi lẽ, bệnh EHP trên tôm là một căn bệnh chưa có giải pháp điều trị hiệu quả, và một khi đã lây truyền sẽ khó không chế.

Cách để kiểm tra tôm bị nhiễm bệnh EHP

– Quan sát các dấu hiệu ngoài cơ thể (mắt, biểu bì cơ, ruột)

Tôm bị nhiễm bệnh EHP sẽ có lớp biểu bì mỏng, cơ màu trắng như một biểu hiện của việc tôm đang bị stress. Cuống mắt của tôm sẽ xuất hiện các đốm màu đen trên cuống mắt, trong mô cơ và dọc theo ruột sau tôm.

Dấu hiệu nhận biết bệnh EHP trên tôm.

Hình 2. Dấu hiệu nhận biết bệnh EHP trên tôm.

Khi EHP lây nhiễm vào các ống của tuyến gan tụy làm bong tróc các tế bào, vì thế làm ảnh hưởng tới khả năng tiêu hoá của tôm. Hệ luỵ tiếp theo là tôm sẽ không thể tiêu hóa thức hay và tái thiết các biểu mô bị hư, tôm sẽ giảm cảm giác thèm ăn và chậm lớn.

– Quan sát đường ruột, kích thước tôm theo giai đoạn ngày nuôi

Cụ thể hơn, bà con có thể quan sát bằng mắt thường ở 2 giai đoạn sau của tôm để nhận biết tôm có thể đang nhiễm bệnh EHP:

  • Sau 20 – 30 ngày tuổi: Tôm chậm lớn, kích thước không đồng đều. Xuất hiện tình trạng mềm vỏ, khả năng ăn giảm sút, ruột rỗng, phân đứt khúc, đường ruột tôm cong, cơ đục, nhiều đốm trắng, chết rải rác. Một vài con có thể bị ruột xoắn, không chặt chẽ.

Hình ảnh tôm bị EHP, đường ruột bị lò xo.

Hình 3. Hình ảnh tôm bị EHP, đường ruột bị lò xo.

  • Sau khi tôm đạt trọng lượng từ 3 đến 4 gam/con (size 200 con/kg), tôm chậm lớn cho tới lúc tôm 90 ngày tuổi.

– Quan sát thông qua kính hiển vi và phân tích mẫu

Sau khi quan sát bằng mắt thường và bà con nhận thấy các dấu hiệu tôm bị nhiễm bệnh EHP, tuy nhiên lúc này có khả năng tôm đã nhiễm bệnh nặng. Vì thế, bà con cần tiến hành kiểm tra để đưa ra được kết quả sớm và chính xác hơn hơn bằng các cách sau:

  • Tôm nhiễm EHP có thể được kiểm tra bằng cách soi gan và ruột dưới kính hiển vi với độ phóng đại 100 lần.
  • Sử dụng phương pháp PCR để kiểm tra trên mẫu gan. Có thể gửi mẫu tươi, hoặc mẫu cố định trong cồn đến phòng thí nghiệm.
  • Chạy PCR đối với các mẫu phân tôm bố mẹ.

Bệnh EHP trên tôm là một căn bệnh gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng khi gặp phải, bà con cần phải quan sát nắm rõ các dấu hiệu nhận biết cũng như tiến hành kiểm tra ao tôm của mình thường xuyên.

Chi tiết hơn về tốc độ lây nhiễm cũng như các cách để kiểm soát và phòng ngừa bệnh EHP trên tôm hiệu quả bà con có thể xem chi tiết tại bài viết sau: Làm thế nào để kiểm soát và phòng ngừa bệnh EHP trên tôm?

Vậy là Biogency đã chia sẻ đến Quý bà con nuôi tôm những kiến thức cơ bản đầu tiên cần nắm về căn bệnh EHP trên tôm. Mong rằng những kiến thức này sẽ hữu ích và bà con có thể áp dụng được trong quá trình nuôi của mình. Mọi khó khăn hay mọi vấn đề xảy ra cho tôm nuôi trong suốt mùa vụ mà chưa biết nên xử lý sao cho hiệu quả, bà con hãy liên hệ đến Biogency với số HOTLINE: 0909 538 514, các kỹ sư thủy sản của chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành với bà con để có một mùa vụ bội thu.

>>> Xem thêm: Bệnh đường ruột ở tôm, nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết bệnh đường ruột