Quá trình tôm lột vỏ (hay còn gọi là tôm lột xác) diễn ra trong suốt quá trình phát triển của tôm, đóng vai trò quan trọng cho một mùa vụ thành công. Do đó, bà con nuôi tôm nên nắm rõ cách nhận biết tôm sắp lột vỏ và giúp tôm thuận lợi lột vỏ để phát triển khỏe mạnh ở các giai đoạn sống tiếp theo.
Vì sao tôm lột vỏ?
Vỏ tôm chính là bộ xương bên ngoài của tôm. Nó đóng vai trò như một tấm áo giáp để bảo vệ toàn bộ phần thân mềm của tôm bên trong khỏi các động vật ăn thịt và mầm bệnh. Ngoài ra, vỏ tôm cũng giống như bộ khung định hình hình dáng cho tôm.
Vỏ tôm có 2 thành phần:
- Khoáng vô cơ (cụ thể phần lớn là Calcium và Mg cùng các loại khoảng khác) chiếm 55%.
- Chitin (là các hợp chất Protein Chitin được cấu thành từ Carbohydrate và Protein) cùng hệ thống xúc giác để tôm có thể nhận diện các thay đổi của môi trường xung quanh.
Tôm cần loại bỏ lớp vỏ cũ trong quá trình phát triển để thay bằng bộ vỏ mới. Việc lột vỏ này giúp tôm tăng trưởng kích thước, trọng lượng, rút ngắn thời gian nuôi và giúp bà con đạt năng suất cao. Ngoài ra, lớp vỏ cũ khi được thay ra sẽ giúp tôm loại bỏ được các tạp chất, vi khuẩn, ký sinh trùng hay các vết thương trên lớp vỏ cũ.
Hình 1. Tôm lột vỏ (hay còn gọi là tôm lột xác) diễn ra trong suốt quá trình phát triển của chúng.
Tuy nói việc tôm lột vỏ là việc diễn ra trong suốt quá trình nuôi cho tới lúc thu hoạch. Nhưng nếu không được quan tâm, chú ý đến các dấu hiệu tôm sắp lột vỏ, chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc tôm ở các giai đoạn trước, trong và sau khi lột vỏ thì quá trình lột vỏ này sẽ diễn ra không đồng đều, làm giảm năng suất mùa vụ.
>>> Xem thêm: Chu kỳ lột xác của tôm thẻ chân trắng
Cách nhận biết tôm sắp lột vỏ
– Tôm ít vận động hơn bình thường, vỏ rất cứng
Khi tôm sắp lột vỏ, chúng sẽ có những dấu hiệu mà bà con có thể quan sát bằng mắt thường. Vào lúc này tôm sẽ ít vận động hơn bình thường, vỏ tôm cũng sẽ rất cứng. Nếu tôm không sẵn sàng thì chúng sẽ không lột vỏ vì có thể làm chết nó.
– Gan tụy của tôm ở trạng thái to nhất
Tôm sẽ sẵn sàng lột vỏ khi mà gan tụy tôm to nhất (thường vào khoảng 1,17% trọng lượng thân) vì nó tích lũy chất dinh dưỡng cho quá trình lột xác tại đây. Nhờ các chất dinh dưỡng tích lũy tại gan tụy, một lớp vỏ mềm sẽ được hình thành bên dưới lớp vỏ cũ (lớp vỏ sắp lột) tại tầng biểu bì.
Ở tầng bên trong, sau lớp biểu bì, Chitin và các khoáng như Mg và Ca sẽ được hấp thụ từ lớp vỏ cũ để tích lũy vào lớp vỏ mới (cần pH trong nước ao nuôi thấp hơn 8,3). Khoáng chất từ lớp vỏ cũ sẽ chưa đủ để làm cứng, tuy nhiên đủ để tạo một lớp màng cho vỏ mới.
Thời gian cho việc chuẩn bị lột vỏ này sẽ mất khoảng 6 tiếng đối với tôm từ 10 – 15g.
Hình 2. Vỏ tôm sau khi lột.
– Tôm thường lột vỏ vào những khoảng thời gian xác định trong suốt chu kỳ nuôi
Thông thường tôm sẽ không lột vỏ trong cùng 1 thời điểm. Thời điểm trăng tròn hoặc khi thuỷ triều lên là những lúc mà tôm có xu hướng tiến hành lột vỏ. Hoặc bà con có thể tham khảo bảng sau để xác định thời gian tôm lột vỏ:
Hình 3. Thời gian tôm lột vỏ trong suốt quá trình nuôi. (Nguồn: Dr. Booyarat Pratumchart, phòng khoa học thủy sinh, khoa khoa học, đại học Burapha và Dr. Chalor limsuwan, trung tâm nghiên cứu thương mại thủy sản, đại học Kasetsart, Thái Lan)
Yếu tố nào là cần thiết để tôm lột vỏ thuận lợi?
– Khoáng chất cho tôm
Để mùa vụ thành công thì điều mà bà con luôn mong muốn chính là tôm lột vỏ đồng loạt và mau cứng vỏ. Chính vì thế, khi tôm sắp lột vỏ bà con cần chú ý đến yếu tố cung cấp đầy đủ các khoáng chất cho tôm.
Khoáng chất là thành phần không thể thiếu để hình thành bộ vỏ (bộ xương bên ngoài) cho tôm, giúp tôm cân bằng áp suất thẩm thấu, tham gia vào thành phần cấu trúc các mô của tôm, hỗ trợ truyền các xung động thần kinh:
- Nhu cầu chất khoáng trong khẩu phần ăn của tôm: Đối với môi trường nước có độ mặn cao thì nhu cầu về Ca2+, K+ và Mg2+ cần thiết cho quá trình lột xác của tôm cần được đáp ứng và bổ sung. Với môi trường có độ mặn thấp thì thường thiếu hụt K+ trong khẩu phần ăn.
- Nhu cầu chất khoáng trong nước của tôm: Trong nước nuôi, bà con cần chú ý tỷ lệ Na:K phải đạt 28:1 và Mg:Ca là 3,1:1 và nhu cầu khoáng chất cũng khác nhau tùy theo mật độ nuôi.
Hình 4. Khi tôm sắp lột vỏ, cần chú ý bổ sung đủ khoáng chất cho tôm để quá trình lột vỏ diễn ra thuận lợi.
– Hàm lượng oxy trong nước, pH và bùn đáy ao nuôi
Ngoài chất khoáng, các yếu tố như: Hàm lượng oxy trong nước, pH và bùn đáy ao nuôi cũng ảnh hưởng đến quá trình tôm lột vỏ:
- Hàm lượng oxy hòa tan trong nước: Trong quá trình tôm lột xác, hàm lượng oxy hòa tan trong nước cần có ở mức cao từ 4 – 6 mg/l. Do đó, ngay khi bà con thấy tôm sắp lột vỏ, bà con nên tăng cường quạt nước và sục khí cho ao nuôi.
- Độ pH của nước nuôi: Khi nhận thấy tôm sắp lột vỏ, bà con cần kiểm tra và duy trì độ pH trong ngưỡng từ 7 – 8,5 (tốt nhất là 7,5 – 8) để tôm lột vỏ thuận lợi.
- Dọn dẹp và xử lý bùn đáy ao thường xuyên để tránh tình trạng tôm bị mềm vỏ sau khi lột.
—
Bài viết trên đã chia sẻ đến bà con các cách để nhận biết tôm sắp lột vỏ cũng như các yếu tố cần thiết để tôm lột vỏ thuận lợi. Mong rằng với những thông tin này bà con có thể ứng dụng vào thực tế để nuôi tôm. Mọi khó khăn trong quá trình nuôi tôm như các vấn đề: Môi trường nước, khí độc ao nuôi, bệnh dịch… bà con có thể liên hệ ngay đến Biogency theo số HOTLINE 0909 538 514, các kỹ sư thuỷ sản của Biogency luôn sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành cùng bà con để có một mùa vụ bội thu.
>>> Xem thêm: Xử lý khí độc, Xử lý nước & Xử lý đáy ao tôm bằng cách nào?