Chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ mô hình truyền thống, nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, ứng dụng biện pháp khoa học kỹ thuật, kết hợp xây dựng hệ thống xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường là mục tiêu hướng đến nhằm phát triển ngành chăn nuôi bền vững ở các vùng nông thôn nước ta hiện nay.
Phương thức chăn nuôi truyền thống gây ô nhiễm môi trường
Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2014, cả nước có 8,5 triệu hộ chăn nuôi quy mô gia đình. Bên cạnh giá trị kinh tế thì các hoạt động sản xuất chăn nuôi nhỏ lẻ của bà con gây phát thải lượng chất thải lớn.
Theo tính toán của Viện Môi trường Nông nghiệp, mỗi năm phát sinh trên 85 triệu tấn chất thải rắn (phân, lông, da) và hàng trăm triệu tấn nước thải (nước tiểu, nước rửa chuồng). Điều đáng nói là chỉ có 8,7% hộ chăn nuôi có sử dụng hầm khí sinh học, tổng lượng chất thải rắn chăn nuôi được xử lý chiếm chưa đầy 10%.
Kết quả khảo sát của Viện Môi trường Nông nghiệp cũng cho thấy chỉ có 10% chuồng trại chăn nuôi của bà con đạt yêu cầu về vệ sinh và chỉ 0,6% số hộ chăn nuôi có cam kết bảo vệ môi trường và còn nhiều hộ, ước tính trên 40% không áp dụng bất kỳ hình thức hoặc phương pháp xử lý chất thải nào trong chăn nuôi.

Chất thải chăn nuôi thải ra các ao hồ, kênh mương hoặc đường thoát nước sẽ gây tắc nghẽn dòng chảy, bốc mùi và gây ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, không khí, đất và các sản phẩm nông nghiệp khác. Khi mức độ ô nhiễm cao sẽ gây ra nhiều căn bệnh về hô hấp, tiêu hóa, ngoài da và gây cảm giác rất khó chịu, ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm, xáo trộn các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của bà con.
Chất thải ở các vùng có dịch bệnh, các khu giết mổ tập trung còn chứa nhiều loại vi sinh vật gây bệnh như e-coli, salmonella gây bệnh tiêu chảy, đường ruột, các loại giun, sán gây bệnh, các loại vi-rút như H5N1, virus gây bệnh tai xanh ở lợn,..
Đến nay, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số lượng cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ nhỏ lẻ đã giảm 15-20%. Tuy nhiên tình hình ô nhiễm từ các cơ sở chăn nuôi truyền thống vẫn là vấn nạn đáng lo ngại.
Chuyển đổi phương thức chăn nuôi nhằm giảm áp lực ô nhiễm môi trường
Việc chuyển đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, kiểu truyền thống sang phát triển các mô hình trang trại, bán công nghiệp, ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, công tác phòng chống dịch bệnh được giám sát chặt chẽ, hạn chế dịch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, người dân không còn nơm nớp lo sợ dịch bệnh dẫn đến thua lỗ hay mất trắng.
Đồng thời với mô hình nuôi trang trại, công tác vệ sinh, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, các biện pháp xử lý chất thải như làm bể sục khí, xây dựng hầm biogas, sử dụng chế phẩm sinh học,… góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Hiện ở nước ta đã có nhiều địa phương tuyên truyền, áp dụng chuyển đổi phương thức chăn nuôi mang lại những chuyển biến tích cực. Điển hình tại địa bàn Yên Định, Thanh Hóa, qua đánh giá, các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn, cơ sở chăn nuôi áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất đã giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế từ 15 đến 20% so với các cơ sở chăn nuôi thông thường.
Hiện ở nước ta, các mô hình chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao đang dần thay thế mô hình chăn nuôi nông hộ. Chuyển đổi phương thức chăn nuôi là hướng đi tất yếu của ngành chăn nuôi để có thể đối phó với tình hình dịch bệnh, thiên tai, ô nhiễm môi trường,… từ đó phát triển bền vững.
>>> Xem thêm: Giải pháp xử lý mùi hôi sau quạt hút cho trang trại chăn nuôi