Chỉ tiêu Nitơ Amonia luôn là một trong những vấn đề gây đau đầu ở nhiều hệ thống xử lý nước thải, điển hình là nước thải chế biến thủy sản, thực phẩm, nước thải sinh hoạt… Nếu hệ thống xử lý nước thải của bạn không có điều kiện để kiểm tra chỉ số này thường xuyên thì làm thế nào để nhận biết bằng mắt thường rằng Hệ thống xử lý nước thải đang có nguy cơ vượt Nitơ Amonia? Bạn có thể dựa vào 5 dấu hiệu dưới đây:
1. Bể kỵ khí bị trào bùn
Công dụng chính của bể kỵ khí là xử lý BOD và COD. Tuy không có chức năng xử lý Nitơ Amonia, tuy nhiên theo kinh nghiệm của nhiều kỹ sư môi trường cho biết rằng: Thông thường trong một hệ thống xử lý nước thải, nếu đầu ra bị vượt BOD, COD thì chỉ số Nitơ Amonia cũng có xu hướng bị vượt theo.
Bể kỵ khí bị trào bùn cho thấy rằng hiệu suất của bể kỵ khí đang bị giảm, dẫn đến làm lượng BOD, COD qua các bể sinh học phía sau bị tăng tải lượng khiến quá tải đối với công suất thiết kế làm nước thải đầu ra bị vượt quy chuẩn.
Nguyên nhân dẫn đến trào bùn ở bể kỵ khí:
- Không tách kỹ chất rắn lơ lửng (TSS) ở nước thải đầu vào: TSS có thể từ dầu mỡ, cặn trong quá trình sơ chế nguyên liệu… khi vào bể kỵ khí sẽ nổi lên trên và gây ra hiện tượng trào bùn.
- Vận tốc nước dâng không được duy trì ở mức phù hợp, làm ảnh hưởng đến quá trình tách pha cũng như mang nhiều bọt khí lên trên bề mặt không tách được dẫn đến trào ra ngoài.
2. Bùn hiếu khí bị xỉn màu
Trạng thái bùn vi sinh ở bể hiếu khí khi bình thường sẽ có màu vàng nâu đặc trưng. Khi bùn có hiện tượng chuyển sang màu sẫm, xám đen có nghĩa là đã bị xỉn màu và hoạt tính của vi sinh hiếu khí đang bị giảm. Khi hiệu suất của vi sinh hiếu khí giảm sẽ kéo theo hiệu suất xử lý của BOD, COD và Nitơ Amonia.
Nguyên nhân dẫn đến bùn hiếu khí bị xỉn màu:
- Do bể hiếu khí bị sốc tải COD làm hệ vi sinh ở trong bể bị giảm khả năng xử lý.
- Trong bể có các yếu tố gây ức chế vi sinh như độ mặn cao, nước thải còn dư lượng Chlorine nhiều…
- Xem thêm: Vì sao nước thải nhiễm mặn khó xử lý? >>>
3. Bùn hiếu khí bị trương nở
Bùn hiếu khí trong trường hợp bình thường khi đo SV30 sẽ lắng nhanh, nước trong, bùn sẽ có mức độ nén nhất định. Còn bùn trương nở là bùn đang bị xốp, những bông bùn có xu hướng rời rạc và có khoảng trống giữa những bông bùn. Khi thấy bùn trương nở ở bể hiếu khí có nghĩa là hiệu suất xử lý COD, Nitơ Amonia của hệ thống đang chưa đạt.
Nguyên nhân làm bùn hiếu khí bị trương nở:
- Do dầu mỡ bị trôi nhiều sang bể hiếu khí nổi lên mặt nước trong quá trình sục khí gây ra hiện tượng bùn trương nở.
- Bể hiếu khí bị sốc tải COD, sốc tải Nitơ làm bùn trương nở.
4. Bùn kết váng tại bể lắng
Là hiện tượng trên bề mặt bể có một lớp màng, có dính bùn và bọt khí li ti có nghĩa là hệ thống xử lý nước thải của bạn đang bị vượt chỉ tiêu Tổng Nitơ (cụ thể là vượt Nitrat).
Nguyên nhân khiến bùn kết váng tại bể lắng là: Do Nitrat không được xử lý ở bể thiếu khí, sang bể lắng sẽ bị giải phóng khí Nitơ đẩy bùn nổi lên bề mặt.
5. Bọt nổi ở bể hiếu khí
Có 2 hiện tượng bọt nổi ở bể hiếu khí báo động hiệu suất xử lý của bể đang bị giảm, đó là: Bọt trắng nổi và bọt nâu nổi. Khi có bọt nổi trong bể hiếu khí có nghĩa là bể đang có hiệu suất xử lý chưa đạt, khả năng bị vượt Nitơ Amonia là rất cao.
Nguyên nhân bọt nổi ở bể hiếu khí:
- Bọt trắng nổi tại bể hiếu khí: Do tải lượng COD đầu vào nhiều nhưng vi sinh (MLVSS) trong bể lại quá ít, không đủ để xử lý.
- Bọt nâu nổi tại bể hiếu khí: Do tải lượng COD đầu vào ít nhưng vi sinh nhiều hoặc bùn già, hoặc một số hệ thống xử lý nước thải có quá nhiều dầu mỡ cũng sẽ gây ra hiện tượng bọt nâu.
Làm thế nào để khắc phục hệ thống xử lý nước thải bị vượt Nitơ Amonia?
Để xử lý chỉ tiêu Nitơ Amonia đạt chuẩn đầu ra, có 4 yếu tố mà bạn cần quan tâm như sau:
- Thứ nhất, tối ưu hiệu suất của cụm các bể phía trước cụm bể thiếu khí (Anoxic) và bể hiếu khí (Aerotank).
- Thứ hai, hiểu rõ các thành phần chứa Nitơ và quá trình chuyển hóa Nitơ trong nước thải.
- Thứ ba, kiểm soát các thông số vận hành cho quá trình chuyển hóa Nitơ Amonia.
- Thứ tư, bổ sung chủng vi sinh chịu mặn chuyên cho quá trình chuyển hóa Nitơ Amonia.
Để tìm hiểu chi tiết hơn về mỗi yếu tố trên, bạn có thể truy cập bài viết Kinh nghiệm xử lý chỉ tiêu Nitơ Amonia đạt chuẩn, hoặc liên hệ Biogency qua HOTLINE 0909 538 514, chúng tôi sẽ giải đáp chi tiết và đưa ra phương án xử lý Nitơ Amonia phù hợp nhất cho hệ thống xử lý nước thải của bạn.
>>> Xem thêm: 4 phương pháp xử lý Nitơ, Amonia trong nước thải đang được áp dụng hiện nay