Kinh tế tuần hoàn là gì? Đặc điểm của nền kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn (KTTH) được đánh giá là giải pháp cho nền kinh tế bền vững, là xu thế tất yếu của thời đại. Hiện có hơn 30 quốc gia vùng lãnh thổ trên thế giới đã xây dựng lộ trình kinh tế tuần hoàn. Việt Nam là một trong những cái tên đầu tiên trong khu vực ASEAN đưa KTTH vào Luật Bảo vệ môi trường. Bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết hơn về xu thế kinh tế tuần hoàn.

Kinh tế tuần hoàn là gì? Đặc điểm của nền kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn là gì?

Khái niệm Kinh tế tuần hoàn (Circular Economy – CE) ra đời từ những năm 1990, trong bối cảnh xã hội hiện đại phát triển, tiêu dùng tăng cao gây ra nhiều nhân tố tác động tiêu cực đến con người và hệ sinh thái, cũng như mang đến nhiều mối nguy hại cho môi trường và sự phát triển bền vững. Đến nay, có nhiều cách hiểu khác nhau về kinh tế tuần hoàn.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho rằng: Nền kinh tế tuần hoàn là một hệ thống công nghiệp được phục hồi hoặc tái tạo theo ý định và thiết kế. Nó chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại làm mất khả năng tái sử dụng và quay trở lại sinh quyển thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống và mô hình kinh doanh.

Quỹ Ellen Mac Arthur định nghĩa nền kinh tế tuần hoàn là: Nền kinh tế vượt qua mô hình công nghiệp khai thác tận thu hiện nay, tập trung vào các lợi ích tích cực cho toàn xã hội. Nó kéo theo hoạt động kinh tế dần tách rời khỏi việc tiêu thụ các nguồn tài nguyên hữu hạn và hạn chế chất thải phát sinh, đồng thời chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.

Khái niệm liên quan đến mô hình kinh tế tuần hoàn đã có ở Việt Nam từ cách đây 20 năm với những định danh khác, nổi bật như mô hình VAT (Vườn – Ao – Chuồng). Ngoài ra, các khái niệm “khu công nghiệp sinh thái – ecological industrial zone”, “sản xuất sạch hơn – Cleaner production”, “Không phát thải – zero emission”, tái chế, tái sử dụng, tái sản xuất – một phần của KTTH – cũng được đề cập nhiều trong thời gian qua.

Kinh tế tuần hoàn là gì? Đặc điểm của nền kinh tế tuần hoàn
Sự khác biệt giữa Kinh tế tuyến tính và Kinh tế tuần hoàn.

Nhìn chung, kinh tế tuần hoàn là các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường, qua đó giảm thiểu tổn hại đến chất lượng cuộc sống thông qua các giải pháp tái chế chất thải, sử dụng nguyên liệu tái chế làm nguyên liệu đầu vào để tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Đó cũng là việc quản lý, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên có khả năng tái tạo, quản lý rác thải bằng cách tái chế để tối ưu hóa giá trị trên nguyên tắc là các vật liệu và tài nguyên được sử dụng càng lâu thì giá trị thu được từ chúng càng nhiều.

>>> Xem thêm: Chăn nuôi tuần hoàn hướng đến Net Zero Carbon

Nền kinh tế tuần hoàn hoạt động dựa trên các nguyên tắc cơ bản, liên quan chặt chẽ đến việc sử dụng tái chế, quay vòng sản xuất, chế biến và sử dụng nguồn tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu và đi đến triệt tiêu các loại chất thải gây ô nhiễm môi trường. Có 3 nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn:

  1. Bảo toàn và cải thiện nguồn lực tự nhiên bằng việc kiểm soát nguồn lực có hạn và cân bằng các dòng tài nguyên tái tạo.
  2. Tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên bằng cách tái chế sản phẩm, các thành phần của sản phẩm và nguyên liệu ở mức cao nhất ở mọi lúc trong cả vòng đời kỹ thuật và sinh họ.
  3. Thúc đẩy tính hiệu quả của hệ thống bằng cách phát hiện ra lỗ hổng và loại trừ những tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Đặc điểm của nền kinh tế tuần hoàn

Trong những năm qua, kinh tế tuần hoàn được thực hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau, mang lại những lợi ích kinh tế – xã hội và môi trường và gắn liền với sự phát triển bền vững ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nền kinh tế tuần hoàn được coi là một hệ thống kinh tế bền vững, thể hiện trong một số đặc điểm sau:

– Mục đích quan trọng của nền kinh tế tuần hoàn:

Là tối ưu hóa sử dụng tài nguyên bằng cách luân chuyển các sản phẩm, thành phần và vật liệu được sử dụng ở mức hữu ích cao nhất trong cả chu kỳ kỹ thuật và sinh học, thông qua việc sản phẩm hoặc nguyên liệu trong kinh tế tuần hoàn sẽ liên tục được bảo trì, tái sử dụng, tái chế nhằm hướng tới việc không còn khai thác tài nguyên hay tạo ra chất thải. Điều này đã trở thành một trong những thành phần chính của kế hoạch giảm phát thải các-bon tại không ít quốc gia.

Kinh tế tuần hoàn cũng hướng tới việc tăng trưởng kinh tế được tách rời khỏi việc sử dụng tài nguyên thông qua cắt giảm và tuần hoàn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đạt được cả hai mục tiêu, ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra.

– Lợi ích của kinh tế tuần hoàn với kinh tế – xã hội và môi trường:

Kinh tế tuần hoàn tạo ra tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao và nhiều việc làm hơn. Thông qua việc sử dụng tiết kiệm tài nguyên, các doanh nghiệp có cơ hội sản xuất với chi phí thấp bằng cách cung cấp các sản phẩm và dịch vụ có nhiều chức năng sử dụng.

Khi so sánh với việc khai thác nguyên liệu thô phổ biến theo phương pháp tuyến tính, mô hình kinh tế tuần hoàn có khả năng tiết kiệm nguyên liệu lớn hơn. Trong khi nhu cầu về nguyên liệu sẽ tăng lên do dân số thế giới cũng như nhu cầu tiêu dùng tăng lên, các hoạt động trong kinh tế tuần hoàn sử dụng ít nguyên liệu thô hơn bởi tập trung vào việc kéo dài chu kỳ của nguyên liệu.

Sự phát triển của kinh tế tuần hoàn có thể mang lại nhiều việc làm hơn ở các địa phương trong các công việc có trình độ sơ cấp và bán kỹ năng. Một nghiên cứu vào tháng 8-2018 về thực hiện nền kinh tế tuần hoàn cho rằng, 50.000 việc làm mới có thể được tạo ra ở Anh và 54.000 ở Hà Lan.

Đối với các doanh nghiệp, mô hình kinh tế tuần hoàn giúp các doanh nghiệp trở nên linh hoạt hơn, tăng khả năng ứng phó với những thay đổi từ nguồn cung nguyên liệu, giảm nguyên liệu thô, tăng nguyên liệu tái chế, từ đó tạo ra lợi nhuận mới. Kinh tế tuần hoàn cũng tạo ra nhu cầu về các dịch vụ mới để các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Các dịch vụ mới có thể phát sinh là các dịch vụ hậu cần thu gom và hỗ trợ các sản phẩm tái chế, dịch vụ tiếp thị và dịch vụ bán hàng nhằm mục đích kéo dài tuổi thọ của sản phẩm, tái sản xuất các bộ phận và linh kiện, dịch vụ làm mới sản phẩm…

Lợi ích về môi trường của kinh tế tuần hoàn là làm giảm phát thải khí nhà kính, tác động tích cực đến các hệ sinh thái và chống lại việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, tăng tính bền vững và hiệu quả của việc sử dụng đất trong nông nghiệp. Nền kinh tế tuần hoàn sử dụng nguyên liệu thô, tối ưu hóa năng suất nông nghiệp và giảm các tác động ngoại ứng tiêu cực do mô hình tuyến tính mang lại, tránh được ô nhiễm lớn hơn do việc sản xuất các vật liệu mới gây ra.

– Kinh tế tuần hoàn đáp ứng yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu:

Đây là quá trình điều chỉnh nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của nền kinh tế tuyến tính, tạo ra khả năng phục hồi lâu dài, là con đường hướng đến nền kinh tế các-bon thấp, đặc biệt trong các ngành công nghiệp nặng. Phát triển kinh tế tuần hoàn có thể giảm một nửa lượng khí thải các-bon đi-ô-xít từ công nghiệp vào năm 2030, so với mức năm 2018.

Mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp của châu Âu có khả năng giảm 80% việc sử dụng phân bón nhân tạo và do đó, góp phần vào sự cân bằng tự nhiên của đất (5). Suy thoái đất gây thiệt hại ước tính khoảng 40 tỷ USD hằng năm trên toàn thế giới và có những chi phí tiềm ẩn như ngoài việc phải sử dụng phân bón là sự mất đa dạng sinh học và mất cảnh quan độc đáo.

– Kinh tế tuần hoàn có mối liên hệ với nhiều mục tiêu phát triển bền vững (SDG):

Điều này đã được các quốc gia thông qua vào năm 2015, bao gồm các mục tiêu, như không đói nghèo, tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm, các thành phố và cộng đồng bền vững, thúc đẩy công nghiệp hóa, tăng trưởng bao trùm và bền vững…

Nguồn: tapchicongsan.org.vn

>>> Xem thêm: Ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, làm sao để giải quyết?