Nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính là mô hình chưa quá phổ biến ở nước ta vì mức đầu tư không nhỏ lại đòi hỏi người nuôi am hiểu về hệ thống kỹ thuật, công nghệ. Tuy nhiên, nếu biết cách vận hành và nhân rộng, mô hình này không chỉ khắc phục các vướng mắc trong nuôi trồng thuỷ sản ở thời điểm hiện tại mà còn nâng tầm giá trị ngành tôm Việt trên thị trường quốc tế.
Nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính là gì?
Nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính hiểu đơn giản là mô hình nuôi tôm trong nhà kính kết hợp sử dụng công nghệ cao, hiện đại. Cụ thể các thành phần tiêu chuẩn cần có trong mô hình này bao gồm:
- Nhà màng: Nhằm tạo được môi trường ổn định, cách biệt được với môi trường bên ngoài từ đó giúp tôm phát triển được tốt hơn.
- Lưới che nắng: Dùng để ngăn được nước mưa, che được những ánh nắng gắt từ đó giữ môi trường nước ổn định và ngăn tảo phát triển trong hồ tôm.
- Bạt lót hồ tôm HDPE: Ngăn nước thấm qua đất và hạn chế bùn đất gây ô nhiễm nguồn nước nuôi tôm.
- Hệ thống lọc nước: Làm sạch nước trước vào sau vào hồ nuôi chính.
- Hệ thống cung cấp oxy: Tạo oxy cho tôm.
- Hệ thống cho ăn tự động…
- Hệ thống đèn chiếu sáng tự động
Bên cạnh đó, mô hình này còn kết hợp sử dụng máy móc thay sức người, hệ thống máy đo quan trắc môi trường về các chỉ số pH, DO, nhiệt độ, độ mặn,… sẽ cảnh báo khi vượt chỉ số. Hay sử dụng phần mềm quản lý thức ăn, thuốc, kho, ghi nhật ký,… và tuỳ quy mô còn nhiều yêu cầu hơn thế nữa.
Ưu điểm của mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính
Nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính được kỳ vọng là hướng đi tiềm năng cho ngành nuôi trồng thuỷ sản ở nước ta trong tương lai. Bởi những ưu điểm vượt trội mà mô hình này mang lại được xem là giải pháp hàng đầu cho những bất cập mà ngành tôm đang vướng mắc trong các mô hình nuôi tôm truyền thống.
– Kiểm soát tốt điều kiện nuôi
Nếu như mô hình nuôi tôm truyền thống, bà con nơm nớp lo sợ ao nuôi ô nhiễm, thời tiết thất thường tôm dễ nhiễm bệnh thì với mô nuôi tôm trong nhà kính người nuôi hoàn toàn chủ động về vấn đề thời tiết. Bằng cách sử dụng màng lợp, giảm sáng đến 50%, ao nuôi và vật nuôi hoàn toàn không chịu tác động từ môi trường bên ngoài, ví dụ như nhiệt độ tăng cao, mưa gió thất thường,…
– Hạn chế lây lan mầm bệnh đến 70%
Với các đặc điểm như nước ao nuôi được xử lý nghiêm ngặt trước khi đưa vào, con giống được tuyển chọn kỹ lưỡng, sử dụng bạt lót, trang bị hệ thống lọc, chiếu sáng, cung cấp oxy, che nắng,… Đây được xem là mô hình giúp người nuôi kiểm soát và hạn chế dịch bệnh ở mức cao nhất hiện nay.
– Tôm nuôi đạt chất lượng cao
Tôm nuôi trong nhà kính kết hợp công nghệ cao được kiểm soát chặt chẽ quy trình từ khâu chọn giống, môi trường ao nuôi, thức ăn không chứa kháng sinh, mầm bệnh,… Do đó tôm thành phẩm sẽ bóng đẹp, đạt chất lượng cao, đặc biệt là có thể truy xuất được nguồn gốc, đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ ngày càng khắt khe ở nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU,…
– Cho phép nuôi tôm mật độ cao
Điều kiện nuôi đều thuận lợi, tôm phát triển nhanh, cho năng suất cao. Do đó khi áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính có thể thả tôm với mật độ cao từ 200-400 con/m2, đồng thời có thể nuôi từ 3-4 vụ/năm, mang lại nguồn lợi kinh tế cao.
– An toàn cho người nuôi tôm
Sử dụng máy móc thay thế sức người, hạn chế sử dụng hoá chất không chỉ mang lại lợi ích cho tôm mà còn đảm bảo an toàn cho người nuôi, giảm thiểu được chi phí nhân công đáng kể.
– Bền vững và thân thiện môi trường
So với các mô hình nuôi tôm công nghệ cao như siêu thâm canh, tôm nuôi trong nhà kính, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát tốt lượng thức ăn, lượng nước sử dụng không dư thừa. Kết hợp sử dụng men vi sinh giúp giảm thiểu đáng kể ô nhiễm môi trường.
Khi ngành thuỷ sản nước ta đang đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn trong khâu nuôi trồng, quản lý dịch bệnh và cạnh tranh quốc tế thì các mô hình nuôi tôm công nghệ cao kết hợp nhà kính không chỉ giải quyết các vướng mắc mà còn được kỳ vọng sẽ thay đổi cục diện cho ngành tôm Việt Nam.
>>> Xem thêm: Các loại men vi sinh cho tôm