Nuôi tôm mùa mưa và những điều bà con cần biết

Thời gian nuôi tôm thẻ chân trắng thường dao động từ 4-5 tháng/vụ, do đó mà bà con thường tận dụng để nuôi được 2 vụ tôm/năm. Vào mùa mưa, việc nuôi tôm sẽ có phần khó khăn hơn do nước mưa làm biến động môi trường nước. Bài viết dưới đây Biogency sẽ giúp bà con có thêm những kiến thức hữu ích khi nuôi tôm mùa mưa.

Nuôi tôm mùa mưa và những điều bà con cần biết

Mùa mưa tại từng địa phương khác nhau

Việt Nam có 3 miền với những thời tiết khác biệt, chẳng hạn tại miền Bắc và miền Trung đầy đủ 4 mùa (Xuân, Hạ, Thu, Đông) từ đó có những vụ tôm vào mùa lạnh có mưa gây khó khăn cho người nuôi. Vụ nuôi chính thường chỉ diễn ra trong khoảng 4-6 tháng, từ cuối tháng 3 đến tháng 9 (thời gian còn lại là mùa mưa bão khắc nghiệt hoặc lạnh giá).

Tại miền Nam, mặc dù không có mùa Đông nhưng thời tiết sẽ mưa liên tục vào mùa mưa từ tháng 5, 6 đến tháng 8, điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình nuôi tôm của bà con. Nhưng trời mưa ở miền Nam ít lạnh, không khắc nghiệt bằng miền Bắc nên đa số các bà con vẫn có vụ nuôi tôm mùa mưa.

Những vấn đề thường gặp trong nuôi tôm mùa mưa và cách khắc phục

Nuôi tôm mùa mưa gây nhiều khó khăn cho bà con.
Nuôi tôm mùa mưa gây nhiều khó khăn cho bà con.

– Độ pH bị giảm:

Tại vùng nuôi có nhiều đất phèn, khi mưa lớn là nguyên nhân gây nên tình trạng xì phèn từ đáy ao nuôi và hiện tượng rửa trôi phèn từ bờ ao xuống ao nuôi làm pH trong ao giảm.

Cách khắc phục: Khi nuôi tôm mùa mưa, bà con nên đánh vôi trước khi mưa hoặc đang mưa để khi mưa lớn pH không bị giảm đột ngột làm tôm bị stress, sốc môi trường. Nếu bà con đang nuôi tôm ao đất, nên đánh vôi bờ để hạn chế xì phèn và trôi bùn xuống ao. Qua vài lần đánh vôi sẽ tạo một lớp vôi vòng ao hạn chế được bùn trôi gây đục ao.

– Độ mặn giảm:

Khi trời mưa to lượng nước lớn chảy vào ao làm độ mặn của ao nuôi bị giảm, lúc này bà con cần tăng cường chạy quạt và bổ sung thêm quạt nước tạo dòng chảy giảm sự phân tầng nước trong ao. Bên cạnh đó, nước mưa cũng sẽ làm nhiệt độ trong ao giảm khiến tôm ăn, do đó vào những lúc trời mưa bà con nên giảm lượng thức ăn để tránh dư thừa làm ô nhiễm nước. Xem thêm: Khoảng nhiệt độ cho tôm sinh trưởng tốt nhất là bao nhiêu? >>>

– Địch hại xâm nhập:

Khi nuôi tôm mùa mưa bà con sẽ đối mặt với tỷ lệ giáp xác, cua còng trôi vào ao cao dẫn đến mang theo các loại mầm bệnh vào ao gây tổn hại ao nuôi. Do đó, bà con cần kiểm tra bờ ao thường xuyên, và loại bỏ địch hại kịp thời.

– Mưa liên tục trong thời gian thả tôm giống:

Nếu mưa rơi vào những ngày thả giống sẽ làm tỷ lệ tôm chết tăng vì tôm giống còn yếu, chưa thích nghi môi trường. Xem dự báo thời tiết tránh thả giống vào những ngày có mưa lớn, kéo dài.

– Nước trong sau khi mưa:

Do sự thay đổi của độ kiềm và CO2 của nước ao nuôi sau các trận mưa lớn làm giảm đột ngột lượng tảo trong ao nuôi hoặc hiện tượng tảo tàn. Để giải quyết vấn đề này bà con cần gây màu nước kết hợp với bón vôi định kỳ 2 ngày/ lần với liều lượng 120- 150kg/ha. Xem thêm: Cách gây màu nước ao tôm đúng chuẩn để tôm nuôi đạt chất lượng >>>

– Tôm nổi đầu sau mưa:

Mưa làm pH giảm từ đó tăng tích tụ H2S ở đáy ao, khiến tôm yếu và nổi đầu trên mặt nước. Khi nuôi tôm trời mưa cần giảm lượng thức ăn cho đến khi môi trường và tôm nuôi ổn định trở lại.

– Tôm stress, lột vỏ không cứng:

Lượng mưa lớn kéo dài làm nước ao phân tầng, oxy không xuống được đáy dẫn đến thiếu oxy đáy, đặc biệt vào ban đêm khiến tôm không đủ oxy để hô hấp, khí độc cao, kiềm tụt, khoáng giảm dẫn đến tôm lột không cứng vỏ. Cần chạy quạt mạnh, không cho ăn, không tạt hoá chất khi đang mưa.

– Ảnh hưởng quang hợp, rớt tảo, lợn cợn:

Mưa dài ngày thiếu ánh sáng mặt trời làm gián đoạn quá trình quang hợp của thực vật phù du trong nước và làm giảm DO. Mưa làm tảo tàn tăng lượng chất bẩn hữu cơ trong ao và suy giảm chất lượng nước, tôm ăn phải mắc bệnh đường ruột.

Quản lý tảo bằng vi sinh mỗi ngày để tảo không bùng phát, tảo dày quá thì chỉ một cơn mưa lớn cũng sẽ dễ làm sụp tảo, khí độc tăng, vi khuẩn bùng phát dẫn đến tôm dễ bệnh.

Giảm thiểu tác động của mưa đến sức khỏe tôm

Việc đầu tiên khi nuôi tôm mùa mưa mà bà con cần quan tâm là theo dõi diễn biến thời tiết theo từng năm, mùa, dự báo thời tiết và lịch thả nuôi của địa phương khuyến cáo để giảm thiểu những tổn thất do mưa gây ra. Đồng thời đó, trước hoặc sau những trận mưa lớn bà con cũng cần:

  • Đo các chỉ số môi trường trước và sau mưa để điều chỉnh ngay về mức tối ưu.
  • Mùa mưa nên tăng cường quạt nước tránh phân tầng nhiệt độ, giảm sự chênh lệch nhiệt độ ngày đêm.
  • Định kỳ kiểm tra mẫu nước, kiểm tra mật độ vi khuẩn gây hại, phát hiện bệnh lý kịp thời.

Thời điểm mưa dầm kéo dài, thời tiết lạnh:

  • Khi nhiệt độ trong nước < 27ºC nên cắt cữ tôm ăn hoặc giảm 30 – 50% lượng thức ăn.
  • Tăng cường sử dụng men vi sinh để hỗ trợ đường ruột giúp tôm tiêu hóa tốt thức ăn, làm sạch môi trường nước ao nuôi.
  • Đảm bảo lượng oxy hòa tan trong nước lớn hơn hoặc bằng 5mg/l để đảm bảo tôm tiêu hóa và chuyển hóa thức ăn tốt hơn.

Lưu ý: Quan trọng đối với hộ nuôi tôm là cần phải thực hiện đăng ký khai báo nuôi trồng thủy sản và khai báo dịch bệnh theo quy định. Khi tôm bị thiệt hại không che giấu dịch bệnh, tuyệt đối không xả bừa bãi nước thải, tôm chết và bùn thải ra môi trường bên ngoài để tránh gây ô nhiễm và lây lan dịch bệnh.

Thời tiết là việc bất khả kháng không thể tránh khỏi nhưng cũng cần những biện pháp để ứng phó, sống chung với nó. Bà con nên cẩn thận chuẩn bị và hạn chế những rủi ro do thời tiết gây thiệt hại đến ao. Nếu cần tư vấn thêm về kỹ thuật nuôi tôm mùa mưa, bà con liên hệ BIOGENCY qua HOTLINE 0909 538 514, đội ngũ kỹ sư thủy sản sẽ hỗ trợ bà con kịp thời.

>>> Xem thêm: Cách nhận biết “tôm thiếu oxy” và xử lý kịp thời