Quy định về xử lý chất thải chăn nuôi

Quá trình chăn nuôi phát sinh nhiều chất thải, bao gồm: Chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ, nước thải, khí thải… Do đó, việc xử lý chất thải chăn nuôi được Nhà nước Việt Nam quy định rất rõ trong Mục 2, Chương IV, Luật chăn nuôi – số 32/2018/QH14, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.

Quy định về xử lý chất thải chăn nuôi

Quy định về xử lý chất thải chăn nuôi trang trại

Trong chăn nuôi trang trại, quy định xử lý chất thải chăn nuôi bao gồm xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ, nước thải, khí thải và các chất thải khác, được quy định trong Điều 59: Xử lý chất thải trong chăn nuôi trang trại. Cụ thể:

– Xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ:

  • Những tổ chức, cá nhân là người sở hữu trang trại chăn nuôi cần có trách nhiệm xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi sử dụng cho cây trồng hoặc làm thức ăn trong nuôi trồng thủy sản.
  • Khi vận chuyển chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ chưa qua xử lý ra khỏi cơ sở trang trại chăn nuôi phải sử dụng thiết bị và phương tiện chuyên dụng.
  • Khi vật nuôi trong trang trại chết do dịch bệnh cần phải xử lý theo quy định của pháp luật về thú y.
  • Các chất thải nguy hại khác cũng cần được xử lý theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Quy định về xử lý chất thải chăn nuôi
Quá trình chăn nuôi phát sinh nhiều chất thải rắn cần xử lý.

– Xử lý nước thải chăn nuôi:

  • Những tổ chức, cá nhân là người sở hữu trang trại chăn nuôi cần có trách nhiệm thu gom và xử lý nước thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi để đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi (QCVN 62:2021/BTNMT) trước khi xả thải ra nguồn tiếp nhận theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
  • Nước thải chăn nuôi đã xử lý đạt theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi được phép sử dụng cho cây trồng.
  • Khi vận chuyển nước thải chăn nuôi chưa qua xử lý ra khỏi cơ sở trang trại chăn nuôi phải sử dụng thiết bị và phương tiện chuyên dụng.

– Xử lý khí thải:

Những tổ chức, cá nhân là người sở hữu trang trại chăn nuôi cần có trách nhiệm xử lý khí thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi để đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi.

– Xử lý chất thải chăn nuôi khác:

Các chất thải khác phát sinh trong quá trình chăn nuôi cũng cần phải được xử lý theo quy định của pháp luật về thú ý và bảo vệ môi trường.

Quy định về xử lý chất thải chăn nuôi nông hộ

Tại Điều 60: Xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ, quy định chủ chăn nuôi nông hộ cần:

  • Có biện pháp để xử lý phân, nước thải và khí thải chăn nuôi để đảm bảo vệ sinh, không gây ảnh hưởng đến môi trường và những hộ xung quanh.
  • Khi vật nuôi chết do dịch bệnh cần phải xử lý theo quy định của pháp luật về thú y.
  • Các chất thải nguy hại khác phát sinh trong quá trình chăn nuôi cũng cần phải được xử lý theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Quy định về xử lý tiếng ồn trong chăn nuôi

Vấn đề xử lý tiếng ồn trong chăn nuôi được quy định tại Điều 61. Theo đó:

  • Tiếng ồn trong quá trình chăn nuôi bao gồm: Tiếng ồn phát ra từ vật nuôi, tiếng ồn từ thiết bị sử dụng trong hoạt động chăn nuôi.
  • Những tổ chức, cá nhân là người sở hữu trang trại chăn nuôi hoặc là chủ hộ chăn nuôi cần phải xử lý tiếng ồn phát ra trong quá trình chăn nuôi để đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn trong hoạt động chăn nuôi.

Quy định về quản lý sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi

Đối với việc quản lý sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, Điều 62, Luật chăn nuôi quy định sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi trước khi lưu thông trên thị trường cần đáp ứng:

  • Công bố tiêu chuẩn áp dụng vào sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi và công bố hợp quy theo quy định của pháp luật.
  • Sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.
  • Thông tin về sản phẩm đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
  • Những sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi được sản xuất hoặc nhập khẩu lần đầu vào Việt Nam có chứa chất mới chưa qua khảo nghiệm ở Việt Nam phải được khảo nghiệm trước khi công bố sản phẩm.

Chính phủ Việt Nam quy định chi tiết Điều này.

Quy định về quản lý cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi

Điều 63, Luật chăn nuôi quy định về việc quản lý cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, bao gồm:

  • Địa điểm sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi nằm trong khu vực không bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại.
  • Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường của đơn vị sản xuất theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
  • Dây chuyền, trang thiết bị phù hợp để sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi.
  • Thiết bị, dụng cụ đo lường để giám sát chất lượng, đảm bảo độ chính xác theo quy định của pháp luật về đo lường.
  • Kho bảo quản sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi cần có chế độ bảo quản riêng.
  • Người phụ trách kỹ thuật có trình độ từ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, hóa học, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường.

Chính phủ Việt Nam quy định chi tiết Điều này.

Bạn đọc có thể xem chi tiết Luật chăn nuôi TẠI ĐÂY.

Nếu có bất kỳ khó khăn nào trong quá trình xử lý chất thải chăn nuôi (chất thải rắn hữu cơ, nước thải, khí thải), hãy liên hệ ngay đến Biogency qua HOTLINE 0909 538 514, chúng tôi sẽ hỗ trợ nhanh nhất!

>>> Xem thêm: Giải pháp Xử lý chất thải Ngành chăn nuôi heo bằng Vi sinh Microbe-Lift