Tôm thẻ chân trắng là loài động vật giáp xác, con được gọi tắt là “tôm thẻ’, có tên tiếng anh là Whiteleg Shrimp hoặc Pacific White Shrimp. Thị trường của tôm thẻ chân trắng khá rộng (cả trong nước và thế giới), do đó mà ngày càng có nhiều người chuyển đổi từ các ngành nghề khác hoặc mô hình nuôi thủy sản khác sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Bài viết dưới đây Biogency sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về loài tôm này.
Phân loại khoa học của tôm thẻ chân trắng
Tôm thẻ chân trắng có phân loại khoa học cụ thể như sau:
- Giới: Animalia.
- Ngành: Arthropoda.
- Phân ngành: Crustacea.
- Lớp: Malacostraca.
- Bộ: Decapoda.
- Phân bộ: Dendrobranchiata.
- Họ: Penaeidae.
- Chi: Litopenaeus.
- Loài: L. vannamei (Boone, 1931).
- Tên gọi khác: Penaeus vannamei.
Đặc điểm của tôm thẻ chân trắng
Tôm thẻ chân trắng được bao bọc bên ngoài bởi một lớp vỏ chitin cứng. Cấu tạo bên ngoài của tôm được chia thành 2 phần chính, là phần đầu ngực và phần bụng:
- Phần đầu ngực: Tôm thẻ chân trắng có 2 mắt dạng tổ ong (còn được gọi là mắt kép). Trên đầu của tôm có chủy, trên chủy có các gai nhọn. Tôm có 2 râu dài, được gọi là 2 tuyến ăng-ten của tôm. Phần đầu ngực tôm còn có các cặp chân ngực và chân hàm.
- Phần bụng: Bụng tôm thẻ chân trắng gồm có 7 đốt thân. Trong đó đối với 5 đốt đầu tiên, ở mỗi đốt sẽ có 1 cặp chân bụng. Đốt thứ 6 không có chân và đốt thứ 7 chính là đốt đuôi kết hợp với cặp chân đuôi (hay đuôi quạt).
Về cấu tạo bên trong của tôm thẻ chân trắng, cụ thể là cơ quan tiêu hóa bao gồm các bộ phận là:
- Dạ dày: Nghiền nát thức ăn.
- Gan tụy: Hấp thu và dự trữ chất dinh dưỡng.
- Đường ruột: Tiêu hóa thức ăn.
- Hậu môn: Thải phân ra ngoài.
>>> Xem chi tiết: Cấu tạo của tôm thẻ chân trắng
Giới tính của tôm thẻ chân trắng
Tôm thẻ chân trắng được chia ra thành tôm cái và tôm đực.
- Tôm thẻ cái: Ở cặp chân ngực thứ 4 – 5 của tôm có 1 cơ quan trông giống như nắp đậy, tên gọi khoa học là Thelycum. Cơ quan này có dạng mở để có thể nhận được túi tinh từ tôm đực.
- Tôm thẻ đực: Ở 2 cặp chân bụng đầu tiên, khi thành thục sinh dục sẽ mang túi tinh được gọi là Petasma.
Phân bố và môi trường sống của tôm thẻ chân trắng
Tôm thẻ chân trắng là loài tôm nhiệt đới, phân bố đầu tiên ở những khu vực thuộc vùng ven biển Đông Thái Bình Dương. Hiện nay, tôm thẻ chân trắng đã được nhân rộng ở nhiều khu vực khác trên thế giới, điển hình là các nước ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á như Trung Quốc, Thái Lan, Philippin, Indonesia, Malaysia và Việt Nam.
Tôm thẻ chân trắng có thể sống trong môi trường nước mặn, nước lợ và thậm chí là nước ngọt. Tuy nhiên, độ mặn thích hợp nhất để chúng phát triển là từ 10 – 25‰.
Các điều kiện khác của môi trường nước thích hợp cho sự phát triển của tôm thẻ chân trắng là:
- Nhiệt độ: 26 – 32°C.
- Độ pH: 7,5 – 8,5.
- Nồng độ oxy hòa tan: DO > 5 mg/l.
- Độ kiềm: 120 – 180 mg CaCO3/l.
- Độ trong của nước: 30 – 35 cm.
- Độ cứng của nước: 20 – 150ppm.
- Nồng độ Nitrit (NO2-): < 5 mg/l.
- Nồng độ Amoniac (NH3): < 0,3 mg/l, tối ưu là < 0,1 mg/l.
- Nồng độ Sunphua Hydro (H2S): < 0,1 mg/l.
Tôm thẻ chân trắng sinh sản như thế nào?
Tôm thẻ chân trắng thuộc loài động vật giáp xác có vòng đời kéo dài trong 5 giai đoạn, bao gồm trứng, ấu trùng, tôm bột, tôm giống và đến tôm trưởng thành. Khi tôm cái đạt đến giai đoạn trưởng thành sẽ có thể tiến hành giao phối (giao vĩ) với tôm đực.
Tôm là loài đẻ trứng. Lượng trứng tôm ở mỗi vụ đẻ phụ thuộc vào kích cỡ của tôm mẹ. Ví dụ, nếu tôm mẹ từ 30-45g thì lượng trứng từ 100.000-250.000 trứng, đường kính trứng rơi vào khoảng 0.22mm. Sau mỗi lần tôm cái đẻ hết trứng, buồng trứng của chúng sẽ phát triển tiếp. Thời gian giữa 2 lần đẻ cách nhau khoảng từ 2-3 ngày. Tôm cái có thể đẻ nhiều nhất tới 10 lần/năm. Thường sau từ 3-4 lần đẻ liên tục, tôm sẽ lột vỏ.
Sau khi tôm giao vĩ xong, chúng dùng những đôi chân ở dưới bụng để ôm trứng. Trong quá trình ấp trứng, những đôi chân ở bụng của tôm sẽ hoạt động liên tục nhằm hỗ trợ cung cấp dưỡng khí cho trứng phát triển, đồng thời giúp loại bỏ đi những trứng bị hư.
>>> Xem thêm: Tập tính ôm trứng của tôm mẹ có ý nghĩa như thế nào?
Sau khi đẻ khoảng từ 14 – 16 giờ, trứng tôm sẽ nở ra ấu trùng Nauplius. Ấu trùng Nauplius sẽ trải qua 6 lần lột xác để trở thành ấu trùng Zoea. Ấu trùng Zoea trải qua 2 lần lột xác để tiến từ Zoea 1 đến Zoea 3 và sau đó trở thành ấu trùng Mysis. Ấu trùng Mysis cũng biến đổi qua 3 giai đoạn con là 3 giai đoạn nhỏ là Mysis 1, Mysis 2 và Mysis 3 để thành ấu trùng Postlarvae.
Giai đoạn này ấu trùng Postlarvae gần như đã phát triển hoàn chỉnh cấu tạo của tôm để chuẩn bị thả giống. Chiều dài của Postlarvae tôm P.Vannamei khoảng 0,88 – 3mm.
>>> Xem thêm: Đặc điểm các giai đoạn của ấu trùng tôm thẻ