Mang lại giá trị kinh tế lớn, thời gian nuôi ngắn là những lý do khiến ngành nuôi tôm thẻ chân trắng ở nước ta đang phát triển mạnh mẽ, phổ biến hơn bao giờ hết. Tuy nhiên đi kèm với đó là những ảnh hưởng xấu không nhỏ đến môi trường nước, đất và hệ sinh thái ven biển.
Ảnh hưởng của ngành nuôi tôm thẻ chân trắng đến môi trường nước
Sự phát triển nhanh chóng của nghề nuôi tôm, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng với mật độ cao, sử dụng lượng thức ăn lớn, lượng chất thải nhiều. Đi cùng việc thiếu ý thức lẫn kiến thức bảo vệ môi trường của người nuôi đã khiến cho môi trường nước tại hầu hết các vùng nuôi lâm vào tình trạng quá tải, ô nhiễm trầm trọng, hệ luỵ gây phát sinh dịch bệnh, từ đó gây thiệt hại cho người nuôi. Điều này là một trong những lý do khiến việc nuôi tôm hiện nay gặp nhiều khó khăn, rủi ro mầm bệnh tăng cao, nhất là các bệnh đường ruột, EHP.
Ông Hữu của Cục thủy sản – đơn vị được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao chủ trì việc quản lý về môi trường trong ngành thủy sản cho biết, “Trước đây, mỗi năm lấy nước vào 1 lần nuôi tới cuối năm nông dân mới xả ra. Thế nhưng, bây giờ nuôi siêu thâm canh, thì sử dụng nước nhiều, cho ăn nhiều và nuôi mật độ cao nên áp lực cho môi trường quá lớn. Nếu trước đây nếu một ngày cho tôm ăn 100kg thức ăn, thì bây giờ tăng lên 1 tấn (1.000 kg), nhưng tôm chỉ hấp thu được 40% và 60% phải thải ra môi trường”.
Ngoài ra, tình trạng các cơ sở áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ở nước ngọt tự ý khoan giếng lấy nước ngầm có độ mặn cao, pha thêm nước sông để tạo môi trường nước lợ, kết hợp sử dụng muối hạt. Hậu quả đã gây mặn hóa vùng nuôi, ô nhiễm nước ngầm, kéo dài có nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm, ảnh hưởng các vùng trồng nông nghiệp, điển hình như lúa.
Ảnh hưởng của ngành nuôi tôm thẻ chân trắng đến môi trường đất
Không chỉ môi trường nước, sự phát triển của ngành nuôi tôm đã và đang làm tăng mức độ lan truyền mặn sâu vào trong nội đồng, nhiều khu vực lan truyền mặn không kiểm soát. Sau các vụ nuôi lớp đất mặn tích tụ, mặt ruộng nâng cao làm lượng nước vào bị giảm, dẫn đến thiếu nước nuôi, không đủ rửa mặt cho vụ lúa, làm đất càng ngày nhiễm mặn càng nặng.
Ngoài ra, việc phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tại các huyện vùng ngọt trong thời gian qua đã gây ra những nguy cơ đối với suy thoái đất, làm cho đất có khả năng bị nhiễm mặn trong tương lai.
Các kết quả phân tích độ mặn môi trường đất ở những khu vực nuôi tôm và các khu vực không nuôi tôm cho thấy, đất tại các khu vực nuôi tôm có xu hướng nhiễm mặn rất nặng so với các khu vực không có hoạt động nuôi tôm.
Ảnh hưởng của ngành nuôi tôm thẻ chân trắng đến hệ sinh thái ven biển
Những năm gần đây mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao cát phát triển mạnh, mở ra hướng đi mới trong nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên tình trạng các hộ nuôi không xử lý tốt nguồn nước thải, đổ trực tiếp ra biển trong nhiều năm liền gây ô nhiễm môi trường ven biển nghiêm trọng, suy thoái hệ sinh thái vùng bờ và cảnh quan tự nhiên, cát biển tại một số vị trí đã chuyển sang màu đen và có dấu hiệu sụt lún, xói mòn.
Mặc dù quy định nghiêm cấm đã được đề ra nhưng nhiều trường hợp vẫn sai phạm, thậm chí, một số chủ hồ tôm, dù có hồ nuôi tôm nằm ngay bên cạnh mốc hành lang bảo vệ bờ biển, nhưng không hề hay biết các quy định liên quan đến hành lang bảo vệ bờ biển và vẫn vô tư đào đắp, gia cố thêm ao nuôi, ao xử lý nước cấp…
Theo giới chuyên gia, để khắc phục những vấn đề ô nhiễm môi trường, vùng nuôi tôm cần quy hoạch và đầu tư hệ thống thuỷ lợi cấp, thoát nước, tuy nhiên việc này cần nhiều thời gian, chi phí đầu tư không hề nhỏ.
Do đó vấn đề trước mắt ngành thuỷ sản cần tìm kiếm công nghệ quản lý, xử lý môi trường tiên tiến, cách hiệu quả trong xử lý nguồn nước thải, chất thải từ các mô hình nuôi tôm,… Điển hình như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 kết hợp hầm Biogas xử lý môi trường được thực hiện tại Đồng bằng sông Cửu Long, cho năng suất và lợi nhuận cao.
>>> Xem thêm: Xu hướng áp dụng hệ tuần hoàn RAS trong nuôi trồng thủy sản