Tình hình ô nhiễm môi trường nước ở TP.HCM đang vô cùng căng thẳng và nghiêm trọng, kết hợp tình trạng xâm nhập mặn đạt cấp độ cao nhất làm tăng nguy cơ thiếu nước sạch trầm trọng.
Thực trạng ô nhiễm môi trường nước ở TP.HCM
Theo báo cáo mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM về chất lượng môi trường nước, hệ thống kênh rạch nội thành TP.HCM đang ở mức kém đến ô nhiễm rất nặng, tình hình đang trở nên đáng báo động hơn bao giờ hết.
Bên cạnh đó, chất lượng nước thô đang dần suy giảm, nguồn nước ngầm dần cạn kiệt. Tình trạng ô nhiễm môi trường nước không chỉ gây khó chịu, làm mất mỹ quan mà trên hết khi nguồn nước tồn tại các chất độc hại và vi khuẩn gây bệnh là mối nguy hại vô cùng lớn đến sức khỏe cộng đồng, gây rối loạn đến cân bằng sinh thái của vùng.
– Kênh rạch đen ngòm, bốc mùi hôi thối:
Rất nhiều tuyến kênh rạch ở TP.HCM có màu đen ngòm, bốc mùi hôi thối, ngập ngụa rác thải sinh hoạt, lục bình phủ kín bề mặt… như ở các sông Vàm Thuật, kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên, rạch Xuyên Tâm, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, kênh Đôi – Tẻ, Tàu Hủ – Lò Gốm – Bến Nghé, Suối Nhum…

Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước được xác định chủ yếu do nguồn nước thải khổng lồ (sinh hoạt, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp,…) chưa xử lý xả trực tiếp ra môi trường và thói quen vứt rác bừa bãi, thiếu ý thức của một bộ phận người dân.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, trong năm 2023, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố trung bình khoảng 9.800 tấn/ngày. Trong đó, lượng rác thải được thu gom và xử lý đạt khoảng 9.000 tấn/ngày, còn lại khoảng 800 tấn/ngày chưa được thu gom và xử lý.
Mỗi ngày có khoảng 4000.000 m3 nước thải xả trực tiếp ra môi trường chưa xử lý dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nước xảy ra ở nhiều khu vực. Hàm lượng BOD, COD, NH3, Coliform trong nước mặt tại nhiều khu vực vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 1,5 – 3 lần. Hiện tượng cá chết, tảo nở hoa xảy ra thường xuyên, đặc biệt là vào mùa mưa.
>>> Xem thêm: Ô nhiễm từ nước thải đô thị: Vấn đề lớn cần quan tâm
– Nguồn nước thô bị ô nhiễm:
Sở TN-MT TP.HCM xác nhận chất lượng nguồn nước thô hiện nay đang có xu hướng bị ô nhiễm. Bởi hệ thống cấp nước của thành phố được lấy từ 2 nguồn chính là sông Sài Gòn (tại xã Hòa Phú, H.Củ Chi – chiếm khoảng 25% tổng công suất – và tại kênh N47 thuộc nhánh nhỏ của kênh Đông lấy nước trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng – chiếm khoảng 8,5% tổng công suất) và sông Đồng Nai tại chân cầu Hóa An, tỉnh Đồng Nai (chiếm khoảng 60,5% tổng công suất).
Hai dòng sông này đều là hạ nguồn của lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và được điều tiết bởi 2 hồ chứa phía thượng nguồn. Đây cũng là vùng kinh tế trọng điểm của khu vực phía nam. Ước tính, phía thượng nguồn sông Sài Gòn, Đồng Nai có tới gần 50 nhà máy, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp xả thẳng nước thải ra sông nên nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước rất cao.
Thực tế hiện nay, nguồn nước từ hệ thống sông Đồng Nai đang có dấu hiệu ô nhiễm nếu so với quy chuẩn của Bộ TN-MT. Cụ thể, hàm lượng vi sinh vượt ngưỡng khoảng hơn 10 lần ở cả sông Sài Gòn và sông Đồng Nai; hàm lượng ammoniac đặc biệt tại sông Sài Gòn vượt ngưỡng 3 – 5 lần; ô nhiễm hữu cơ theo chỉ tiêu DO không đạt quy chuẩn 2 – 3 lần…
Chưa kể, giải pháp khai thác nước thô hiện nay đang gặp bất lợi do phụ thuộc vào việc kiểm soát chất lượng nước thải của các tỉnh, thành phố nằm trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Ngoài ra, chất lượng nước tại nhà máy sau khi xử lý đạt quy chuẩn nước dùng cho ăn uống trực tiếp nhưng khi đến với người sử dụng qua hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước, một số chỉ tiêu chất lượng nước lại chưa đảm bảo như hàm lượng chất khử trùng chlorine…
Ngoài ra, hệ thống nước ngầm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cũng đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm khi hàm lượng Nitrat, Asen, Clorua tại một số khu vực vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 – 2 lần. Theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM năm 2023, có 40% mẫu nước ngầm bị ô nhiễm.
Rủi ro thiếu nước sạch đe dọa thành phố
Theo các chuyên gia, dù hiện tại nguồn nước sạch cung cấp cho thành phố vẫn đảm bảo, tuy nhiên ô nhiễm môi trường nước ngày càng nặng kết hợp tình trạng xâm nhập mặn sâu, nước ngầm giảm thì trong tương lai TP.HCM sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước sạch trầm trọng. Nguy cơ nước sinh hoạt bị nhiễm mặn như ở Bến Tre và Tiền Giang là một minh chứng điển hình mà ngay từ bây giờ thành phố phải tính toán ứng phó trước.

Hiện tại, đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, trong giai đoạn đến cuối tháng 4/2024, Nam bộ đón đợt triều cường rằm tháng 3 âm lịch. Đỉnh triều cường có thể xuất hiện trong các ngày từ 24 – 26.4.
Trên sông Sài Gòn, đỉnh triều ở mức xấp xỉ và cao hơn báo động 2. Điều này khiến xâm nhập mặn tiến sâu vào các nhánh sông. Do triều cường cao, khiến độ mặn ở hầu hết các trạm đều cao hơn cùng kỳ năm ngoái và trung bình nhiều năm. Trên sông Sài Gòn, ranh mặn 4‰ xâm nhập sâu 73 – 75km. Cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở cấp cao nhất, cấp độ 3.
Cùng với tốc độ phát triển nhanh chóng, TP.HCM đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, ô nhiễm nguồn nước đang ở mức báo động đỏ, gây ảnh hưởng rất lớn cuộc sống của người dân, đe dọa sự phát triển của nền kinh tế. Điều này đòi hỏi thành phố cần có chính sách xử phạt nghiêm, biện pháp khắc phục thiết thực cấp thiết.
>>> Xem thêm: Đo lường mức độ ô nhiễm môi trường