Ảnh hưởng của độc tố tảo (tảo lam) đối với tôm hiện nay là một thách thức lớn cho người nuôi. Câu hỏi đặt ra là: Cần làm gì để quản lý tảo trong ao tôm cũng như hạn chế sự phát triển của tảo? Để trả lời câu hỏi này, trước tiên bà con cần biết nguyên nhân sinh ra tảo và chúng ảnh hưởng tới tôm như thế nào.
Nguồn gốc xuất hiện tảo trong ao nuôi tôm
– Tảo xuất hiện từ nguồn nước cấp:
Tảo xuất hiện từ nguồn nước cấp phụ thuộc rất nhiều vào địa điểm, thời tiết và con nước. Các hệ thống ao thuộc địa điểm có độ mặn thấp dễ xuất hiện tảo lục và tảo lam. Khi con nước lớn, nguồn nước gần hoặc bị trộn lẫn nước thải từ khu dân cư dễ xuất hiện tảo mắt và tảo lam, những nguồn nước xa hoặc không ảnh hưởng nước thải khu dân cư dễ xuất hiện tảo lục và tảo Silic.
– Tảo xuất hiện từ sản phẩm gây màu:
Tảo xuất hiện từ sản phẩm gây màu cũng phụ thuộc vào địa điểm từng vùng nuôi và lượng tảo sống tiềm sinh trong ao nuôi. Nhiệm vụ của sản phẩm gây màu là kích thích tảo tiềm sinh phát triển. Do đó, nếu tảo tiềm sinh trong ao nuôi là tảo silic thì điều kiện quản lý tảo trong ao sẽ thuận lợi hơn.
– Tảo xuất hiện trong quá trình nuôi:
Tảo trong ao tôm xuất hiện từ quá trình nuôi sẽ phụ thuộc vào hàm lượng thức ăn dư thừa, mật độ nuôi, chất thải của tôm, quy trình nuôi (thay nước/không thay nước). Những yếu tố trên như là các điều kiện để cho tảo trong ao tôm phát triển. Tuy nhiên, sự xuất hiện các loài tảo này cũng phụ thuộc vào địa điểm từng vùng nuôi và lượng tảo sống tiềm sinh trong ao nuôi.
– Tảo xuất hiện do thời tiết:
Trong trường hợp nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài, tảo sẽ phát triển cực độ và nhanh tàn lụi (loại tảo phát triển phụ thuộc vào tảo hiện có mặt trong ao nuôi). Khi nhiệt độ thay đổi bất thường, tảo dễ phát triển cực độ, dẫn đến môi trường nước dơ và dễ gây nhiễm khuẩn. Trong trường hợp mưa kéo dài dễ xuất hiện tảo lam.
Hình ảnh của tảo lam khi quan sát dưới kính hiển vi:
Schizothrix calcicola | Anabaena oumiana | Oocystis marssonii |
Anabaena circularis | Lyngbya algae | Microcystis aeruginosa |
Oscillatoria bateria | Nở hoa của tảo lam |
Hình ảnh của tảo mắt khi quan sát dưới kính hiển vi:
Phacus | Euglena | Trachelomonas |
Hình ảnh của tảo lục khi soi dưới kính hiển vi:
Chlorella sp | Scenedesmus sp |
Hình ảnh của tảo Silic (tảo khuê) khi soi dưới kính hiển vi:
Pleurosigma sp | Chaetoceros calcitrans | Gyrosigma sp | Skeletonema costatum |
Nitzschia | Navicula |
Ảnh hưởng của tảo đến ao tôm
– Tảo có lợi cho ao tôm:
Một số giống tảo Silic (tảo khuê) như: Chaetoceros, Pleurosigma, Gyrosigma, Skeletonema, Nitzschia, Navicula là những nhóm tảo có lợi cho ao nuôi tôm vì chúng có những vai trò:
- Cung cấp chất khoáng cho ao nuôi.
- Tôm mau cứng vỏ.
- Lột xác nhanh.
- Cân bằng hệ sinh thái ao nuôi.
- Ít xảy ra hiện tượng nở hoa.
– Tảo có hại cho ao tôm:
Một số giống/loài tảo lam như: Schizothrix calcicola, Anabaena, Oocystis marssonii, Lyngbya algae, Microcystis aeruginosa, Oscillatoria bacteria, Oscillatoria sp là những nhóm tảo có hại cho ao nuôi tôm vì:
- Phát triển rất nhanh, dễ gây hiện tượng nở hoa, dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn cơ hội phát triển (Vibrio).
- Tảo có chứa độc tố.
- Tảo có màng nhầy.
Tảo mắt như: Euglena, Phacus cũng là nhóm tảo có hại vì:
- Phát triển nhanh, dễ gây hiện tượng tảo nở hoa.
- Gây ô nhiễm môi trường, dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
– Tảo vô hại cho ao tôm:
Một số giống tảo lục như: Scenedesmus là nhóm tảo trung tính; Chlorella là nhóm tảo có lợi, chúng có khả năng ức chế sự phát triển vi khuẩn cơ hội (Vibrio).
Quản lý tảo trong ao tôm như thế nào?
Nhìn chung, khi nhiệt độ, thời tiết thay đổi bất thường tảo lam là nhóm có khả năng phát triển cao nhất trong ao nuôi. Để quản lý tảo trong ao tôm một cách hợp lý, tránh trường hợp gây hiện tượng nở hoa trong ao nuôi việc đầu tiên bà con nên tạo cho ao nuôi một nguồn tảo gốc (tảo Silic và tảo lục) tốt để chúng luôn tồn tại trong ao nuôi, để khi gặp thời tiết bất lợi như nêu trên, thì tảo tồn tại trong ao nuôi dễ lấn át tảo khác (tảo lam và tảo mắt) phát triển.
Phương pháp duy nhất làm cho ao nuôi luôn tồn tại và duy trì hàm lượng tảo Silic và tảo lục là chúng ta nên bổ sung lượng tảo gốc định kì trong vụ nuôi, đặc biệt ngay thời điểm lấy nước lần đầu tiên khi vừa mới cải tạo ao xong sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Việc làm này nên làm hằng năm như một bước tạo hệ tảo tốt tồn tại tiềm sinh cho ao nuôi.
>>> Xem thêm: Microbe-Lift PBD: Men vi sinh cắt tảo ao nuôi tôm an toàn, hiệu quả