Ngày nay với mật độ nuôi tăng nhanh, môi trường ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. Đặc biệt là trong quá trình nuôi tôm thâm canh, nếu vệ sinh nước không kỹ, sẽ làm ký sinh trùng trong nước phát tán và sinh sôi rất nhanh gây nguy hại đến tôm. Vậy ký sinh trùng trên tôm là gì? Các dấu hiệu nào giúp nhận biết tôm mắc ký sinh trùng? Hãy cùng Biogency tham khảo bài viết dưới đây nhé!
Ký sinh trùng trên tôm là gì?
Ký sinh trùng là một sinh vật sống ký sinh trên một sinh vật sống khác (con người, thực vật, động vật) hay còn gọi là ký chủ. Chúng sống phụ thuộc hoàn toàn vào ký chủ để tồn tại phát triển và sinh sôi. Do đó, ký sinh trùng hiếm khi giết chết ký chủ, nhưng nó có thể là nguồn lây lan bệnh tật, và một vài trong số này có thể gây tử vong cho ký chủ.
Có rất nhiều loại ký sinh trùng, từ dạng bé nhất phải quan sát dưới kính hiển vi cho đến dạng lớn nhất có thể quan sát bằng mắt thường. Dưới đây là 4 dạng ký sinh trùng mà tôm thường mắc phải:
- Vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP).
- Haplosporidian infections, Hepatopancreatic haplosporidiosis.
- Trùng hai tế bào Gregarine.
- Vermiform (dạng giun).
Hình 1. Ký sinh trùng trên tôm là một dạng bệnh phổ biến mà người nuôi tôm thường gặp phải.
– Vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP)
Vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) nhiễm ở tế bào biểu mô ở ống gan tụy tôm. Chúng được xem là một dạng ký sinh trùng trên tôm, sử dụng dinh dưỡng và năng lượng dự trữ trong gan, tụy, khiến tôm chậm lớn và phân cỡ.
Biểu hiện: Tôm nhiễm bệnh chuyển sang màu trắng đục hay màu sữa. Khi tôm lớn sẽ dễ quan sát hơn, nhiều con bị đục cơ ở lưng hay phần cuối cơ thể.
Hình 2. Mẫu gan tôm khỏe (A), và mẫu gan tôm nhiễm EHP (B).
– Haplosporidian infections, Hepatopancreatic haplosporidiosis
Ký sinh trùng Haplosporidian infections, Hepatopancreatic haplosporidiosis trên gan, tụy khiến tôm có biểu hiện như: Gan tụy co lại, cơ thể nhợt nhạt, sắc tố Melanin ở tế bào biểu bì đi kèm khiến tôm chậm lớn, chậm tăng trưởng, FCR tăng cao.
Hình 3. A: (Trái) gan tụy tôm bình thường, (phải) cơ thể tôm nhợt nhạt và teo gan. B: Nhiều đốm đen xuất hiện trên tôm (mũi tên).
– Trùng hai tế bào Gregarine
Trùng hai tế bào Gregarine ký sinh trong ruột tôm là một dạng ký sinh trùng trên tôm. Chúng có vật chủ trung gian là động vật thân mềm và động vật chân đốt. Tôm nhiễm Gregarine thường chậm lớn, tổn thương niêm mạc ruột giữa, tạo cơ hội cho vi khuẩn có hại xâm nhập gây bệnh đường ruột ở tôm.
– Vermiform (dạng giun)
Vermiform (dạng giun) xuất hiện trong ống gan, tụy, ruột giữa của tôm khiến tôm giảm ăn, chậm lớn. Khi tôm nhiễm Vermiform với mật độ cao sẽ thải ra môi trường một chuỗi phân có màu trắng được gọi là hội chứng phân trắng ở tôm.
Triệu chứng nhận biết:
- Xuất hiện các loại phân màu trắng đục ở nước, có khi phân còn dính ở hậu môn của tôm bị nhiễm ký sinh trùng chết.
- Tôm bị ốp vỏ, mềm vỏ, chậm lớn. Đối với trường hợp nặng tôm bỏ ăn.
- Tôm bị nhiễm ký sinh trùng có màu đậm hơn bình thường, ruột tôm có màu trắng. Ruột ziczac “xoắn lò xo”.
- Ruột tôm bị cong, phình to, có dịch màu vàng hơi hồng.
- Quan sát kỹ đường ruột của tôm sẽ thấy đường ruột tôm bị đứt quãng hoặc trống rỗng, khi bóp nhẹ có thể phân tôm di chuyển lên xuống trong ống đường ruột tôm, nhất là phần cuối ruột.
Hình 4. Ký sinh trùng trên tôm thẻ chân trắng.
Mức độ nguy hiểm mà ký sinh trùng gây ra cho tôm
Tôm nhiễm ký sinh trùng với mật độ cao sẽ gây cản trở hoạt động tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng làm tôm biếng ăn, chậm lớn, tỷ lệ sống giảm. Một số loài ký sinh trùng trên tôm gây tổn thương tế bào niêm mạc ruột khi ký sinh, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh thứ cấp.
Ký sinh trùng nhiều trên mang tôm gây ảnh hưởng đến hoạt động hô hấp của tôm, gây ra hiện tượng thiếu oxy dẫn đến hiện tượng tôm chết hàng loạt. Ngoài ra ký sinh trùng nhiều trên mang tôm gây cản trở quá trình lột xác của tôm, khiến tôm chậm lớn.
Tác nhân và điều kiện gây bệnh ký sinh trùng trên tôm
– Tác nhân gây bệnh:
Vi bào tử trùng tồn tại trong môi trường nước, tấn công vào cơ thể tôm theo 3 con đường:
- Nhiễm theo chiều dọc từ mẹ sang con: Tôm mẹ bị nhiễm ký sinh trùng nên trứng tôm nở thành ấu trùng, suy ra tôm con cũng bị nhiễm ký sinh trùng.
- Nhiễm theo chiều ngang: Những con tôm khỏe mạnh trong ao ăn phải những con tôm đã chết do bị nhiễm ký sinh trùng.
- Nhiễm ký sinh trực tiếp: Do trong môi trường nước đã tồn tại ký sinh trùng ở dạng bào tử, sau khi tôm lột xác vỏ vẫn còn yếu, vỏ mềm khiến ký sinh trùng tấn công vào ruột tôm.
– Điều kiện gây bệnh:
- Bệnh thường gặp ở tôm 40 – 50 ngày tuổi trở lên, thường xuất hiện vào mùa nắng nóng, nhiệt độ nước cao, mật độ nuôi dày, cải tạo ao không đảm bảo quy trình kỹ thuật.
- Tôm nuôi ao đất ở một số trường hợp 10 ngày đã phát hiện nhiễm ký sinh trùng. Trong ao có nhiều vật chủ trung gian như: Nhuyễn thể hai mảnh vỏ cua, còng, vỏ tôm lột, giun đốt,…
- Chất lượng môi trường nước kém, sự tích lũy của các chất hữu cơ trong ao cao, thức ăn dư thừa trong ao nhiều.
Dấu hiệu nhận biết tôm mắc ký sinh trùng
- Tôm chậm lớn, đặc biệt từ 30 ngày.
- Gan sưng to, màu xanh hoặc đen, soi kính có ký sinh trùng. Ruột tôm nhỏ, mảnh, cong xoắn, đứt khúc, màu nâu.
- Tôm ăn nhiều nhưng tiêu hóa kém, phân nát, lỏng.
- Soi mẫu gan có ký sinh trùng hoặc EHP dương tính khi kiểm tra bằng phương pháp PCR.
- Tôm nhiễm ký sinh trùng thường có đường ruột ziczac.
- Đốt cuối đuôi có dấu hiệu sưng, màu đục hạt gạo.
- Tôm bị nhiễm ký sinh trùng nặng sẽ bơi lờ đờ, tấp mé vào bờ.
- Khi quan sát bằng mắt thường thấy gan tôm vẫn khỏe nhưng tôm bỏ ăn, đường ruột rỗng không có thức ăn.
Hình 5. Dấu hiệu tôm mắc ký sinh trùng.
Ký sinh trùng trên tôm là bệnh lây nhiễm qua các vật chủ trung gian. Tôm nhiễm ký sinh trùng sẽ cho năng suất thấp, kém chất lượng. Bà con nên chủ động ngăn chặn ký sinh trùng ngay từ đầu vụ nuôi bằng cách chọn con giống tốt, diệt khuẩn môi trường nước trong ao để tôm luôn khỏe cho vụ mùa bội thu.
Mong rằng qua bài viết này bà con sẽ hiểu rõ phần nào về bệnh ký sinh trùng trên tôm, hãy liên hệ ngay với Biogency theo số HOTLINE 0909 538 514 nếu đang gặp khó khăn trong ao nuôi của mình. Biogency luôn sẵn sàng đồng hành cùng bà con trong ao nuôi để đạt được hiệu quả tốt nhất!
>>> Xem thêm: Bệnh AHPND trên tôm, dấu hiệu nhận biết, cách phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả