Nhiệt độ môi trường nước trong nuôi tôm không chỉ ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và phát triển, mà còn tác động đến khả năng sinh tồn của tôm. Chính vì vậy, bà con cần nắm được khoảng nhiệt độ cho tôm sinh trưởng, phát triển tốt nhất cũng như cách quản lý nhiệt độ hiệu quả.
3 tác động lớn của nhiệt độ ao tôm đến quá trình sinh trưởng, phát triển của tôm
Tôm vốn là một loại động vật biến nhiệt. Điều này đồng nghĩa rằng, khả năng sống sót, sinh trưởng và phát triển của tôm chịu ảnh hưởng rất lớn từ nhiệt độ của môi trường sống. Cụ thể là nhiệt độ ao tôm.
Theo các chuyên gia, khoảng nhiệt độ cho tôm sinh trưởng và phát triển tốt có sự chênh lệch giữa các giống tôm. Điển hình là 2 giống tôm phổ biến nhất hiện nay gồm:
- Tôm sú: Mức nhiệt độ cho tôm sinh trưởng tốt nhất ở khoảng từ 28 – 30 độ C (Ở mức dưới 28 độ C, tôm phát triển tương đối chậm, trên 30 độ C sẽ khiến tôm phát triển nhanh nhưng dễ mắc bệnh Monodon Baculovirus).
- Tôm thẻ: Mức nhiệt độ tối ưu trong ao là 25 – 30 độ C (nhiệt độ cho tôm sinh trưởng và phát triển tốt nhất ở 27 độ C).
Nhìn chung, nếu nhiệt độ trong ao tôm thay đổi, khả năng sinh trưởng và sống còn của tôm cũng sẽ bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, nếu nhiệt độ ao tôm thấp (từ 15 – 22 độ C) hoặc cao ( từ 30 – 33 độ C) tôm sẽ bị ngạt. Nếu mức nhiệt này kéo dài trong 24h hoặc lâu hơn sẽ làm tôm chết hàng loạt.
Hình 1. Nhiệt độ ao tôm tác động đên quá trình sinh trưởng, phát triển của tôm.
Cụ thể, khi nhiệt độ môi trường nước nuôi tôm thay đổi sẽ khiến tôm gặp phải các tình trạng sau:
– Tôm ăn nhiều nhưng hấp thụ ít, sinh trưởng chậm
Các thí nghiệm về khoảng nhiệt độ cho tôm sinh trưởng được tiến hành cho thấy rằng, khi nhiệt độ cao, lượng tiêu thụ thức ăn của tôm cao hơn bình thường 36.5% nhưng tôm lại chậm sinh trưởng.
Nguyên nhân do khi nhiệt độ tăng cao dẫn đến quá trình trao đổi chất của tôm tăng theo. Đồng nghĩa, tôm cần lượng thức ăn nhiều hơn, quá trình tiêu hóa diễn ra nhanh hơn. Tuy nhiên, với lượng thức ăn lớn, lượng men tiêu hóa trong tôm không đủ, dẫn đến tình trạng tôm ăn nhiều nhưng không hấp thụ được bao nhiêu, từ đó làm chậm quá trình sinh trưởng của tôm so với thông thường.
– Tỷ lệ sống của tôm thấp
Thông qua kết quả từ các nghiên cứu về nhiệt độ cho tôm sinh trưởng cũng cho thấy, ở hai mức nhiệt độ 29 và 33 độ C, tôm tăng trưởng như nhau. Tuy nhiên, khi sống ở mức nhiệt 33 độ C, tỷ lệ sống của tôm thấp hơn mức nhiệt 29 độ C. Nguyên nhân được ghi nhận rằng, khi tôm sống trong môi trường nước có nhiệt độ 33 độ C, hàm lượng Nitơ Amoniac và Nitrit-Nitơ cao hơn, hệ chuyển đổi thức ăn FCR cao.
– Tôm bị đục cơ, chết
Thông thường, để kiểm tra sức ăn của tôm, bà con thường nhấc nhá sàn vó lên mặt nước vào ban ngày, lúc này tôm sẽ nhảy lên và búng mạnh. Khi gặp nhiệt độ cao, một số con sẽ cong thân, khi trở lại ao thì không duỗi thẳng được và chết.
Hiện tượng tôm bị đục cơ, cong thân thường xảy ra khi nhiệt độ tăng cao, đặc biệt là khi trong ao tôm có tảo giáp phát triển.
Hình 2. Kiểm soát tốt khoảng nhiệt độ cho tôm sinh trưởng để tránh hiện tượng tôm bị đục cơ, cong thân.
Làm thế nào để quản lý nhiệt độ cho tôm sinh trưởng trong ao?
Nhiệt độ môi trường nước trong ao tôm không cố định mà sẽ thay đổi theo mùa cũng như khí hậu, thời tiết của vùng miền, lãnh thổ. Do đó, khi nuôi tôm, bà con cần kiểm soát tốt nhiệt độ cho tôm sinh trưởng và phát triển hiệu quả ở từng thời điểm hay mùa.
– Mùa nóng
Vào mùa nóng, bà con phải giữ mức nước trong ao đạt độ sâu lớn hơn 1.5m; giữ màu nước là màu vàng nâu có độ trong không quá 35cm. Đồng thời tiến hành chạy quạt, oxy đáy để tránh sự phân tầng nhiệt độ. Bà con có thể sử dụng hệ thống lưới che để giảm tác động nhiệt độ từ mặt trời.
Hình 3. Chạy quạt, oxy đáy trong mùa nóng để tránh sự phân tầng nhiệt độ, đảm bảo nhiệt độ cho tôm sinh trưởng, phát triển tốt nhất.
Vào thời điểm nhiệt độ cao hơn 30 độ C (thường diễn ra vào trưa hè), bà con nên hạn chế tăng thức ăn cho tôm. Vì lúc này tôm hấp thụ không nhiều, nếu thêm thức ăn sẽ làm giảm chất lượng nước, nước ô nhiễm, tôm dễ chết. Mặt khác, cần tiến hành phương pháp xi-phông sau khi tôm ăn 15 – 20 phút. Tham khảo thêm: Xi-phông đáy ao tôm như thế nào cho hiệu quả?>>>
Ngoài ra, bà con cũng cần chú ý, nếu có mưa dông đột ngột, cần tiến hành chạy quạt liên tục để tránh phân tầng oxy, nhiệt độ. Bà con có thể lắp hệ thống ống rút nước tầng mặt khi mưa lớn, đồng thời lúc này cần ngừng cho tôm ăn. Để độ pH ổn định vào mùa nóng, bà con nên chú ý bón vôi quanh bờ (ao đất) xuống ao (ao bạt).
– Mùa lạnh
Trong mùa lạnh tôm thường ăn ít, chậm lớn và di chuyển xuống đáy ao. Bà con chú ý không nên cho tôm ăn nhiều vì điều này sẽ làm ô nhiễm môi trường nước. Trong trường hợp cần bổ sung vôi nóng để tăng nhiệt độ thì cần chú ý kiểm tra độ pH và độ kiềm.
Bên cạnh đó, cần tạo nơi trú ẩn cho tôm, như dùng chà, cây ở vùng nhỏ trong ao, hoặc che bạt tránh gió hay thả ít bèo dâu. Lưu ý, chà, cây cần được sát trùng và phơi kỹ. Mặt khác, chú ý sục khí để tôm đủ oxy khi tôm xuống đáy ao và nên dùng vôi bột, thuốc sát trùng BKC, thuốc tím, muối, Sunfat… định kỳ để tránh tôm bị bệnh.
Với những chia sẻ trên, mong rằng bà con đã nắm được khoảng nhiệt độ cho tôm sinh trưởng, phát triển tốt nhất, cũng như cách quản lý nhiệt độ ao tôm hiệu quả. Bà con đừng quên theo dõi, đo nhiệt độ hằng ngày để sử dụng lượng thức ăn phù hợp cũng như kiểm soát sức khỏe tôm tốt nhất. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, bà con có thể liên hệ Hotline 0909 538 514 để được tư vấn cụ thể và nhanh chóng nhất.
>>> Xem thêm: 12 chỉ tiêu môi trường ao nuôi bà con cần biết!