Các bệnh liên quan đến đường ruột tôm mà bà con cần quan tâm

Hiện nay, những bệnh liên quan đến đường ruột tôm ngày càng phổ biến, dần trở nên khó kiểm soát và là một nỗi lo lớn đối với bà con nuôi tôm. Trong bài viết dưới đây, BIOGENCY sẽ giúp bà con hiểu thêm về các bệnh liên quan đến đường ruột tôm và cách để phòng ngừa chúng hiệu quả!

Các bệnh liên quan đến đường ruột tôm mà bà con cần quan tâm

Các bệnh liên quan đến đường ruột tôm

– Bệnh phân lỏng

Phân lỏng là một trong những bệnh lý thường gặp ở tôm, đặc biệt trong thời điểm mà thời tiết diễn biến thất thường.

Trong thời gian đầu, người nuôi tôm sẽ phát hiện một số con có dấu hiệu phân lỏng, nhưng chỉ sau khoảng 2-3 ngày, tỷ lệ tôm bị bệnh phân lỏng có thể tăng đến 30-50% hay thậm chí 70-80% chỉ sau một tuần. Ngoài hiện tượng tôm bị phân lỏng, người nuôi còn có thể quan sát thấy các dấu hiệu kèm theo như ốp thân, bỏ ăn hoặc ăn yếu, tôm rớt đáy lai rai.

Nguyên nhân:

  • Mật độ thả trong ao nuôi cao;
  • Đáy ao nuôi không được cải tạo, làm sạch đúng cách;
  • Nguồn thức ăn cho tôm không đảm bảo;
  • Tôm ăn phải tảo độc, không tiêu hóa được;
  • Môi trường nước ao nuôi ô nhiễm, tạo điều kiện cho các chủng vi khuẩn gây hại như Vibrio spp, ký sinh trùng hay động vật ngoại lại xâm nhập;
  • Tôm bị stress do biến động môi trường, tôm không thích ứng được;
  • Lạm dụng kháng sinh gây tổn thương đường ruột tôm.

– Bệnh phân đứt khúc

Bệnh phân đứt khúc ở tôm xảy ra phổ biến tại giai đoạn ấu trùng và giai đoạn ấu niên, thiếu niên cho đến khi sắp trưởng thành. Đặc biệt, vào thời điểm quý III và các tháng đầu của quý IV trong năm, bệnh phân đứt khúc lại càng bùng phát nhiều hơn.

Người nuôi có thể nhận biết bệnh phân đứt khúc thông qua quan sát hoạt động và hình thái bên ngoài của tôm như tôm có dấu hiệu ăn yếu, ốp thân, canh vó dài và số lượng rớt đáy tăng, tôm chết chỉ sau vài phút rời khỏi nước ao nuôi.

Khi bị bệnh phân đứt khúc, bên trong ruột có xuất hiện dịch lỏng, nâu vàng hay đen nhạt, dịch này di chuyển qua lại trong thân tôm khi bóp nhẹ. Ngoài ra, vỏ tôm sần sùi, thô ráp, mềm và có màu nhạt, gan tôm và đường ruột tôm nhợt nhạt, nhỏ, có màu xám đen hoặc mờ.

Nguyên nhân:

  • Ao nuôi chưa được cải tạo, xử lý nước triệt để nhưng mật độ thả cao;
  • Các loại tảo độc tồn tại trong ao ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước;
  • Chất hữu cơ, mùi hôi còn tồn tại ở đáy ao nuôi;
  • Thức ăn cho tôm kém chất lượng;
  • Thời tiết thất thường, nắng mưa đột ngột.

– Bệnh phân trắng trên tôm

Bệnh phân trắng trên tôm là loại bệnh thường xuất hiện trong thời điểm tôm nuôi được từ 50 ngày trở đi.

Dấu hiệu để nhận biết tôm bị bệnh phân trắng là ruột và phân tôm có màu trắng hay vàng nâu hơn so với bình thường, nổi trên mặt nước, dồn trong góc ao hay cuối hướng gió. Đồng thời, gan tụy của tôm bị trắng và mềm. Ngoài ra, khi tôm bệnh phân trắng, vỏ tôm bị mềm và có thể bị lệch size, xuất hiện tình trạng chết rải rác hàng ngày.

Các bệnh liên quan đến đường ruột tôm mà bà con cần quan tâm
Đường ruột tôm chuyển sang màu trắng khi mắc bệnh phân trắng.

Nguyên nhân:

  • Thức ăn không đảm bảo, bị mốc hay chứa độc tố, hoặc thức ăn bị dính lâu ngày nhiễm mốc, vi khuẩn và rơi xuống ao nuôi;
  • Các loại tảo độc như tảo lam, nhóm tảo Pseudonitzschia spp tiết độc tố làm rối loạn chức năng đường ruột tôm;
  • Tôm giống yếu, kém chất lượng và không đảm bảo an toàn dịch bệnh;
  • Ký sinh trùng Gregarines tồn tại trong đường ruột tôm, gây tổn thương, tắc nghẽn đường ruột;
  • Môi trường nước ao nuôi có hàm lượng vật chất hữu cơ cao, thức ăn dư thừa nhiều và vi khuẩn Vibrio spp phát triển với mật độ cao.

– Bệnh trống đường ruột trên tôm

Bệnh trống đường ruột trên tôm là một căn bệnh nghiêm trọng liên quan đến đường ruột tôm. Bệnh khiến cho tôm bỏ ăn, chậm lớn, tỷ lệ FCR tăng khiến năng suất vụ nuôi suy giảm.

Biểu hiện tôm bị bệnh trống đường ruột là chúng ăn yếu hoặc bỏ ăn, đường ruột tôm bị mờ đục hay đứt từng đoạn. Hoặc một số trường hợp đường ruột tôm không có thức ăn, viêm đỏ đường ruột; thức ăn không cố định, chuyển động trong đường ruột khi lắc nhẹ thân tôm; phân tôm dễ nát, không suôn và màu sắc nhợt nhạt hơn so với màu phân bình thường.

Các bệnh liên quan đến đường ruột tôm mà bà con cần quan tâm
Bệnh trống đường ruột trên tôm thẻ chân trắng.

Nguyên nhân:

  • Vi khuẩn Vibrio spp là tác nhân chính gây ra bệnh trống đường ruột trên tôm;
  • Thức ăn cho tôm kém chất lượng, bị nhiễm độc tố, nấm mốc,…;
  • Tôm ăn trúng tảo độc, chúng tiết ra enzyme làm tê liệt lớp biểu mô ruột làm tôm không hấp thu được thức ăn;
  • Ký sinh trùng bám trên thành ruột và gây tổn thương;
  • Biến đổi thời tiết, nóng nóng dài, trời lạnh hay mưa nhiều làm tôm ăn yếu.

– Ký sinh trùng

Ký sinh trùng trên đường ruột tôm gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng của vụ nuôi tôm.

Những loại ký sinh trùng có khả năng gây bệnh đường ruột tôm tồn tại trong nước ở dạng bào tử. Khi môi trường nước ao nuôi không đảm bảo, cải tạo ao không được thực hiện đúng cách sẽ tạo điều kiện cho ký sinh trùng phát triển mạnh mẽ và tấn công đường ruột tôm.

Người nuôi tôm có thể nhận biết tôm bị ký sinh trùng đường ruột thông qua nhiều đặc điểm như:

  • Ruột tôm có dạng ziczac, “xoắn lò xo”, đứt thành đoạn, ruột trống, không có thức ăn;
  • Tôm bỏ ăn, chậm lớn, bị mềm vỏ, cơ thể nhợt nhạt, tăng trưởng chậm, có dấu hiệu chuyển sang màu trắng đục hay trắng sữa, màu sắc đậm hơn so với thông thường;
  • Tôm bị đục cơ tại phần lưng hoặc các bộ phận gần cuối cơ thể;
  • Xuất hiện những sợi phân trắng đục trên mặt nước ao nuôi;
  • Niêm mạc ruột giữa tổn thương và tạo điều kiện cho ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể tôm;
  • Sắc tố Melanin trong tế bào biểu bì tôm giảm.

Nguyên nhân:

  • Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ ao nuôi cao, mật độ tôm trong ao nuôi cao là điều kiện thuận lợi cho ký sinh trùng Gregarine phát triển.
  • Lượng chất hữu cơ lớn được tích tụ từ thức ăn thừa, cải tạo ao sau mỗi mùa vụ hay vệ sinh ao chưa đúng cách là tác nhân ký sinh trùng Vermiform và Gregarine sinh sôi trong đường ruột tôm.
  • Xuất hiện vật chủ trung gian trong ao nuôi như ốc, sán, giun,…

Làm sao để phòng ngừa bệnh liên quan đến đường ruột tôm?

Bệnh đường ruột tôm ngày càng trở nên phổ biến và nguy hiểm, ảnh hưởng hiệu suất vụ nuôi tôm. Chính vì vậy, bà con nuôi tôm cần ứng dụng các cách để phòng ngừa bệnh đường ruột tôm càng sớm càng tốt.

– Quản lý, bảo đảm an toàn nguồn thức ăn cho tôm

Bà con nên sử dụng các loại thức ăn chuyên dụng cho tôm, có nguồn gốc rõ ràng, đồng thời đảm bảo được hàm lượng dinh dưỡng cần thiết, đúng kích thước và giai đoạn phát triển của tôm. Lưu ý chỉ sử dụng thức ăn đúng lượng, tránh dư thừa thức ăn và cần phải bảo quản tốt, tránh để thức ăn bị ẩm, nhiễm mốc hay độc tố.

– Quản lý môi trường ao nuôi tôm

Trước khi bắt đầu mùa vụ mới, ao nuôi tôm cần được xử lý, cải tạo kỹ, đúng theo quy trình và trang bị đầy đủ các máy móc, thiết bị cần thiết. Bà con cần lưu ý thay nước định kỳ để tiêu diệt và ngăn ngừa sự tồn tại của tảo độc. Bên cạnh đó phải kiểm tra ao nuôi tôm thường xuyên để đảm bảo các yếu tố như độ pH, nồng độ oxy hòa tan,…

Bà con có thể chủ động sử dụng các sản phẩm men vi sinh làm sạch môi trường nước ao để tạo hệ vi sinh vật có lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho tôm sinh trưởng và phát triển tốt nhất.

Các bệnh liên quan đến đường ruột tôm mà bà con cần quan tâm
Chủ động làm sạch môi trường nước ao nuôi tôm để tạo điều kiện cho tôm phát triển khỏe mạnh.

– Sử dụng men vi sinh đường ruột cho tôm

Hệ đường ruột của tôm rất nhạy cảm dưới tác động của môi trường sống. Với điều kiện thời tiết liên tục thay đổi, cũng như quá trình nuôi tôm sẽ dễ bị dư thừa thức ăn, từ đó hệ đường ruột tôm dễ bị tác động xấu.

Chính vì thế, bà con nên bổ sung men vi sinh đường ruột cho tôm để chủ động bảo vệ và ngăn ngừa những loại bệnh liên quan đường ruột như phân lỏng, phân trắng, trống ruột,… Đường ruột của tôm khỏe sẽ giúp tăng cường khả năng phân giải thức ăn, tôm có thể hấp thụ tối đa dinh dưỡng để sinh trưởng và phát triển dễ dàng, nhanh chóng.

Các bệnh liên quan đến đường ruột tôm mà bà con cần quan tâm
Bổ sung men vi sinh đường ruột để chủ động phòng ngừa bệnh liên quan đường ruột cho tôm.

Trên đây là những thông tin bà con cần biết về các bệnh liên quan đến đường ruột tôm cũng như gợi ích về cách phòng ngừa bệnh hiệu quả. Mong rằng bài viết đã mang đến thông tin hữu ích cho bà con. Nếu có bất cứ băn khoăn nào, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi qua HOTLINE 0909 538 514 để được tư vấn chi tiết nhất.

>>> Xem thêm: Phân biệt men đường ruột và men tiêu hóa trong nuôi tôm