Bệnh phân trắng trên tôm: Nguyên nhân & cách phòng trị bệnh

Ngày nay khi nuôi tôm, bà con phải đối mặt với rất nhiều bệnh gây tốn kém chi phí và ảnh hưởng đến năng suất mùa vụ. Vấn đề về nguồn nước, về con giống, lạm dụng hóa chất để xử lý,… đã gây ra nhiều bệnh ở tôm như: Bệnh gan tụy cấp tính, bệnh hoại tử cơ, trắng đuôi, đục cơ, bệnh đầu vàng, bệnh phân trắng,… Trong đó, bệnh phân trắng là một loại bệnh phổ biến và thường gặp trong quá trình nuôi. Hãy cùng Biogency tìm hiểu chi tiết hơn về loại bệnh này qua bài viết dưới đây.

Bệnh phân trắng xảy ra ở tôm do đâu? Cách khắc phục tôm bị phân trắng như thế nào?

Nguyên nhân xuất hiện bệnh phân trắng ở tôm

Tôm bị bệnh phân trắng bắt đầu xuất hiện từ khoảng sau 1 tháng nuôi trở đi, và bắt đầu phát triển mạnh vào giai đoạn tôm từ 50 – 90 ngày tuổi. Đối với mô hình nuôi tôm công nghiệp, đặc biệt khi nuôi với mật độ dày hoặc ít thay nước, khi tôm mắc phải bệnh phân trắng sẽ lây lan rất nhanh, ở mức độ nghiêm trọng có thể gây chết tôm hàng loạt, ảnh hưởng đến năng suất vụ nuôi.

Tôm nhiễm bệnh phân trắng.

Hình 1. Tôm nhiễm bệnh phân trắng.

Tôm nhiễm bệnh phân trắng nặng hay nhẹ còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Mật độ nuôi, kinh nghiệm nuôi, môi trường nước ao nuôi, số lượng tôm nhiễm bệnh,… Có 4 nguyên nhân chính gây nên bệnh phân trắng ở tôm thường là:

– Do thức ăn kém chất lượng:

Bà con cho tôm ăn thức ăn kém chất lượng, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, hoặc thức ăn quá hạn sử dụng. Thức ăn để lâu ngày nhiễm nấm mốc hay độc tố khi bà con cho tôm ăn, tôm sẽ mắc các bệnh về đường ruột trong đó có bệnh phân trắng.

– Do tảo độc trong ao phát sinh quá nhiều:

Bà con không vệ sinh kỹ nước ao, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại tảo độc phát triển. Trong ao luôn tồn tại các loại tảo có lợi và có hại. Khi tôm ăn phải các loại tảo độc, tảo sẽ tiết ra enzyme làm tê liệt biểu bì mô ruột làm ruột không hấp thụ được thức ăn. Từ đó gây ra bệnh phân trắng ở tôm.

– Do vi khuẩn có hại phát triển mạnh:

Hệ tiêu hoá của tôm cũng tương tự như con người và các loài vi sinh vật khác, chứa rất nhiều vi khuẩn khác nhau. Tuy nhiên, nếu môi trường ao nuôi bị ô nhiễm, các vi khuẩn và virus có hại sẽ phát triển, đặc biệt là vi khuẩn Vibrio – chúng sẽ bám trên thành ruột gây tổn thương cho thành ruột. Từ đó tôm dễ mắc bệnh phân trắng.

– Do ký sinh trùng Gregarine bám trên thành ruột tôm:

Ký sinh trùng Gregarine bám trên thành ruột ngăn cản việc hấp thu dinh dưỡng của tôm. Đây là nhóm nguyên sinh vật ký sinh trung gian trên nhóm thân mềm 2 vỏ và nhóm giun tơ, khi tôm ăn phải những vật chủ trung gian, chúng sẽ xâm nhập vào cơ thể tôm gây tổn thương đến thành ruột dẫn đến bệnh phân trắng ở tôm.

Tôm nhiễm bệnh phân trắng nhận biết bằng cách nào?

Tôm khi mắc bệnh phân trắng, thường có các biểu hiện sau, bà con nên thường xuyên kiểm tra và quan sát để có các biện pháp điều trị kịp thời:

  • Tôm ăn yếu, hoặc bỏ ăn. Đối với trường hợp bị nặng, phân tôm nổi lên trên mặt nước và tập trung nhiều ở hướng cuối gió. Khi bà con quan sát tôm, thấy đường ruột tôm trống thức ăn hoặc bị đứt quãng.

Phân trắng do tôm thải ra môi trường.

Hình 2. Phân trắng do tôm thải ra môi trường.

  • Phân tôm khi thải ra môi trường có màu trắng, tôm có thể bị ốp thân, mềm vỏ.

Tôm mắc bệnh phân trắng thường mềm, ốp vỏ.v

Hình 3. Tôm mắc bệnh phân trắng thường mềm, ốp vỏ.

  • Thông thường những con tôm nhiễm bệnh nặng sẽ có màu sẫm hơn bình thường, đường ruột tôm sẽ đổi thành màu trắng.
  • Kiểm tra bằng phương pháp giải phẫu thấy gan bị tổn thương, tế bào gan bị chết từng điểm và bong ra.

Cách điều trị và phòng ngừa bệnh phân trắng trên tôm thẻ chân trắng

– Cách điều trị tôm nhiễm bệnh phân trắng

Bệnh phân trắng nếu phát hiện và xử lý kịp thời, tôm sẽ có khả năng bắt mồi trở lại bình thường. Nhưng nếu bà con không phát hiện và kéo dài sẽ làm giảm khả năng bắt mồi của tôm, tôm chết rải rác từ vài con cho đến vài trăm con mỗi ngày, ảnh hưởng đến năng suất vụ nuôi.

Để điều trị bệnh phân trắng một cách hiệu quả, đầu tiên bà con cần xác định đúng nguyên nhân. Tùy vào từng nguyên nhân mà bà con có những cách điều trị khác nhau. Khi phát hiện tôm nhiễm bệnh phân trắng, bà con cần thực hiện các biện pháp sau:

Đối với thức ăn:

  • Ngưng cho tôm ăn hoàn toàn trong 1 – 2 ngày, kiểm tra lại chất lượng và hạn sử dụng của thức ăn, thay ngay loại thức ăn khác cho tôm nếu phát hiện thức ăn có dấu hiệu ẩm mốc.
  • Bổ sung thực phẩm chức năng để tăng cường chức năng gan, ruột giúp phục hồi khi tôm nhiễm bệnh phân trắng.
  • Trộn men vi sinh để bổ sung các lợi khuẩn cho tôm. Bà con có thể tham khảo dòng men vi sinh Microbe-Lift DFM giúp tôm tiêu hóa và hấp thụ tối đa dưỡng chất.
  • Trộn xen kẽ tỏi vào thức ăn cho tôm (10g/kg) và rải cho tôm ăn. Không trộn tỏi cùng vi sinh vì tỏi có thể làm bất hoạt vi sinh.

Đối với môi trường nước nuôi:

  • Chạy quạt để tăng cường oxy nhiều nhất có thể, mở hết quạt nước với tốc độ chạy cao nhất, 24/24 giờ.
  • Nguyên nhân do tảo độc: Tiến hành thay nước nhiều hơn bình thường (Cho nước từ từ vào ao để tránh làm sốc tôm), sau đó sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý tảo. Bà con có thể sử dụng men vi sinh Microbe-Lift PBD để xử lý tảo.
  • Sau khi diệt tảo khoảng 2 – 3 ngày sau, tiến hành dùng men vi sinh để xử lý nền đáy ao nuôi và xử lý khí độc. Sử dụng vi sinh với liều cao gấp 3 lần so với liều bình thường để xử lý nước và đáy ao.
  • Tìm các giải pháp phù hợp để làm giảm nồng độ các chất hữu cơ trong ao (đối với ao thường xuyên xi phông, bà con dùng chất lắng tụ rồi xi phông ra ngoài. Trường hợp ao nuôi ít xi phông hoặc không xi phông trước đó, bà con nên dùng vi sinh để xử lý đáy ao, tránh làm xáo trộn đáy ao, khiến khí H2S khuếch tán vào nước gây ngộ độc cho tôm). Xem thêm: Xi-phông đáy ao tôm như thế nào cho hiệu quả? >>>

– Các biện pháp giúp phòng ngừa bệnh phân trắng xảy ra trên tôm

Bệnh phân trắng là bệnh mãn tính và khó điều trị dứt điểm nên phòng ngừa luôn là phương pháp được ưu tiên hàng đầu. Bà con nên lựa chọn thức ăn chất lượng và quản lý ao nuôi kỹ và sạch. Dưới đây là một số phương pháp bà con có thể áp dụng để phòng ngừa bệnh phân trắng được tốt hơn, cụ thể như sau:

Thứ nhất, lựa chọn thức ăn và bảo quản thức ăn đúng cách:

  • Bà con nên lựa chọn thức ăn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Lựa chọn những loại thức ăn chuyên dùng cho tôm nuôi, đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng.
  • Cho tôm ăn loại thức ăn phù hợp, đúng kích cỡ cho từng giai đoạn nuôi, tránh trường hợp dư thừa gây ô nhiễm môi trường.
  • Không tự ý trộn thức ăn với các loại thực phẩm khác mà không có sự hướng dẫn của kỹ sư thủy sản.
  • Bảo quản nơi cao ráo, thoáng mát, tránh các khu vực ẩm ướt.
  • Ngoài ra, bà con có thể bổ sung các chủng vi khuẩn có lợi nhằm ức chế các loại vi khuẩn có hại trong ao nuôi và giúp tôm khỏe hơn.

Thứ hai, quản lý tốt môi trường nước ao nuôi:

  • Tiến hành thả giống theo tỷ lệ phù hợp với môi trường ao nuôi tôm, không thả tôm với mật độ quá dày. Trước khi thả, nên vệ sinh kỹ lưỡng theo đúng quy trình, đồng thời nên lắp đặt, bổ sung đầy đủ quạt nước hệ thống sục khí đầy đủ.
  • Định kỳ thay nước ao nuôi để ngăn chặn sự hình thành của tảo độc.
  • Định kỳ diệt khuẩn cho ao nuôi.
  • Sử dụng men vi sinh thay thế hóa chất, tránh làm mất cân bằng hệ sinh thái và bổ sung các vi khuẩn có lợi vào ao nuôi.
  • Bà con có thể tham khảo men vi sinh Microbe-Lift AQUA N1 chứa 2 chủng NitrosomonasNitrobacter “chuyên trị” vấn đề khí độc NH3/NO2 trong ao nuôi tôm, ngoài ra còn có men vi sinh Microbe-Lift AQUA C giúp xử lý nước, lợn cợn trong ao nuôi. Bên cạnh đó bà con có thể tham khảo thêm dòng men vi sinh Microbe-Lift AQUA SA xử lý đáy, phân hủy các chất hữu cơ khó phân hủy, ngăn ngừa hình thành khí độc từ lớp bùn đáy.
  • Đối với bệnh phân trắng, bà con có thể sử dụng men vi sinh đường ruột Microbe-Lift DFM bổ sung vào thức ăn giúp tôm tiêu hóa và hấp thụ tối đa dưỡng chất, đồng thời phòng trị các bệnh liên quan đến bệnh đường ruột cho tôm, nhất là bệnh phân trắng bệnh đứt ruột và bệnh rỗng ruột.
  • Bổ sung đầy đủ các chất tăng cường sức khỏe cho tôm như vitamin và các khoáng chất thiết yếu.
  • Luôn duy trì và cân bằng các hệ vi khuẩn có lợi cho ao bằng việc bổ sung thường xuyên vi sinh và duy trì hàm lượng oxy lớn hơn 5 ppm.
  • Thường xuyên kiểm tra nhá, tôm để phát hiện bệnh kịp thời.

Men vi sinh Microbe-Lift giúp nuôi tôm hiệu quả.

Hình 4. Men vi sinh Microbe-Lift giúp nuôi tôm hiệu quả.

Bệnh phân trắng thường xảy ra một cách nhanh chóng và càng trở nên nghiêm trọng hơn đối với những ao nuôi có quá nhiều thức ăn dư thừa. Bà con nên thường xuyên kiểm tra và quan sát tôm để phát hiện bệnh dễ dàng hơn. Hy vọng qua bài viết trên, Biogency có thể giúp bà con hiểu được nguyên nhân cũng như cách điều trị và phòng ngừa bệnh phân trắng. Mọi thắc mắc bà con có thể liên hệ ngay theo số HOTLINE 0909 538 514 để được hỗ trợ và giải đáp kịp thời. Hy vọng bà con có một vụ mùa bội thu!

>>> Xem thêm: Lớp bùn đáy ao tôm xuất hiện khí độc xử lý bằng cách nào?