Cách hạ pH trong ao nuôi tôm

Độ pH là một trong những chỉ số quan trọng trong nuôi tôm. pH thường thay đổi liên tục trong quá trình nuôi. Khi pH trong ao nuôi tôm quá cao hoặc quá thấp ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng môi trường nước nuôi và sức khỏe tôm. Vì vậy bà con cần nắm rõ thông số này để có thể điều chỉnh độ pH phù hợp nhất cho ao nuôi của mình.

ph trong ao nuôi tôm

Độ pH đạt chuẩn cho một ao nuôi tôm là bao nhiêu?

Chỉ số pH là chỉ số đo độ nồng độ của các ion hydro (H+) có trong dung dịch (còn gọi là độ axit hay bazơ của nước). Giá trị pH thường nằm trong khoảng từ 0 đến 14 với pH = 7 chỉ môi trường nước trung tính; pH < 7 chỉ ra rằng nước có tính axit, còn pH > 7 thì nước có tính bazơ.

Với ao nuôi tôm, pH tối ưu nhất nên được duy trì ở mức 7,5 – 8,5 và dao động trong ngày không được quá 0,5. Giới hạn của nó là mức từ 7 – 9.

ph trong ao nuôi tôm

Hình 1. pH trong ao nuôi tôm nên được duy trì tốt nhất ở mức 7,5 – 8,5.

Nguyên nhân gây biến động độ pH trong ao nuôi tôm

pH trong ao nuôi tôm thường thay đổi liên tục, nguyên nhân là do:

  • Nếu tảo trong ao nuôi tôm quá nhiều sẽ khiến pH có những biến động lớn trong ngày. Ban ngày pH tăng cao là do quá trình quang hợp của tảo và độ pH giảm vào ban đêm, khi đó tảo thực hiện quá trình hô hấp.
  • Vùng nuôi tôm độ mặn thấp hoặc nuôi tôm mùa mưa, rong tảo thường phát triển mạnh làm pH càng tăng cao.
  • Phản ứng Nitrat hóa từ quá trình phân hủy chất thải hữu cơ làm tổng độ kiềm tăng giảm bất thường, từ đó là cho pH cũng biến động.
  • Ao bị tảo lam thì thường có pH rất cao.
  • Khâu quản lý môi trường chưa tốt, cho ăn quá nhiều thức ăn, không thay nước vệ sinh ao nuôi thường xuyên làm độ pH trong ao nuôi tôm thay đổi.

Ảnh hưởng của pH tăng cao khi nuôi tôm

– Đối với môi trường nước ao:

  • Khi pH quá cao thường sẽ làm trong nước, khó gây màu nước và vi sinh vật đáy phát triển nhiều gây ô nhiễm nước.
  • Đối với ao bạt, pH cao còn làm kết tủa các hợp chất khác gây ra lợn cợn, bùn nổi làm sức khỏe tôm bị yếu đi.

– Đối với sức khỏe tôm:

  • Khi pH vượt ngưỡng có ảnh hưởng bất lợi đối với tôm như làm tôm chậm lột, suy giảm miễn dịch, dễ bị stress.
  • Tôm bị mất cân bằng áp suất thẩm thấu, suy giảm khả năng trao đổi khí ở mang.
  • pH tăng cao dẫn đến nồng độ NH3 tăng cao, tôm nhiễm độc và dễ chết.
  • Nếu pH biến động mà sự chênh lệch vượt 0,5 thì có thể làm tôm bị sốc, yếu và bỏ ăn.
  • Tôm tăng trưởng chậm, thời gian nuôi lâu, FCR tăng cao, tăng tỷ lệ mắc các bệnh… gây thiệt hại kinh tế mùa vụ.

Cách hạ pH trong ao nuôi tôm xuống mức đạt chuẩn

Có nhiều cách để hạ pH trong ao nuôi tôm, phụ thuộc vào nguyên nhân làm pH cao. Dưới đây là một số cách bà con có thể áp dụng để hạ pH cho ao nuôi của mình:

– Cách 1: Xử lý tảo trong ao

Nếu pH trong ao mà tăng nguyên nhân do tảo phát triển mạnh thì cần giải quyết tảo. Quan sát và kiểm soát mật độ tảo trong ao nuôi thường xuyên. Tham khảo cách cắt tảo bằng vi sinh tại đây.

ph trong ao nuôi tôm

Hình 2. Nước ao màu trà đang được kiểm soát pH và các thông số môi trường tốt.

– Cách 2: Dùng mật rỉ đường

Tùy thuộc vào mức pH hiện tại và bà con mong muốn hạ về mức bao nhiêu thì sẽ có liều lượng cụ thể cho từng trường hợp. Mật rỉ đường có thể kích thích sự phát triển của vi sinh vật phân hủy phân tôm và thức ăn thừa, từ đó làm giảm pH của ao nuôi. Sử dụng mật rỉ đường là phương pháp hạ pH hiệu quả và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, sau khi sử dụng mật rỉ bà con cần xi-phông ao cẩn thận để tránh làm ô nhiễm ao nuôi và gây ra nhiều bệnh khác cho tôm.

– Cách 3: Dùng vôi

Lấy vôi bột liều lượng vừa đủ, tùy vào đất ao mà tiến hành rải đều quanh bờ ao. Vôi bột có khả năng khử khuẩn và cân bằng pH cho ao tôm rất tốt. Tốt hơn thì trước khi thả tôm bà con cũng nên xử lý ao bằng vôi bột để tránh pH biến động đột ngột trong suốt quá trình nuôi.

– Cách 4: Dùng phèn nhôm

Dùng phèn nhôm pha với nước tạt đều ao. Phèn nhôm khi bà con mua tại thị trường nên dùng theo liều lượng hướng dẫn.

– Cách 5: Dùng các chế phẩm sinh học

Các chế phẩm không chỉ giúp cân bằng pH trong ao tôm nhanh, hạ pH tốt mà còn cung cấp thêm các vi sinh có lợi, tốt cho hệ sinh thái, gây màu nước đẹp phù hợp.

Lưu ý về pH trong ao nuôi tôm bà con cần quan tâm

Trong quá trình nuôi tôm bà con chú ý quản lý các thông số môi trường ao nuôi tốt. Thường xuyên quan sát màu nước, sử dụng máy đo pH để đo độ pH chính xác. Từ đó kịp thời xử lý, tránh xảy ra các rủi ro không đáng có.

Độ pH trong ao nuôi tôm thường tăng vào ban ngày và giảm về ban đêm, vì vậy bà con cần đo pH mỗi ngày ít nhất 2 lần để theo dõi, nhận biết nguyên nhân biến động và có cách xử lý nước có độ pH cao một cách kịp thời.

Hy vọng những kiến thức về pH và cách hạ pH trong ao nuôi tôm được Biogency chia sẻ qua bài viết này sẽ giúp ích cho bà con trong quá trình nuôi tôm của mình. Nếu có khó khăn nào trong quá trình nuôi tôm thẻ, bà con có thể liên hệ ngay số HOTLINE 0909 538 514, đội ngũ kỹ sư thủy sản của Biogency luôn sẵn sàng hỗ trợ. Chúc bà con có những vụ nuôi tôm thành công!

>>> Xem thêm: Xử lý nước ngay từ đầu vụ nuôi giúp tôm phát triển khỏe, đề kháng cao