Tỏi là loại thảo dược đã được sử dụng rộng rãi trong nuôi tôm với khả năng kháng bệnh tốt. Thế nhưng, cho tôm ăn tỏi nhiều có tốt không? Hãy cùng Biogency tìm hiểu câu trả lời qua bài viết dưới đây.
Công dụng của tỏi trong nuôi tôm
Tỏi dùng trong nuôi tôm như một chất để thay cho kháng sinh. Từ việc hạn chế sử dụng các loại kháng sinh, hạn chế hiện tượng kháng thuốc của vi khuẩn đến không để lại dư lượng khi thu hoạch là điều mà bà con đánh giá rất cao ở công dụng của tỏi đối với tôm nuôi.
Tỏi là chất kích thích miễn dịch tự nhiên cho tôm, có khả năng ức chế, kháng vi khuẩn gây bệnh, ký sinh trùng và cả virus. Với tình hình dịch bệnh trên tôm đang diễn ra ngày một phức tạp ở nhiều nơi, các loại thuốc đặc trị và kháng sinh đang được sử dụng tràn lan nhưng đa số trường hợp vẫn không trị khỏi bệnh cho tôm, nhiều bà con đã tìm đến những phương pháp dân gian, và chiết xuất tỏi là một trong những loại thuốc được tin dùng.
Tỏi còn kích thích hoạt động bắt mồi của tôm bởi nó chứa các hợp chất gốc Lưu huỳnh tạo mùi. Có một số nghiên cứu cho rằng bổ sung tỏi trong trong thức ăn giúp bảo vệ ống tiêu hóa, hỗ trợ sự phát triển các sinh vật có lợi trong thành ruột làm tăng khả năng tiêu hóa cho tôm. Ngoài ra các Acid Amin, Vitamin, khoáng chất như Selen, Kẽm,… những thành phần dinh dưỡng trong tỏi cũng góp phần tăng tốc độ sinh trưởng và tăng chất lượng thịt của tôm hay cá.
Tuy nhiên, để hỗ trợ tối đa công tác phòng trị bệnh cho tôm thì việc sử dụng tỏi đúng cách là rất quan trọng.
Cho tôm ăn tỏi nhiều có tốt không?
Mặc dù tỏi có nhiều công dụng đối với tôm, thế nhưng việc cho tôm ăn tỏi nhiều cũng chưa hẳn sẽ mang lại nhiều hiệu quả như mong đợi. Quá nhiều một hoặc nhiều chất đưa vào một cơ thể sống đều không tốt, không những tỏi mà các loại thảo dược khác đều như vậy, bà con nên sử dụng đúng liều, đủ cữ và tần suất phù hợp với hiện trạng của mỗi ao tôm.
Cụ thể khi cho tôm ăn tỏi:
- Không nên cho tôm ăn quá nhiều tỏi trong một lúc, chúng sẽ làm hệ tiêu hóa của tôm có thể bị rối loạn nhất là cho ăn lúc đói.
- Trong tỏi có chứa chất Alliin – đây là một Axit Amin hữu cơ khi đập dập, chất này sẽ kết hợp với Allicinase có trong tỏi để biến thành Allicin. Khi cho tôm ăn tỏi, bà con nên giã nhuyễn ra để tỏi phát huy công dụng của nó vì trong nhánh tỏi nguyên chất Alliin chưa hình thành (chỉ khi đập dập thì Alliin kết hợp với Allicinase sinh ra Allicin).
- Không nên nấu chín tỏi vì ở nhiệt độ cao hoạt chất Allicin sẽ phân hủy và giảm tác dụng (Allicin kém bền, không tồn tại lâu trong điều kiện môi trường bên ngoài).
- Tỏi có khả năng diệt khuẩn vì vậy các lợi khuẩn cũng có thể bị tiêu diệt, nên bổ sung thêm men vi sinh đường ruột để các lợi khuẩn có nhiều hơn, bảo đảm hệ miễn dịch tôm tốt.
- Nếu dùng tỏi trộn với các loại thuốc, men nên tìm hiểu và tham khảo trước tránh các tác dụng đối ngược nhau ảnh hưởng lên tôm.
Một số cách dùng tỏi đúng trong nuôi tôm
– Cách 1: Dùng rượu tỏi trộn vào thức ăn cho tôm ăn
Sử dụng rượu tỏi bằng cách giã nhuyễn 1kg tỏi tươi, sau 15 phút cho vào bình chứa 1 lít rượu 45 độ, đậy kín nắp bình. Sau 5-7 ngày lọc lấy nước, trộn cho tôm ăn sẽ giúp tôm có đường ruột khỏe, hạn chế mắc bệnh phân trắng nguy hiểm. Liều lượng được khuyến cáo là 10ml trộn với 1kg thức ăn, ngày cho ăn 3 cữ, tôm 10 ngày tuổi trở đi là có thể dùng được. Nên sử dụng rượu tỏi đủ thời gian ngâm, không nên ngâm quá lâu.
– Cách 2: Cho tôm ăn tỏi giã trực tiếp
Sử dụng tỏi giã trực tiếp cho ăn định kỳ để phòng bệnh. Giã nhuyễn 10-15g tỏi sau đó trộn với 1kg thức ăn, ngâm 5-10 phút rồi cho tôm ăn. Tần suất mỗi tháng 1 đợt ăn, mỗi đợt từ 3-5 ngày.
Kinh nghiệm cho bà con là chúng ta có thể mua tỏi loại 2, loại 3 trên thị trường (là những củ tỏi bị nám hoặc hơi xấu) người ta không dùng trong chế biến thức ăn cho con người. Tỏi đó bà con mua về vẫn có thể dùng cho tôm được, hiệu quả vẫn đảm bảo và giá thành rất rẻ, giảm được nhiều chi phí cho bà con.
Với những ứng dụng tuyệt vời và đa dạng cách thức sử dụng bà con có thể cân nhắc sử dụng tỏi như một loại thảo dược phòng trị bệnh tôm, nuôi tôm theo hướng không kháng sinh để cho ra những mùa vụ thành công, ít rủi ro bệnh tật, tôm về đích an toàn đạt lợi nhuận cao. Liên hệ HOTLINE 0909 538 514 để được hướng dẫn thêm về việc cho tôm ăn tỏi cũng những giải đáp những khó khăn khác trong quá trình nuôi tôm thẻ chân trắng. Chúc bà con vụ những mùa bội thu!
>>> Xem thêm: Thảo dược phòng trị EHP trên tôm