Trong những năm gần đây dịch bệnh hoành hành, các mầm bệnh tác động trực tiếp đến gan tụy tôm ngày càng nhiều và chúng ảnh hưởng lớn đến năng suất của bà con. Qua bài viết này BIOGENCY tổng hợp đến bà con các dấu hiệu nhận biết tôm đang bị bệnh gan tụy nói chung để có cách phòng tránh và điều trị kịp thời.
Một số bệnh gan tụy mà tôm thường mắc phải trong quá trình nuôi
Gan tụy là cơ quan lớn nhất, rất quan trọng trong cơ thể tôm và nó là cơ quan yếu thứ hai chỉ sau vỏ tôm.
Gan tụy là tuyến ruột giữa, nằm ở phần sau của ngực và ở phần bụng trước tim có màu nâu vàng, đi theo 1 cặp. Những bệnh về gan, tụy phổ biến trong những năm gần đây trong nuôi tôm nhất là nuôi siêu thâm canh đó là: Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND); bệnh vàng gan hay bệnh đầu vàng khi thấy biểu hiện phần đầu tôm có màu vàng; bệnh nhũn gan, teo gan.
Hình 1. Cấu trúc của con tôm, phần gan tụy nằm ở tuyến ruột giữa, phần sau của ngực.
Sau khi thả tôm, tôm có thể xuất hiện các bệnh gan tụy ở giai đoạn khoảng 10 ngày sau thả, tuy nhiên giai đoạn mẫn cảm nhất là ở giai đoạn nuôi từ 20 ngày đến 45 ngày tuổi. Tỷ lệ tôm bị nhiễm bệnh và chết có thể tăng cao (lên đến 100%). Ảnh hưởng của mầm bệnh này rất nguy hiểm:
- Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) gây ra hội chứng tôm chết sớm (EMS), ảnh hưởng lớn đến năng suất thu hoạch.
- Bệnh gan tụy nói chung tiềm ẩn trong ao có khả năng lây nhiễm, chết hàng loạt mà khó có thể cứu chữa triệt để.
- Bệnh gan tụy trực tiếp gây ra chết tôm, không thông qua các tác nhân khác.
- Xem thêm: Những bệnh về gan mà tôm dễ mắc phải >>>
Dấu hiệu nhận biết của bệnh gan tụy
– Quan sát màu sắc của gan tôm:
Màu bình thường của gan tụy tôm là nâu vàng, nâu đen. Nếu trường hợp quan sát thấy các màu sắc sau đây thì khả năng tôm đã nhiễm bệnh:
- Gan đỏ: Gan nhiễm vi khuẩn, viêm, hệ miễn dịch suy yếu.
- Gan vàng: Khả năng tiêu hóa của tôm gặp bất thường, các chất dinh dưỡng không được chuyển hóa đầy đủ.
- Gan trắng: Xuất hiện sau khi gan tôm bị nhiễm độc tố hay vi khuẩn, gặp tình trạng rối loạn chuyển hóa năng lượng.
- Gan đen: Dư lượng thuốc hoặc các tế bào giải độc gan chết.
Hình 2. Màu sắc của gan tụy tôm đã nhiễm AHPND.
– Quan sát hình dạng của gan tôm:
- Gan bè ra hay gọi sưng gan sẽ có hiện tượng xuất huyết, hồng gan; đỏ gan, kích thước rộng quá hai mép mang, màng bao gan mờ nhạt, khi kiểm tra sẽ nhận thấy ống gan bị vỡ và có dịch màu vàng tanh.
- Gan teo: Gan teo nhỏ, kích thước giảm, gan có màu đen, khối gan tụy dài và khó tách.
- Khi soi tươi trên kính sẽ thấy giọt dầu trong ống gan không đều, ống gan bị teo lại, thể Vermiform xuất hiện.
Khi nhìn thấy các dấu hiệu trên, bà con nên đi kiểm tra tôm ngay lập tức tại các phòng lab, kiểm tra PCR để cho ra kết quả chính xác và nguyên nhân gây bệnh từ đó có hướng giải quyết kịp thời, tránh thất thu nặng.
Phát hiện tôm nhiễm bệnh gan tụy, bà con cần làm gì?
Trong trường hợp ao nuôi tôm của bà con gặp phải những dấu hiệu của bệnh gan tụy như đã đề cập, tốt nhất bà con nên lập tức tìm giải pháp khắc phục, tránh để bệnh lâu ngày sẽ dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng và gây chết tôm hàng loạt trên ao nuôi. Dưới đây là một số biện pháp mà bà con có thể thực hiện:
- Hãy kiểm tra mật độ vi khuẩn nước ao nuôi tôm, trong đất và trên tôm giống để xác định rõ loại bệnh gan tụy gây ra cho tôm. Từ việc biết rõ nguyên nhân gây bệnh sẽ có hướng điều chỉnh và phương pháp kịp thời.
- Mỗi loại bệnh lý gan tụy sẽ có những cách điều trị khác nhau nhưng hầu hết chúng đều nguy hiểm và không thể chữa trị hoàn toàn. Tránh tôm nhiễm bệnh trong quá trình nuôi bà con nên chủ động hơn trong việc phòng ngừa bệnh, sử dụng những phương pháp nuôi an toàn, hạn chế mầm bệnh lây nhiễm chéo. Xem chi tiết: Cách trị bệnh gan tụy cấp tính ở tôm thẻ chân trắng >>>
- Xem thêm phương pháp nuôi tôm hạn chế thay nước, giảm rủi ro nhiễm vi khuẩn bệnh: Click tại đây >>>
Bài viết trên là thông tin về 1 số dấu hiệu quan sát bệnh gan tụy trên tôm trong quá trình nuôi, hy vọng sẽ giúp ích được cho bà con. Nếu có khó khăn trong quá trình nuôi tôm thẻ, bà con có thể liên hệ ngay số HOTLINE 0909 538 514, đội ngũ kỹ sư thủy sản của Biogency luôn sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành với mọi vụ nuôi của bà con.
>>> Xem thêm: Dấu hiệu tôm bị bệnh đường ruột. Cách xử lý và phòng ngừa hiệu quả