Đối với bà con nuôi tôm thẻ chân trắng thì căn bệnh đỏ đuôi ở tôm đã không còn xa lạ. Tuy nhiên không phải ai cũng thực sự hiểu rõ về nó. Chính vì thế bài viết này sẽ giúp bà con nắm rõ hơn về căn bệnh đỏ đuôi ở tôm để có thể có những phương án phòng tránh và xử lý kịp thời.
Bệnh đỏ đuôi ở tôm thẻ chân trắng là gì?
Bệnh đỏ đuôi ở tôm thẻ còn được gọi với tên khoa học là hội chứng virus Taura (thường viết tắt là TSV). TSV là một dạng virus Picornavirus, thuộc họ Picornaviridae không có vỏ, kích thước của chúng là 30 – 32nm, tái tạo trong tế bào của vật chủ.
Bệnh đỏ đuôi có tốc độ lây lan rất nhanh, thời gian ủ bệnh cao và tốc độ lây nhiễm nhanh. Chí vì lý do đó mà rất nguy hiểm đối với tôm nuôi. Ao tôm mắc bệnh đỏ đuôi có khả năng bị chết tôm trên diện rộng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Tỷ lệ chết của ao tôm nhiễm bệnh có thể giao động từ 40% – 100%.
Thông thường bệnh đỏ đuôi ở tôm thẻ chân trắng sẽ xuất hiện khi tôm ở giai đoạn từ 14 – 45 ngày tuổi, trọng lượng vào khoảng từ 0.05g – 7g/con.
Hình 1. Tôm thẻ chân trắng bị nhiễm bệnh đỏ đuôi.
Nguyên nhân tôm thẻ bị bệnh đỏ đuôi
Bệnh đỏ đuôi ở tôm thẻ chân trắng xuất hiện khi tôm bị nhiễm virus Picornavirus gây bệnh như phần trên đã đề cập. Virus gây bệnh đỏ đuôi sẽ tấn công chủ yếu vào biểu mô dưới vỏ, ruột giữa, ruột sau, mang, phần phụ, mô liên kết, cơ quan tuyến máu, cơ quan lympho và tuyến râu của tôm. Các cơ quan nội tạng có nguồn gốc nội bì như gan, tụy, ruột giữa, manh tràng ruột giữa, dây thần kinh, cơ trơn, cơ vân, tim không có dấu hiệu mô bệnh học của virus và thường không nhiễm virus.
Bệnh đỏ đuôi thường sẽ lây truyền chủ yếu theo chiều ngang (từ nước nhiễm bệnh, từ tôm bệnh sang tôm khỏe, từ các côn trùng trong nước). Phân chim sau khi ăn tôm bệnh cũng có khả năng lây truyền trong 48 giờ.
Nguyên nhân chính yếu và cụ thể hơn gây ra bệnh đỏ đuôi ở tôm thẻ chính là môi trường nước nuôi. Khi môi trường nước nuôi trở nên xấu đi sẽ khiến các chức năng của tôm bị suy giảm. Từ đó sức đề kháng của tôm cũng giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho các virus gây bệnh tấn công tôm nuôi trong ao.
Dấu hiệu nhận biết tôm bị bệnh đỏ đuôi
Cũng như các loại bệnh khác trên tôm, khi bị nhiễm bệnh đỏ đuôi tôm cũng sẽ bị giảm sức ăn, vò mềm, bơi lờ đờ,… Tuy nhiên bệnh đỏ đuôi ở tôm thẻ thường khó nhận biết được chính xác bằng mắt thường vì đường kính của bệnh phẩm rất nhỏ và trôi nổi lơ lửng trong môi trường nuôi. Tuy nhiên tùy thuộc vào từng giai đoạn mà vẫn có những đặc trưng để giúp bà con nhận biết được tôm đã bị nhiễm bệnh.
– Giai đoạn cấp tính:
Ở giai đoạn này, bà con có thể thấy những dấu hiệu lâm sàng trên tôm như sau:
- Tôm trở nên yếu, lờ đờ, hấp hối, mềm vỏ, ruột trống và không có thức ăn.
- Đuôi tôm phồng chuyển màu đỏ, đây chính là lý do chúng ta đặt tên cho bệnh là bệnh đỏ đuôi. Không chỉ đuôi chuyển màu đỏ, các tế bào sắc tố đỏ cũng sẽ phát triển lên phần thân, râu, chân đuôi (mái chèo) một cách rõ ràng.
- Khi lột xác sẽ thấy có tôm bị chết. Lý do của việc này là trước khi lột xác, những tế bào biểu mô hoạt động là những tế bào đích của virus gây bệnh.
Virus gây bệnh đuôi đỏ khi đã tồn tại được trên tôm sẽ bắt đầu thay đổi những chức năng bình thường của các tế bào vỏ tôm (biến đổi các chức năng tạo vỏ và chuyển hoá canxi từ vỏ cũ sang vỏ mới). Điều này khiến vỏ mới của tôm bị hư hại và không đủ cứng để bảo vệ tôm khiến tôm chết trong quá trình lột xác. Nếu tôm sống lột vỏ được, chúng vẫn có thể hồi phục và sinh trưởng bình thường, dù vẫn nhiễm liên tục virus.
- Quan sát kỹ tôm, tại khu vực bờ rìa của các chân bơi, chân đuôi dưới kính hiển vi X10 thấy có dấu hiệu biểu bì hoại tử. Sự dày mọng của các mép chân bơi, chân bò và đuôi tôm. Tất cả những điều này là dấu hiệu của việc tôm sắp bị hoại tử cục bộ.
Hình 2. Dấu hiệu nhận biết tôm thẻ chân trắng bị nhiễm bệnh đỏ đuôi.
– Giai đoạn chuyển tiếp:
Trong giai đoạn chuyển tiếp, tôm sẽ có các đốm đen trên biểu bì. Tôm có thể có hoặc không có dấu hiệu phồng đuôi và chuyển màu đỏ. Giai đoạn này chỉ xuất hiện vài ngày trong thời gian ao nuôi bùng phát dịch bệnh.
Hình 3. Tôm nhiễm bệnh đỏ đuôi sẽ có các đốm đen trên biểu bì (thân) – Nguồn ảnh: Aquanetviet.com.
Các đốm đen xuất hiện trên thân tôm chính là các đốm melanin và có hình dạng bất thường. Nguyên nhân xuất hiện các vết đốm này chính là kết quả của quá trình tích lũy các tế bào máu để làm lành tổn thương trên biểu mô do virus gây bệnh đỏ đuôi.
– Giai đoạn mãn tính:
Khi tôm nhiễm bệnh đỏ đuôi ở giai đoạn mãn tính, có thể sẽ không có biểu hiện ở bên ngoài, mô bệnh lúc này chỉ có trong tổ chức lympho của tế bào.
Tôm bệnh ở giai đoạn cấp tính có tỷ lệ chết có thể lên tới 40 – 100%, tuy nhiên nếu còn sống sót thì khả năng sống có thể đạt 60%. Lúc này đồng nghĩa với việc tôm lột xác thành công và vượt qua được bệnh nhờ khả năng miễn dịch tự nhiên. Nhờ lột xác thành công nên các đốm đen melanin trên thân cũng sẽ biến mất.
Bà con cần lưu ý, dù tôm có thể vượt qua và sống sót nếu khả năng miễn dịch tự nhiên tốt. Tuy nhiên, thành phẩm tôm đầu ra sẽ không đạt được số lượng, chất lượng và giá tốt như mong muốn.
Cách phòng ngừa bệnh đỏ đuôi ở tôm thẻ
Để đảm bảo được một mùa vụ thành công thì bà con cần nắm được rõ các biện pháp phòng ngừa bệnh cho ao tôm của mình. Bà con có thể tham khảo các phòng ngừa bệnh đỏ đuôi ở tôm thẻ sau đây:
– Chọn tôm giống chất lượng:
Việc chọn tôm giống ban đầu đóng vai trò rất quan trọng, tôm giống chất lượng và không mang mầm bệnh sẽ hạn chế tối đa khả năng bùng phát dịch bệnh đỏ đuôi.
Tôm giống chính là mấu chốt trong công tác phòng ngừa bệnh đỏ đuôi ở tôm thẻ chân trắng. Bà con cần chọn tôm giống từ các nhà cung cấp tôm giống uy tín trên thị trường. Tôm giống chất lượng cần đáp ứng được các tiêu chuẩn sau:
- Tôm khoẻ mạnh, linh hoạt, phản ứng nhanh nhẹn khi có tiếng động, bơi nhanh và mạnh theo chiều ngược dòng nước.
- Màu sắc của tôm tươi sáng, bóng sạch, đồng đều về kích cỡ, đầu tôm cân đối và đuôi tôm xòe.
- Quan sát rõ gan tụy của tôm. Khối gan tụy sẽ có màu nâu sẫm hoặc đen đồng đều (tùy thuộc vào loại thức ăn), gom gọn trên giáp đầu ngực của tôm giống.
- Đường ruột của tôm đầy thức ăn, thẳng và đều từ trên xuống.
– Quản lý môi trường nước ao nuôi tôm:
Bà con cần xây dựng quy trình tổng hợp về quản lý và xử lý môi trường nước ao nuôi. Bởi vì bản chất của việc xuất hiện các mầm bệnh chính là do môi trường nước ao bị ô nhiễm, tạo điều kiện cho các loại virus gây bệnh phát triển.
Ngay từ đầu mùa vụ, chất lượng nguồn nước cấp vào ao cần phải được đảm bảo đã qua xử lý và lắng lọc, không chứa mầm bệnh. Ngoài ra, trong suốt quá trình nuôi, bà con cần bổ sung các chủng vi sinh vật có lợi vào ao, các chủng vi sinh này sẽ lấn át sự phát triển của virus gây bệnh đỏ đuôi, đồng thời hỗ trợ giữ màu nước ao nuôi.
Bà con có thể sử dụng sản phẩm men vi sinh Microbe-Lift AQUA C (men vi sinh chuyên xử lý nước ao nuôi) và men vi sinh Microbe-Lift AQUA SA (men vi sinh chuyên xử lý bùn đáy ao tôm). Hai loại men vi sinh này sẽ giúp làm sạch nước ao, tạo màu nước ao, phân hủy các chất hữu cơ (Bao gồm: Chất thải, thức ăn thừa, tảo có hại, nhớt bạt,…). Từ đó tạo môi trường lý tưởng nhất cho tôm phát triển khỏe mạnh.
Hình 4. Men vi sinh Microbe-Lift AQUA C và AQUA SA giúp tạo môi trường nước lý tưởng nhất cho tôm phát triển khỏe mạnh.
Ao nuôi cần được đảm bảo sục khí liên tục, đảm bảo lượng oxy hòa tan trong nước đủ để cung cấp cho tôm. Đồng thời cũng cần đảm bảo độ pH > 8 cho ao.
– Bổ sung khoáng chất và men tiêu hoá tăng sức đề kháng cho tôm:
Như đã có nói ở phần trên, tôm nuôi vẫn có thể vượt qua được căn bệnh đỏ đuôi nhờ vào khả năng miễn dịch tự nhiên. Chính vì lý do đó mà bà con nên bổ sung đầy đủ các khoáng chất và men tiêu hoá hỗ trợ đường ruột tôm khỏe mạnh, từ đó tăng cường sức đề kháng cho tôm trước các mầm bệnh.
- Bổ sung khoáng chất: Có 2 cách để bổ sung khoáng chất cho tôm nuôi là khoáng tạt ao tôm và khoáng trộn thức ăn. Để đảm bảo cho quá trình lột vỏ của tôm diễn ra thuận lợi thì việc bổ sung Ca, K, Mg cần phải được đảm bảo. Thời điểm tốt nhất để bổ sung khoáng chất cho tôm là vào buổi chiều hoặc vào ban đêm, lúc 10 – 12 giờ, vì tôm nuôi thường lột xác vào đêm.
- Bổ sung men tiêu hóa: Bà con có thể bổ sung men vi sinh đường ruột Microbe-Lift DFM trộn vào thức ăn để giúp bổ sung các lợi khuẩn cho tôm. Nhờ đó, ức chế được sự phát triển quá mức của hại khuẩn, phòng trị đỏ đuôi ở tôm hiệu quả.
Hình 5. Men vi sinh đường ruột Microbe-Lift DFM.
Trên thực tế, vẫn chưa có một quy trình xử lý hay điều trị bệnh đuôi đỏ ở tôm thẻ một cách cụ thể khi tôm đã nhiễm bệnh và bắt đầu chết. Chính vì vậy mà việc phòng ngừa mầm bệnh ngay từ đầu là hết sức quan trọng, giúp hạn chế tối đa thiệt hại cho vụ nuôi của bà con.
Vậy là bài viết này đã chia sẻ đến bà con các thông tin cần nắm về căn bệnh đỏ đuôi ở tôm thẻ chân trắng. Mong rằng với những thông tin này, bà con có thể có được một mùa vụ bội thu, không còn lo lắng về dịch bệnh đỏ đuôi. Nếu có khó khăn trong quá trình nuôi tôm thẻ, bà con có thể liên hệ ngay số HOTLINE 0909 538 514, đội ngũ kỹ sư thủy sản của Biogency luôn sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành với mọi vụ nuôi của bà con.
>>> Xem thêm: Làm thế nào để kiểm soát và phòng ngừa bệnh EHP trên tôm?