Trong nuôi nuôi tôm thẻ chân trắng, ngoài chất lượng nước thì con giống cũng là một yếu tố quan trọng giúp tăng thành công vụ nuôi. Nếu con giống không tốt sẽ dẫn đến hao hụt tôm, tôm chậm lớn, còi cọc và dễ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, cách để chọn được con giống tốt và ương con giống đúng cách luôn là nỗi trăn trở của bà con. Qua bài viết này, Biogency sẽ mách bà con ương tôm giống đúng cách trước khi thả nuôi giúp nâng cao chất lượng mùa vụ. Hãy cùng theo dõi nhé!
Vai trò của việc ương tôm giống
Ương tôm giống là quá trình thay đổi điều kiện sống của tôm Postlarvae từ môi trường bể xi măng ra môi trường tự nhiên. Tôm giống từ 10 – 15 ngày tuổi, việc thả nuôi sẽ dễ khiến tôm chết gây tổn thất lớn cho các hộ nuôi. Để khắc phục điều này, các hộ nuôi đã áp dụng biện pháp ương tôm giống. Việc ương tôm giống đúng cách sẽ giúp:
- Nâng cao tỷ lệ sống của tôm: Nếu bà con thả tôm giống trực tiếp xuống ao ngay sau khi bắt ở trại về thì tỷ lệ sống của tôm rất thấp. Để tăng tỷ lệ sống cho tôm, nhiều hộ nuôi đã đầu tư việc ương tôm giống trước khi thả nuôi.
- Giảm tỷ lệ hao hụt tôm giống: Thông thường, tôm mua trực tiếp tại trại và thả xuống ao thì sẽ hao hụt rất lớn (hơn 20%). Vì ở giai đoạn này, tôm còn rất nhỏ và yếu khiến tỷ lệ sống sót thấp. Bên cạnh đó, tỷ lệ này còn có thể cao hơn đối với những tôm giống yếu, vận chuyển quãng đường xa, đóng gói không tốt.
- Giảm chi phí con giống tối đa: Đối với một số hộ nuôi, bà con thường sử dụng con giống thả trực tiếp xuống ao, điều này làm tỷ lệ tôm sống sót rất thấp, vì tôm còn nhỏ chưa thích nghi được với môi trường. Chính vì vậy, khi ương tôm giống, bà con có thể tiết kiệm được chi phí tối đa về con giống, tránh trường hợp thả tôm trực tiếp xuống ao không qua ương dưỡng làm tôm chết, phải thay đổi giống và vệ sinh lại ao.
Hình 1. Ương tôm giống đúng cách mang lại nhiều lợi ích cho bà con nuôi tôm.
Cách ương tôm giống đúng trước khi thả nuôi giúp nâng cao chất lượng mùa vụ
Thông thường tôm giống mua từ trại về (PI10-PI15) sẽ được ương dưỡng 10 – 20 ngày trước khi thả nuôi. Trong thời gian này, tôm giống được ương dưỡng và chăm sóc rất cẩn thận. Tôm được ương trong ao vèo, bể xi măng hoặc composite. Khi ương tôm giống thì chi phí ban đầu khá lớn nhưng cách này mang lại hiệu quả cao vì người nuôi có thể dễ dàng chăm sóc và quản lý tôm giống.
Tôm thường chết ở giai đoạn 20 – 30 ngày tuổi, vì vậy, khi ương tôm giống qua giai đoạn này thì tôm sẽ phát triển tốt, tránh được nhiều rủi ro. Nếu quan sát thấy tôm có hiện tượng yếu và nhiễm bệnh, thì có thể hủy ao, ương dưỡng lại. Điều này sẽ không tốn quá nhiều chi phí cho người nuôi.
Hình 2. Mô hình bể ương tôm giống trong trại giống.
– Cách chọn tôm giống chất lượng tốt để quá trình ương nuôi đạt hiệu quả cao:
- Để ương tôm giống đạt hiệu quả, bà con nên lựa chọn tôm giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, con giống có kích cỡ đồng đều, đã được kiểm dịch, số lượng tôm lệch size không quá 5%.
- Tôm giống có chiều dài ≥ 10mm, quan sát bằng mắt thường có thể thấy tôm không bị dị hình, chùy, râu thẳng, đuôi xòe. Màu sắc sáng trong, vỏ bóng mượt, râu thẳng kéo dài đến đuôi, phản ứng nhanh nhẹn khi có tác động đột ngột. Phản ứng bắt mồi, ruột đầy.
- Quan sát dưới kính hiển vi các bộ phận chùy, râu, thân, ngực, chân đuôi, đốt đuôi không có nguyên sinh vật lạ ký sinh, không có các tổn thương trên vỏ tôm.
- Khi quan sát trong bể: tôm hoạt động mạnh, bơi lội nhiều, bám thành bể, khi đưa vào chậu khoảng 10 lít nước , xoay tròn dòng nước. Tôm bơi tủa ra xung quanh và bơi ngược dòng, không tụ vào giữa chậu khi nước ngừng xoay.
– Cách thả tôm giống khi ương đạt tỷ lệ sống cao:
Để ương tôm giống đạt tỷ lệ sống cao, bà con có thể tham khảo các bước dưới đây:
Giai đoạn 1: Trước khi thả giống để ương tôm
- Bà con nên kiểm tra độ mặn và pH của ao trước 2 – 3 ngày, và báo cho trại giống biết. Điều này giúp bà con có thể khống chế được sự chênh lệch của độ mặn giữa ao nuôi và trong bể giống không quá 5‰.
- Toàn vùng nuôi nên tập trung thả giống trong 3 – 4 ngày. Cần chạy quạt nước 8 – 12 giờ trước khi thả giống để đảm bảo lượng oxy hòa tan trong ao phải lớn hơn 6 mg/l đối với tôm thẻ chân trắng, sau đó tắt quạt và tiến hành thả giống.
Giai đoạn 2: Trong khi thả giống ương tôm
- Không nên thả tôm giống vào những ngày mưa hoặc gió mùa. Tốt nhất nên thả tôm giống vào những ngày nắng nhẹ, thả tôm vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát để tránh làm sốc tôm. Thả tôm ở đầu gió để tôm có thể phân tán đều khắp ao.
- Sau khi tôm giống giống được vận chuyển tới ao, cần cho túi chứa tôm xuống ao ngâm 15 – 20 phút để cân bằng nhiệt độ giữa túi tôm và môi trường ao. Có 2 cách để bà con có thể thả tôm giống xuống ao trong giai đoạn này là:
+ Cách 1: (Trường hợp độ mặn không quá 5‰). Sau khi để 15 – 20 phút, túi tôm cân bằng với nhiệt độ môi trường, mở bao cho tôm bơi ra từ từ. Nên thả giống cách bờ 2 – 3 mét, thả nhiều điểm để tôm phân tán đều trong ao.
+ Cách 2: (Trường hợp độ mặn quá 5‰). Bà con chuẩn bị 1 cái thau lớn (khoảng 20 lít) và máy sục khí. Đổ các bọc tôm giống vào thau, mật độ khoảng 10,000/thau và bắt đầu sục khí, tiếp tục cho thêm nước ao từ từ vào thau để tôm thích nghi với môi trường nước ao. Sau 10 – 15 phút, nghiêng thau cho tôm bơi ra từ từ. Theo cách này, những con giống chết sẽ tụ lại dưới đáy thau.
Giai đoạn 3: Sau khi thả giống ương tôm
Bà con nên thường xuyên quan sát xem tình trạng của tôm sau khi thả giống. Đặc biệt các chỉ tiêu sau:
- Điều chỉnh pH ở mức 7.5 – 7.8, biến động pH buổi sáng và chiều không quá 0.5 độ.
- Độ kiềm cần giữ ở mức 150 – 180, tránh trường hợp tôm thả vài ngày thì kiềm xuống thấp, làm suy giảm hệ sinh vật có lợi trong ao dẫn đến ao nuôi mất màu nước, đồng thời tạo điều kiện cho các vi khuẩn có hại tăng mạnh gây hại cho tôm.
- Luôn đảm bảo lượng oxy hòa tan trong ao > 4 ppm.
- Ngoài ra, bà con nên bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng cho tôm và hạn chế tình trạng sốc do thay đổi môi trường.
Hình 3. Tôm sau khi ương được thả trực tiếp xuống ao.
– Các lưu ý khi ương tôm giống:
- Bà con nên lưu ý cung cấp đủ oxy vào ao vèo và bể. Đối với các ao vèo, ngoài hệ thống lắp đặt quạt nước bà con nên bổ sung hệ thống oxy đáy.
- Ao vèo hay bể cần có hệ thống mái che bằng lưới để có thể cản nắng mưa, hạn chế sự phát triển của tảo và đặc biệt hạn chế sự ảnh hưởng của thời tiết trong thời gian ương nuôi. Ngoài ra, hệ thống lưới che còn hạn chế sự tấn công của các loài chim, chuột, rắn,…
- Đối với ao vèo, để hạn chế việc xì phèn, pH thấp, mầm bệnh,.. bà con nên sử dụng bạt lót dưới dưới đáy.
- Cho tôm giống ăn và chăm sóc tôm giống như tôm mới thả xuống ao. Có thể xi phông đáy bể để loại bỏ tôm chết và thức ăn dư thừa.
- Thường xuyên kiểm tra các yếu tố thủy lý, hóa lý để có các biện pháp xử lý kịp thời.
- Cần phải tính toán thời gian hợp lý sao cho vừa hết quá trình ương tôm giống là việc xử lý ao hoàn tất để có thể thả tôm giống xuống ao.
Việc ương tôm giống đem lại rất nhiều lợi ích và giúp tiết kiệm được chi phí cho bà con nuôi tôm. Bên cạnh đó, Biogency khuyến khích bà con nên sử dụng men vi sinh ngay từ đầu vụ nuôi để hạn chế tôm nuôi nhiễm bệnh. Ngoài ra, men vi sinh còn an toàn cho người nuôi tôm và tôm, thân thiện với môi trường. Nếu tính tổng chi phí sử dụng vi sinh cho một vụ nuôi thì rất tiết kiệm. Xem thêm: Giảm chi phí xử lý nước cho 1 vụ nuôi tôm bằng men vi sinh >>>
Hy vọng qua bài viết trên, Biogency sẽ giúp bà con hiểu rõ phần nào về những vấn đề xung quanh việc ương tôm giống, giúp cho những vụ nuôi tôm đạt hiệu quả cao. Mọi thắc mắc xin liên hệ ngay Biogency theo số HOTLINE 0909 538 514 để được hỗ trợ và giải đáp kịp thời. Biogency chúc bà con có một vụ mùa bội thu!
>>> Xem thêm: Ấu trùng tôm thẻ là gì? Cần cung cấp dinh dưỡng cho ấu trùng tôm thẻ như thế nào?