Glass post-larvae disease (GPD): Bệnh thủy tinh trên tôm thẻ chân trắng

Bệnh thủy tinh trên tôm thẻ chân trắng là mối đe dọa cấp bách đối với ngành tôm hiện nay, bệnh thường lây nhiễm vào ấu trùng tôm, khả năng gây tử vong cao, nhất là giai đoạn PL4-PL7. Bài viết này bà con cùng BIOGENCY điểm qua những thông tin cơ bản về căn bệnh mới này.

Glass post-larvae disease (GPD): Bệnh thủy tinh trên tôm thẻ chân trắng

Bệnh thủy tinh trên tôm thẻ chân trắng là gì?

Bệnh thủy tinh trên tôm thẻ chân trắng còn có tên là bệnh “mờ đục hậu ấu trùng” (TPD) hay “hậu ấu trùng thủy tinh” (GPD) là bệnh thường nhiễm trên tôm giống (tỷ lệ nhiễm trên 60%), tỷ lệ tử vong cao, nhất là trong giai đoạn từ PL4-PL7 (90-100% chỉ sau 1 ngày phát hiện dấu hiệu bất thường).

Triệu chứng lâm sàng của bệnh TPD gần giống với bệnh hoại tử gan tụy cấp, bao gồm gan tụy và ruột trắng trong suốt hoặc có thể nhợt nhạt và teo nhỏ, cơ thể trở nên trong suốt nên được gọi là Translucent post-larvae.

Glass post-larvae disease (GPD): Bệnh thủy tinh trên tôm thẻ chân trắng
Triệu chứng lâm sàng của tôm thẻ chân trắng nhiễm bệnh hậu ấu trùng thủy tinh (TPD).

Tổng quan các nghiên cứu về bệnh thủy tinh trên tôm thẻ chân trắng

Bệnh thủy tinh trên tôm thẻ chân trắng được phát hiện lần đầu tiên trong trại sản xuất giống tôm thẻ chân trắng ở Trung Quốc vào tháng 3 năm 2020 (Harkell L, 2020 và Zou Y et al, 2020).

Nguyên nhân gây bệnh được xác định là chủng vi khuẩn Vibrio Parahaemolyticus, cụ thể là Vp-JS20200428004-2 (loài này khác với loài gây bệnh hoại tử gan tụy cấp). Kết quả gây bệnh thực nghiệm bằng phương pháp ngâm với liều 1,83 × 106 CFU/mL, sau 40 giờ gây nhiễm cho tỷ lệ chết 100%, tôm thí nghiệm có các dấu hiệu bệnh giống như được mô tả ban đầu. Tuy nhiên, nghiên cứu này không đưa ra được chỉ thị DNA hay quy trình PCR để nhận diện Vibrio parahaemolyticus nên hiện tại không có thông tin để dùng PCR phát hiện bệnh này.

Glass post-larvae disease (GPD): Bệnh thủy tinh trên tôm thẻ chân trắng
Bệnh hậu ấu trùng mờ (TPD) thường lây nhiễm sang ấu trùng tôm. Ảnh: Hồng Thắm

Mới đây, Ailan Xu và cộng sự đã báo cáo bệnh TPD trên tôm thẻ chân trắng giống trên tạp chí Virus research (2023). Nhóm tác giả đã mô tả các dấu hiệu bệnh lý trên tôm bệnh giống như kết quả nghiên cứu của Zou Y và cộng sự năm 2020 đã mô tả.

Tuy nhiên, theo nhóm tác giả này thì tác nhân gây bệnh TPD trong nghiên này không phải do vi khuẩn mà là virus-RNA virus mới thuộc họ Marnaviridae được tìm thấy từ tôm bệnh và tạm được đặt tên là Baishivirus (GenBank: ON550424). Tác nhân gây bệnh cũng đã được kiểm chứng bằng gây bệnh thực nghiệm, quy trình Realtime RT-PCR để phát hiện bệnh cũng đã được nghiên cứu và giới thiệu.

Ở Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu của phòng nghiên cứu ShrimpVet (cuối tháng 8/2023 và đầu tháng 9/2023) đã phân lập được 5 chủng với đặc điểm của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus từ mẫu tôm chết đột ngột nghi ngờ do TPD ở trại giống tại Việt Nam (các chủng này kiểm tra PCR âm tính với chủng V. parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (Tran L và cộng sự, 2013; Han và cộng sự, 2015)), cả 5 chủng nghi ngờ gây bệnh TPD đều có độc lực cao hơn so với các chủng Vibrio harveyi (không phát sáng, gây đục cơ), Vibrio parahaemolyticus(không gây EMS/AHPND), và Vibrio parahaemolyticusgây AHPND.

Theo kết luận ShrimpVet, các chủng vi khuẩn nghi ngờ gây bệnh TPD là những chủng V. parahaemolyticus mới gây bệnh TPD ở tôm nuôi. Các chủng này có độc lực cao hơn so với các chủng gây AHPND. Các chủng này có thể là một nguồn nguy cơ lớn cho ngành nuôi tôm ở Việt Nam và các nước khác. Cục Thủy sản đề xuất và kiến nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan giao Cục Thủy sản hoàn thiện các hướng dẫn ban đầu trên cơ sở khuyến cáo của các nhà khoa học hướng dẫn phòng bệnh TPD trên tôm để quản lý tốt chất lượng tôm giống sản xuất cung cấp cho nuôi thương phẩm.

Như vậy, các nghiên cứu đều nhận định bệnh TDP có mức độ cảm nhiễm và tỷ lệ gây chết cao, đặc biệt là giai đoạn PL4-PL7. Về triệu chứng tương tự nhau nhưng tác nhân gây bệnh có 2 kết luận là vi khuẩn và virus. Về đường lây truyền bệnh chưa có nghiên cứu nào chỉ ra. Trước mắt vi khuẩn gây bệnh TPD chưa có phác đồ điều trị, bà con có thể áp dụng các biện pháp phòng chống như:

  • Vệ sinh kỹ bể nuôi sau 1 mùa vụ, phơi khô ít nhất 15 ngày.
  • Sử dụng các dụng cụ che đậy ao, hồ ngăn chặn nguồn vi khuẩn lây lan trong không khí
  • Cấp nước đã được xử lý vào bể thông qua lưới lọc để tiêu diệt hoàn toàn các loại vi khuẩn hay vật chủ trung gian, tránh tối đa việc gây bệnh cho tôm giống.
  • Kiểm soát chặt chẽ từ tôm bố mẹ và tôm giống, nhất là nguồn thức ăn tươi sống.
  • Trước khi sử dụng các dụng cụ cần diệt khuẩn, khử trùng, các phương tiện vào trại tôm cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vệ sinh, tiêu độc, đảm bảo đầy đủ bảo hộ…
  • Nếu nhập tôm giống từ Trung Quốc cần xét nghiệm TPD và các loại bệnh phổ biến khác.
  • Đối với ao nuôi thương phẩm có các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát giống và đảm bảo nguồn nước được xử lý trong suốt vụ nuôi.
  • Đồng thời, việc tăng cường giáo dục cho người nuôi về các biện pháp phòng tránh và quản lý bệnh cũng đóng góp quan trọng vào việc kiểm soát bệnh ấu trùng thủy tinh. Các hộ nuôi được đào tạo để nhận biết các dấu hiệu ban đầu của bệnh, từ đó có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Để phòng bệnh trên tôm nói chung và bệnh thủy tinh trên tôm thẻ chân trắng nói riêng, trên hết bà con vẫn cần chú y tăng cường sức đề kháng của tôm, tạo điều kiện môi trường ao sạch để tôm phát triển thuận lợi. Nếu có bất cứ kỳ khó khăn nào, bà con có thể liên hệ trực tiếp đến HOTLINE 0909 538 514, đội ngũ kỹ sư thủy sản của BIOGENCY luôn sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành với mọi vụ nuôi của bà con.

>>> Xem thêm: Triệu chứng của bệnh ấu trùng thủy tinh ở tôm thẻ chân trắng