Phân trắng là một loại bệnh khá phổ biến đối với bà con nuôi tôm ngày nay. Bệnh thường xuất hiện từ những ngày nuôi thứ 50 trở đi. Tôm bị phân trắng khó trị dứt điểm và chưa có loại thuốc đặc trị. Vậy làm thế nào để xử lý tôm bị phân trắng khi mới phát hiện để giảm ảnh hưởng tới chất lượng vụ mùa cũng như cách phòng ngừa bệnh phân trắng trên tôm trong quá trình nuôi ra sao?
Những tác hại mà bệnh phân trắng gây ra cho tôm
Bệnh phân trắng trên tôm liên quan đến việc quản lý thức ăn và mật độ thả nuôi. Tôm nhiễm bệnh phân trắng thường xảy ra nhanh hơn đối với những ao nuôi có mật độ thức ăn dư thừa cao.
Tác hại đầu tiên mà bệnh phân trắng gây ra cho tôm là khiến tôm giảm ăn, những con tôm bệnh thường đen hơn tôm bình thường (sậm màu hơn). Khi tôm bị phân trắng cũng sẽ khiến ruột tôm có màu trắng, gan tụy cũng bị ảnh hưởng.
Thông thường, đối với những ao nuôi tôm bị phân trắng, người nuôi thường thu hoạch sớm so với mục tiêu ban đầu. Nếu tôm bị phân trắng giai đoạn đầu, có thể xử lý được thì tôm cũng sẽ bị rớt một phần. Một vài trường hợp nặng, dẫn đến chết tôm hàng loạt, sản lượng thu hoạch thấp. Vì bệnh phân trắng hiện nay chưa có thuốc đặc trị nên khi xuất hiện thường gây thiệt hại lớn cho bà con nuôi tôm.
Cách ngăn ngừa bệnh phân trắng trên tôm trong quá trình nuôi
Công tác phòng bệnh nên được ưu tiên hàng đầu vì “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Nguyên nhân gây bệnh phân trắng chủ yếu là do vi khuẩn Vibrio nên nguyên tắc phòng bệnh cơ bản nhất là ngăn ngừa chủng vi khuẩn Vibrio xâm nhập vào ao nuôi tôm. Các biện pháp để tránh vi khuẩn Vibrio xâm nhập vào ao như sau:
- Bà con nên biết rõ đặc tính của vi khuẩn Vibrio, tổng số vi khuẩn, tỷ lệ của hệ vi khuẩn ở tôm bằng cách cấy khuẩn trên môi trường TCBS (môi trường phân lập chọn lọc Vibrio), sau đó điều chỉnh hệ vi khuẩn theo hướng thích hợp để ngăn chặn bệnh phân trắng.
- Thường xuyên duy trì sự ổn định của quần thể lợi khuẩn cũng là một cách giảm mật độ vi khuẩn Vibrio trong ao. Bà con có thể thực hiện bằng cách:
+ Chuẩn bị ao nuôi thật tốt, đối với ao đất, toàn bộ chất cặn bã và bùn phải được loại bỏ hoàn toàn. Nước cấp vào ao phải được xử lý cẩn thận trước khi cấp vào ao để loại bỏ tạp chất, vi khuẩn gây bệnh.
+ Cấy khuẩn mẫu nước ao nuôi trước khi cấp nước vào ao trên môi trường cấy vi khuẩn TSA và TCBS, kiểm tra mật độ vi khuẩn tổng số và mật độ vi khuẩn Vibrio trong nước trước khi thả nuôi để tránh bệnh phân trắng. Nếu mật độ vi khuẩn Vibrio chiếm hơn 1/10 tổng số khuẩn lạc thì cần phải làm giảm trước khi thả tôm. Điều này rất quan trọng, bà con cần lưu ý để thực hiện tốt, giảm thiểu tình trạng bệnh phân trắng trên tôm thẻ chân trắng.
+ Không cho tôm ăn thức ăn dư thừa hoặc ăn quá lượng thức ăn trong 1 ngày. Lượng thức ăn đầu tiên khi thả giống có thể cho tôm ăn là 2kg/100.000 con và sau 30 ngày thả nuôi, lượng thức ăn không được vượt quá 200kg/100.000 con.
+ Duy trì hệ thống quạt nước và hàm lượng oxy hòa tan, đảm bảo oxy > 4mg/l.
+ Duy trì lợi khuẩn trong nước bằng các chế phẩm sinh học trước khi thả giống để ổn định nước và gây màu nước trước khi thả giống và giảm thiểu lượng khí độc sau khi thả giống.
+ Trong suốt quá trình nuôi, bà con nên thường xuyên kiểm tra mật số Vibrio trong nước để có hướng xử lý kịp thời. Có thể diệt khuẩn hoặc sử dụng vi sinh để xử lý tùy theo mật độ vi khuẩn trong ao. Nhiều nghiên cứu cho rằng một số Vibrio trong nước an toàn cho tôm ở mức ít hơn 1×10^5 CFU/g nhưng thực tế, nên điều chỉnh ở mức thấp hơn là 1×10^3 CFU/g.
- Lựa chọn tôm giống khỏe mạnh, không bị nhiễm EHP (enterocytozoon hepatopenaei). Tuy nhiên, không có nghiên cứu nào chỉ ra mối liên kết giữa EHP và phân trắng. Nhưng phần lớn những ao tôm nhiễm EHP thường chậm lớn và tôm sử dụng thức ăn không hiệu quả, kết quả làm môi trường bị suy thoái dẫn đến tôm bị phân trắng.
- Tôm ăn mồi liên tục và thường tìm thức ăn trên nền đáy, đặc biệt chúng có tập tính ăn thức ăn tự nhiên dưới đáy ao vào ban đêm nên dễ bị các loại hại khuẩn xâm nhập vào đường ruột gây nên bệnh phân trắng. Dựa theo đặc điểm này, bà con phải ức chế mật độ hại khuẩn trong ao nuôi ở mức thấp nhất bằng các lợi khuẩn, đồng thời phải đảm bảo nền đáy sạch giàu oxy.
- Thường xuyên trộn vi sinh vào thức ăn cho tôm cũng giúp ức chế vi khuẩn Vibrio trong đường ruột tôm. Bổ sung các hệ lợi khuẩn có lợi cho đường ruột tôm, giúp tôm tăng khả năng bắt mồi, hạn chế bệnh phân trắng. Xem thêm: Men đặc trị đường ruột tôm >>>
Khi tôm bị phân trắng nên xử lý như thế nào?
Bệnh phân trắng hiện chưa có thuốc đặc trị, nếu phát hiện ao nuôi tôm bị phân trắng giai đoạn đầu, bà con cần xử lý như sau:
- Đầu tiên cần cắt giảm 100% lượng thức ăn trong 2-3 ngày.
- Trong thời gian cắt giảm hoàn toàn thức ăn, nên chạy quạt mạnh để bổ sung lượng oxy và gom tụ chất thải. Nếu nước có nhiều chất lợn cợn có thể dùng vôi CaCO3 (15-20kg/1000m3 nước) hoặc CaCl2 (20kg/1000m3 nước) tùy theo độ đục.
- Dùng oxy viên để oxy hóa nền đáy ao nuôi, dùng 1-2kg/1000m2 dùng liên tục 2-3 ngày vào 9-10 giờ sáng.
- Dùng chế phẩm sinh học để cải tạo lại chất lượng nước ao.
- Trộn chế phẩm sinh học liều cao và trộn cho tôm ăn, liều lượng cho ăn bằng 30-50% lượng thức ăn trước khi cắt giảm.
Đối với ao nuôi tôm bị phân trắng, yếu tố chính quyết định tăng tỷ lệ sống của tôm và mức độ thành công là phục hồi chất lượng nước.
Cũng có rất nhiều bà con tuân thủ tuyệt đối việc quản lý ao nuôi và quản lý thức ăn nhưng ngày này, do điều kiện thời tiết và nhiệt độ tăng cao trong những năm gần đây làm nguyên nhân làm cho tôm bất ngờ ăn nhiều hơn hoặc ít hơn kỳ vọng, cũng làm cho tôm dễ mắc các bệnh về bệnh đường ruột hơn, trong đó có bệnh phân trắng. Bà con nên thường xuyên quan sát nước ao nuôi đặc biệt là sàn thức ăn và khu vực dưới gió để xem tôm có dấu hiệu phân trắng hay không.
Phương pháp phòng bệnh rất quan trọng, vì bệnh phân trắng chưa có thuốc đặc trị. Chính vì vậy, bà con nên thường xuyên quan sát tôm nuôi để kịp thời xử lý khi có vấn đề bất thường. Hy vọng qua bài viết trên, sẽ giúp bà con hiểu rõ hơn về tác hại khi tôm bị phân trắng cũng như cách phòng trị bệnh. Mọi thắc mắc bà con có thể liên hệ qua số HOTLINE 0909 538 514 để được hỗ trợ và giải đáp các thắc mắc. Biogency chúc bà con có một vụ mùa bội thu!
>>> Xem thêm: Xuất hiện tôm chết trong nhá, bà con cần làm gì?