Tôm thẻ chân trắng có thể thích nghi với độ mặn khác nhau, nuôi được ở nhiều môi trường, điển hình là nước ngọt, nước mặn và nước lợ. Đương nhiên sẽ có sự khác nhau mỗi môi trường nuôi về cách quản lý các thông số môi trường nước. Bài viết này hãy cùng Biogency tìm hiểu về sự khác nhau giữa nuôi tôm nước lợ và nuôi tôm nước mặn nhé!
Đặc điểm của nuôi tôm nước lợ và nước mặn
Thông số về độ mặn được quy định tương đối ở các môi trường nuôi là:
- Nước lợ nhạt: 0.5 – 4‰.
- Nước lợ vừa: 4 – 18‰.
- Nước lợ mặn: 18 – 30‰.
- Nước mặn: trên 30‰.
Nước lợ hay nước mặn sẽ tương ứng các chỉ số môi trường nước mà tôm sinh sống khác nhau, có những đặc điểm cần lưu ý sau:
- Độ mặn quá cao tại nước mặn ≥ 30 ‰, kéo theo độ kiềm biến thiên theo hướng tăng cao, thường khi đó độ kiềm ≥ 300 ppm. Ở độ kiềm này, pH trong ao thường cao ≥ 8,5, tảo phát triển rất mạnh gây hiện tượng tảo nở hoa.
- Khi độ mặn trong môi trường nước thấp tại nước lợ nhạt/vừa <10 ‰, gây nhiều khó khăn cho quá trình tồn tại, sinh trưởng của tôm thẻ chân trắng. Độ mặn trong nước thấp, thường thiếu nhiều loại khoáng quan trọng như Mg2+, Ca2+, K+…là những khoáng chất cần cho việc tạo vỏ của tôm.
- Nước lợ và nước mặn cũng sẽ có cách pha nước, điều chỉnh độ mặn khác nhau.
- Ngoài ra, tôm chịu ngưỡng khí độc NO2 trong nước lợ và mặn khác nhau. Khi nước mặn trên 20‰ tôm chịu nồng độ NO2 được khoảng 10-20mg/l. Nhưng khi nước lợ nhạt/lợ vừa thì NO2- đến mức 5-10 mg/l là tôm đã ngộp chết.
Tóm lại, thường tôm thẻ chân trắng chịu được ngưỡng độ mặn rộng từ “nước lợ vừa” đến “nước mặn” (5 đến 35‰ – là nước lấy tại các hồ, cửa sông, biển nội địa), tuy nhiên người nuôi nên quản lý chúng trong giới hạn tốt nhất đó là 10 đến 25‰, không nên vượt quá 30‰.
Những vấn đề cần lưu ý khi nuôi tôm nước lợ/nước mặn
– Khi nuôi tôm nước lợ (độ mặn thấp):
- Hạ mặn con giống: Khi mua tôm giống về thường đang ở độ mặn cao, trước khi thả cần hạ mặn tránh sốc tôm (3 giờ hạ/lần, không quá 2‰/lần).
- Bổ sung định kỳ khoáng và vitamin: Tôm thường bị thiếu nhiều khoáng chất Ca+, Mg+, Na+, K+… khi nuôi trong môi trường nước lợ dẫn đến tôm lột xác không đồng đều, dễ gặp tình trạng tôm rớt cục thịt, do đó bà con cần bổ sung định kỳ hàm lượng khoáng và trộn Vitamin vào thức ăn để tăng cường đề kháng cho tôm.
- Kiểm soát khí độc chặt chẽ: Khi đo thấy xuất hiện NO2 trong ao cần tiến hành xử lý ngay, không chủ quan. NO2 tại ao độ mặn thấp từ 5 mg/l bà con tiến hành thay nước 20% và dùng vi sinh xử lý khí độc để xử lý.
– Khi nuôi tôm nước mặn (độ mặn cao):
- Kiểm soát tảo: Độ mặn cao làm tảo dễ bùng phát sau đó dễ sụp tảo, gây ô nhiễm lớn trong ao. Kiểm soát tảo bằng cách duy trì tảo có lợi như tảo khuê, tảo lục và cắt tảo độc định kỳ.
- Kiểm soát độ mặn khi nhiệt độ môi trường tăng cao: Trong tâm điểm mùa hạn hán, nhiệt độ luôn duy trì cao, lượng nước bốc hơi rất nhanh, độ mặn nâng cao từng ngày. Nên kiểm soát độ mặn không quá 30‰, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tôm. Cần chú ý điều tiết, giảm độ mặn để đảm bảo quá trình phát triển ổn định của tôm nuôi. Giải pháp giảm mặn hiệu quả nhất là phải có ao lắng để chủ động trữ nước mưa, đảm bảo cung cấp nước trong mùa hạn mặn. Không nên dùng nguồn nước giếng khoan bơm trực tiếp vào vuông tôm để giảm độ mặn.
Một lưu ý chung cho bà con khi nuôi tôm là: Chú ý các thông báo quan trắc môi trường để lấy được nguồn nước đẹp, ở thời điểm tốt nhất. Sau khi lấy vào ao nuôi thì tiến hành diệt khuẩn lại. Đồng thời kiểm tra các yếu tố môi trường thường xuyên để chủ động xử lý.
Dù nuôi tôm nước lợ hay nuôi tôm nước mặn thì việc hiểu rõ quy trình nuôi và kiểm soát các điều kiện môi trường là rất quan trọng. Nếu có bất kỳ khó khăn nào trong quá trình nuôi tôm, bà con đừng ngần ngại liên hệ đến Biogency theo HOTLINE 0909 538 514, chúng tôi sẽ giải đáp nhanh nhất! Chúc bà con nuôi tôm thành công!
>>> Xem thêm: Cách diệt khuẩn ao để thả tôm khỏe, ít nhiễm bệnh