Phòng chống dịch bệnh trên tôm thẻ chân trắng

Chủ động phòng chống dịch bệnh trên tôm nói chung và tôm thẻ chân trắng nói riêng giúp tăng tỷ lệ thành công vụ nuôi, hạn chế nguy cơ lây lan, bùng phát dịch ra cộng đồng, giảm đáng kể thiệt hại nếu có.

Phòng chống dịch bệnh trên tôm thẻ chân trắng

Lo ngại dịch bệnh

Thời gian qua, công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nói chung và tôm thẻ chân trắng nói riêng ở nhiều địa phương trên cả nước đã được chú trọng hơn. Việc tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng cũng ngày càng được các hộ nuôi quan tâm. Tuy nhiên trên thực tế thiệt hại do dịch bệnh vẫn đang ở mức cao, tổng thiệt hại giảm chưa đáng kể. Nhìn chung, dịch bệnh vẫn là thách thức và là nỗi lo ngại lớn với người nuôi trồng tôm hiện nay.

Phòng chống dịch bệnh trên tôm thẻ chân trắng
Bệnh đục cơ trên tôm thẻ chân trắng.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2022, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là 23.438 ha tại 21 tỉnh, thành phố, tăng 15,5% so với năm 2021, trong đó diện tích thiệt hại xác định do dịch bệnh là 7.135 ha (chiếm 30,4% tổng diện tích tôm bị thiệt hại; tăng gần 42% so với cùng kỳ năm 2021), diện tích còn lại do chủ nuôi tôm, cơ quan thú y địa phương không lấy mẫu xét nghiệm bệnh (9.914 ha, chiếm 42,3%) và do các yếu tố khác như môi trường (6.389 ha, chiếm 27,3%).

Riêng từ đầu năm 2023 tới nay, cả nước có gần 4.024 ha tôm nuôi tại 7 tỉnh bị thiệt hại, trong đó khoảng 2.239 ha thiệt hại do dịch bệnh (chiếm 55,65%), còn lại 1.785 ha thiệt hại do môi trường, thời tiết và không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, số liệu dịch bệnh chưa sát với thực tế, có thể cao hơn nhiều so với số liệu báo cáo.

Theo ghi nhận của ngành thú y, hiện nay tôm nuôi thường mắc các bệnh phổ biến như: Hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), bệnh đốm trắng (WSD), bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHND), bệnh do vi bào tử trùng (EHP), hội chứng phân trắng… Hầu hết các bệnh này đều bắt nguồn từ tác nhân vi khuẩn.

Đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm

Công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm ở nước ta chưa đạt hiệu quả cao do còn gặp nhiều khó khăn như quá trình nuôi chịu chi phối bởi thời tiết biến động, vướng mắc trong quản lý môi trường ao nuôi cũng như trình độ kỹ thuật người nuôi còn hạn chế,…

Để có thể phát triển nghề nuôi tôm bền vững, tăng giá trị kinh tế cho các hộ nuôi thì công tác phòng chống dịch bệnh cần được tập trung chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng và người nuôi tôm.

Về phía các đơn vị chức năng cần:

  • Tích cực phối hợp với chính quyền thanh tra, kiểm tra các cơ sở, đại lý kinh doanh các vật tư phục vụ nuôi tôm nhằm hạn chế các loại thức ăn, hoá chất, thuốc không đảm bảo chất lượng.
  • Tổ chức liên kết sản xuất nhằm giảm các khâu trung gian trong cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nhằm giảm chi phí.
  • Tích cực tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn người nuôi biện pháp phòng, chống dịch bệnh,…
  • Khuyến khích các hộ nuôi ứng dụng các quy trình sản xuất nuôi tôm sinh học, nuôi tôm VietGap, các tiến bộ khoa học kỹ thuật để kiểm soát nguy cơ mầm bệnh xâm nhập, nâng cao chất lượng con tôm, tăng giá trị cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Phòng chống dịch bệnh trên tôm thẻ chân trắng
Người nuôi cần thường xuyên theo dõi sức khỏe tôm để có biện pháp xử lý kịp thời.

Để đối phó với vấn đề thời tiết, ngành nông nghiệp cần chú trọng hơn nữa quan trắc cảnh báo môi trường nuôi tôm để có thể hướng dẫn sản xuất hiệu quả. Về phía người nuôi cần thường xuyên theo dõi các thông báo để kịp thời phòng chống dịch bệnh cho tôm nuôi. Bên cạnh đó, áp dụng các mô hình nuôi tôm nhà kính công nghệ cao được xem là hướng đi mới để giảm sự phụ thuộc vào yếu tố thời tiết.

Về phía bà con nuôi tôm cần tích cực trang bị kiến thức, có phương án chủ động phòng ngừa dịch bệnh ngay từ bước đầu, lựa chọn con giống đã được kiểm định, tiến hành cải tạo ao nuôi kỹ càng trước khi thả tôm. Thường xuyên theo dõi môi trường ao, có biện pháp điều chỉnh xử lý kịp thời.

Đặc biệt, để hạn chế dịch bệnh, nhiều hộ dân đã và đang áp dụng mô hình nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học, hạn chế sử dụng hóa chất, kháng sinh, thay vào đó định kỳ sử dụng các chế phẩm sinh học để ổn định môi trường ao, tăng cường sức đề kháng cho tôm.

Đứng trước thực trạng nuôi tôm công nghiệp, siêu thâm canh còn nhiều bất cập, các chuyên gia nhận định, cách tốt nhất và thiết thực nhất để phòng chống dịch bệnh trên tôm là quản lý tốt môi trường ao nuôi, đồng thời chú trọng đến sức khỏe miễn dịch của con tôm.

>>> Xem thêm: Tôm rớt/tôm chết giai đoạn > 60 ngày tuổi, hiểu nguyên nhân và phòng tránh kịp thời