Có 2 nguyên nhân chính gây bệnh khó điều trị trên tôm thẻ chân trắng đó là bệnh do vi khuẩn và bệnh do virut gây ra, chúng đều có những cách nhận biết khác nhau và mức độ rủi ro cũng khác nhau. Tại phần bài viết hôm nay cùng tìm hiểu về 3 loại vi khuẩn có hại trong ao nuôi tôm cũng như căn bệnh mà chúng gây ra nhé!
Vi khuẩn Necrotizing Hepatopancreatitis (NHP) gây hoại tử gan tụy
Bệnh hoại tử gan tụy NHP gây ra bởi loài vi khuẩn gây bệnh, cơ thể loại Rickettsia, kích thước tương đối nhỏ, đa hình thể, gram âm nội bào bắt buộc. Vi khuẩn NHP có hai hình thái học một là vi khuẩn hình que; hai là vi khuẩn hình que xoắn ốc. Lần đầu tiên bệnh hoại tử gan tụy NHP/bệnh đốm đen do vi khuẩn hoại tử gan tụy Necrotizing Hepatopancreatitis – NHP được báo cáo ở Texas vào năm 1985 làm tôm chết và gây thiệt hại lớn về kinh tế ở khắp các trang trại nuôi tôm ở Trung và Nam Mỹ.
NHP hoàn toàn khác với bệnh hoại tử gan tụy cấp tính AHPND/EMS. Bệnh hoại tử gan tụy NHP là cơ hội để các đốm đen xuất hiện trên thân tôm, bà con còn hay gọi là bệnh đốm đen. Tại Việt Nam, vi khuẩn hoại tử gan tụy Necrotizing Hepatopancreatitis không những gây thiệt hại nặng nề cho các ao tôm gặp phải chúng mà khả năng lây lan, nhiễm chéo qua các ao xung quanh cũng là rất lớn. Phương thức lan truyền bệnh thông qua nguồn nước ao bị ô nhiễm (trong phân tôm) hoặc cảm nhiễm khi tôm ăn xác tôm chết.
Các triệu chứng lâm sàng thường xuất hiện khi nhiệt độ cao (29 – 35 độ C) và độ mặn (20 – 40 ppt). Tỷ lệ chết có thể từ 90 – 95% trong vòng 30 ngày của một đợt dịch.
Giai đoạn tôm bị lây nhiễm: Hậu post, ấu niên và trưởng thành.
Môi trường gây bệnh là nước ngọt, nước lợ và nước biển.
Triệu chứng của tôm khi nhiễm vi khuẩn hoại tử gan tụy NHP:
- Nhận thấy gan tụy giảm kích thước rõ rệt. Tuyến tiêu hóa (gan tụy) bị suy yếu từ nhợt nhạt đến trắng, quan sát có các dấu hiệu: lờ đờ, giảm hấp thụ thức ăn, hệ số chuyển đổi thức ăn cao, bỏ ăn, giảm tăng trưởng rõ, đuôi mỏng, gầy mòn, vỏ mềm, thân nhũn, mang sẫm màu hoặc đen, teo gan tụy.
- Kiểm tra ở mép ao, tôm bị nhiễm rỗng ruột và bề mặt nặng mùi do ngoại ký sinh gia tăng và các bệnh viêm nhiễm cơ hội khác (nghĩa là đốm đen).
- Gan tụy bị teo và có một số đặc điểm sau: mềm và ướt, giữa đầy dịch, xanh xám và sọc đen . Tỷ lệ chết tăng dần hơn 90% có thể xảy ra trong vòng 30 ngày khi bắt đầu có dấu hiệu lâm sàng nếu không được điều trị.
- Soi tươi gan tụy bị nhiễm vi khuẩn NHP có thể thấy giảm hoặc thiếu giọt Lipid hoặc tế bào gan tụy hình ống bị đen, có khi cả 2 dấu hiệu trên.
Cách phòng trị bệnh hoại tử gan tụy do vi khuẩn NHP gây ra cho tôm:
- Hàng ngày, kiểm tra hoạt động bơi lội của tôm (đặc biệt khi thời tiết thay đổi); quan sát hình dáng bên ngoài (màu sắc, mảng bám trên tôm, thức ăn trong ruột); nhận diện các dấu hiệu bệnh lý (tôm nổi đầu, tấp bờ, bơi lờ đờ, dạt vào bờ, bỏ ăn, màu sắc thay đổi, mềm vỏ, đen mang) để có các biện pháp xử lý phù hợp.
- Chỉ thả nuôi tôm khi môi trường nuôi đã ổn định; cơ sở nuôi phải có ao chứa, lắng, xử lý môi trường trước khi cấp nước vào ao nuôi;
- Trong quá trình nuôi chỉ sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng, quản lý thức ăn đúng liều lượng; bổ sung thêm Vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa… đặc biệt là nhóm hỗ trợ chức năng gan, tăng cường hệ miễn dịch cho tôm.
- Quản lý các chỉ tiêu môi trường nuôi trong khoảng thích hợp, thực hiện phương pháp loại bỏ khí độc và kiểm soát mật độ tảo tránh hiện tượng tảo tàn.
- Biện pháp trị bệnh bằng chất diệt khuẩn có thể sẽ hiệu quả khi phát hiện bệnh sớm (là ngay khi có dấu hiệu tôm kéo đàn, chết rải rác, sậm màu), quan trọng là tôm vẫn còn bắt mồi tốt.
Vi khuẩn Vibrio harveyi gây bệnh phát sáng
Vi khuẩn Vibrio harveyi thuộc nhóm Luminescencet Vibrio. Các vi khuẩn này có Enzyme Luciferase gây ra sự phát sáng. Là vi khuẩn gram âm G, phát triển nhanh ở độ mặn 10-40 ppt (mạnh nhất ở độ mặn 20-30 ppt). Các vi khuẩn này có khả năng kháng lại nhiều loại kháng sinh. Bệnh có thể nhiễm từ các trại giống, ao ương sang ao thịt. Trong sản xuất giống, mầm bệnh được lây lan chủ yếu bằng đường ruột từ tôm mẹ sang ấu trùng trong giai đoạn sinh sản.
Bệnh phát sáng xuất hiện quanh năm trên các loài tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh… Bệnh có thể xảy ra trong tất cả các giai đoạn ương nuôi từ trứng đến tôm trưởng thành.
Bệnh phát triển mạnh trong môi trường nước giàu dinh dưỡng, nhiều chất hữu cơ ở độ mặn cao, thiếu oxy hòa tan, lây lan nhanh trong mùa nóng.
Triệu chứng của tôm khi nhiễm vi khuẩn Vibrio harveyi:
- Tôm yếu, bơi không định hướng, tấp mé bờ, phản ứng chậm chạp.
- Mang và thân tôm có màu sẫm, bẩn, thịt đục màu. Gan viêm và teo nhỏ, mất chức năng tiêu hóa cho tôm.
- Ăn giảm, không có thức ăn và phân trong ruột, phân tôm trong nhá ít.
- Đầu, thân tôm phát sáng màu trắng – xanh lục trong bóng tối.
- Quan sát bằng kính hiển vi thấy vi khuẩn phát sáng di chuyển trong cơ, máu tôm. Có đốm sáng rất nhỏ và nhiều trên phần cơ thịt của tôm.
- Tôm chậm lớn, có thể bị đóng rong ở mang và vỏ.
- Tôm chết đáy rải rác tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Nếu nhiễm bệnh 100% đàn tôm trong giai đoạn 45 ngày nuôi đầu, có thể chết hàng loạt.
- Tôm ấu trùng nhiễm bệnh có màu trắng đục, nhiễm bệnh nặng thì lắng dưới đáy bể ương và chết hàng loạt.
Cách phòng trị bệnh phát sáng do vi khuẩn Vibrio harveyi gây ra cho tôm:
– Từ trại giống:
- Vệ sinh kỹ lưỡng bình ấp trứng, bể ương.
- Thường xuyên sát trùng dụng cụ.
- Xử lý nguồn nước bằng UV, Chlorine, Ozone.
- Xử lý trứng Artemia bằng Chlorine.
– Từ tôm giống:
- Chọn tôm bố mẹ khỏe sạch bệnh.
- Kiểm tra bằng phương pháp PCR.
- Kiểm tra sự căng thẳng và sức khỏe của giống, loại tôm yếu bằng Formol.
- Thả nuôi với mật độ thả phù hợp.
– Tại ao nuôi:
- Trước mỗi vụ cần cải tạo ao: nạo vét sạch bùn đáy, bón vôi, phơi ao. Diệt khuẩn bằng Chlorine 30ppm hoặc B.K.C 1-2ppm hoặc thuốc tím KMnO4 2-3ppm.
- Diệt các vật chủ trung gian, hạn chế cua, còng, ốc trong ao. Vớt hết tôm chết ra khỏi ao.
- Dùng men vi sinh Microbe-Lift để cải tạo đáy ao và xử lý nước hằng ngày trước khi thả tôm 3 ngày.
– Trong quá trình nuôi:
- Độ mặn: Không nuôi tôm ở độ mặn quá cao. Hạ độ mặn để ức chế vi khuẩn phát sáng.
- Nhiệt độ nước: Vào mùa hè, duy trì mức nước trong ao nuôi từ 1,2 – 1,5m và độ trong của nước từ 30 – 40cm để hạn chế khả năng tăng nhiệt.
- Giữ môi trường ổn định: Kiểm tra chất lượng nước (pH, kH, độ đục, màu sắc, tảo) và đáy ao thường xuyên để xử lý kịp thời.
- Tăng cường chạy sục khí.
- Sử dụng men vi sinh phân hủy chất hữu cơ định kỳ.
- Cần giữ môi trường ổn định không để tảo tàn đồng loạt làm mất màu nước và bùn đáy. Phát triển nhóm tảo lục (Chlorella) để khống chế sự phát triển của vi khuẩn Vibrio harveyi.
- Kiểm tra sàng ăn hàng ngày, điều chỉnh thức ăn hợp lý, không để thừa thức ăn làm ô nhiễm nước và đáy ao.
- Định kỳ thay nước, xi phông đáy, hút bùn, để giảm bớt chất hữu cơ trong ao.
- Bổ sung vitamin C, đa vitamin, men tiêu hóa và khoáng vi lượng vào thức ăn để tạo kháng thể, giúp tôm có sức đề kháng, giảm căng thẳng cho tôm nhất là khi có thay đổi môi trường nước hoặc biến động thời tiết.
- Từ khi tôm được 21 ngày tuổi, định kỳ kiểm tra Vibrio trong nước và tôm 7 ngày/lần.
Vi khuẩn dạng sợi Leucothrix mucor, Thiothrix sp, Cytophaga sp, Flavobacterium sp
Nhóm vi khuẩn dạng sợi như Leucothrix mucor, Thiothrix sp, Cytophaga sp, Flavobacterium sp… là nguyên nhân gây ra các bệnh về mang, thân và phụ bộ tôm. Tôm bệnh thường ở các giai đoạn Mysis và Post Larva.
Triệu chứng của tôm khi nhiễm vi khuẩn dạng sợi:
- Mang tôm chuyển màu đen hoặc màu nâu, các chân ngực và chân bơi có màu xám bám đầy lông tơ. Bệnh chuyển nặng thì tôm đổi màu sang màu vàng, nâu, xanh lá cây.
- Tôm bơi lờ đờ, khó lột xác và chết hàng loạt.
Cách phòng trị bệnh do vi khuẩn dạng sợi gây ra cho tôm:
- Vệ sinh bể, ao nuôi, hạn chế lượng thức ăn dư thừa hoặc mùn bã hữu cơ đáy ao. Thức ăn phải đầy đủ và đảm bảo về chất lượng.
- Khi tôm mắc bệnh sử dụng kháng sinh một cách đúng liều lượng, đúng thời gian, kháng sinh chỉ có kết quả khi phát hiện bệnh sớm.
- Bệnh do vi khuẩn trên tôm có khả năng lây nhanh và lây mạnh gây ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ sống của tôm.
- Nếu tình hình bệnh đã nặng, cần sử dụng 1-2 g/m3 Saponin phun đều khắp ao để kích thích tôm lột xác. Sau khi tôm lột xác, thêm nước vào ao để giảm nồng độ Saponin. Ngoài ra, có thể sử dụng 2-5 g/ m3 KMnO4 (thuốc tím) phun khắp ao sau 4 giờ, sau đó tiến hành thay nước.
Phòng trừ, cẩn thận loại bỏ từ đầu là cách tốt nhất vì một số bệnh điều trị khỏi nhưng cũng sẽ gây thiệt hại lớn cho ao. Bài viết các bệnh do vi khuẩn trên đây được tham khảo từ Đề tài “Bệnh do vi khuẩn và vi rút trên tôm thẻ chân trắng” khoa Thủy sản – ĐH Nông Lâm TPHCM. Nếu bà con có khó khăn nào trong nuôi tôm, hãy liên hệ ngay cho Biogency qua HOTLINE 0909 538 514 để được hỗ trợ nhanh nhất!
>>> Xem thêm: Dấu hiệu tôm bị nhiễm khuẩn và cách xử lý kịp thời