Hướng dẫn cải tạo ao nuôi tôm trước khi vào vụ nuôi mới

Sau mỗi vụ nuôi tôm, bà con thường phải cải tạo lại ao nuôi trước khi bắt đầu vụ nuôi mới. Đây là một bước rất quan trọng và không thể thiếu để nuôi tôm thành công. Môi trường đáy ao được cải tạo kỹ lưỡng và quản lý tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tôm sinh trưởng, phát triển và cho ra sản lượng thu hoạch cao. Chi tiết về cách cải tạo ao nuôi tôm sẽ được Biogency hướng dẫn cho bà con qua bài viết dưới đây.

Hướng dẫn cải tạo ao nuôi tôm trước khi vào vụ nuôi mới

Tại sao phải cải tạo ao nuôi tôm trước khi vào vụ nuôi mới?

Cải tạo ao nuôi tôm trước khi vào vụ mới là một bước rất quan trọng trong quy trình nuôi tôm. Sau mỗi vụ nuôi, nền đáy ao nuôi thường tích tụ một lượng chất thải hữu cơ rất lớn nhưng chưa được phân hủy hết và thường có màu đen. Những loại chất thải hữu cơ này thường là: thức ăn thừa, thuốc diệt khuẩn, vi sinh, phân tôm, tảo tàn, xác tôm lột,…

Đặc biệt đối với các ao nuôi tôm mới đào (vùng đất chua phèn, chiêm trũng), việc cải tạo ao là vô cùng cần thiết, bởi những ao này thường có pH thấp (< 5), kém màu mỡ nên không tạo được nguồn thức ăn tự nhiên trong ao và môi trường không phù hợp cho tôm sinh trưởng. Do đó, nếu không cải tạo ao nuôi tôm tốt, tôm sẽ chậm lớn và chết.

Hướng dẫn cải tạo ao nuôi tôm trước khi vào vụ nuôi mới
Cải tạo ao nuôi tôm trước khi vào vụ nuôi mới.

Cải tạo ao nuôi tôm giúp loại bỏ chất thải và sinh vật gây hại, tạo môi trường tốt cho tôm. Cụ thể những lợi ích của việc cải tạo ao là:

  • Đáy ao nuôi sạch sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tôm sống và phát triển tốt.
  • Hạn chế và tiêu diệt được hết các mầm bệnh còn tiềm ẩn trong lớp bùn đáy ao, hạn chế được các dịch bệnh nguy hiểm.
  • Lượng khí độc cũng được xử lý và kiểm soát tốt, ao hoàn toàn không có khí độc thì vụ nuôi sau sẽ thành công hơn.
  • Diệt các loại cá tạp, nhiễm thể trong lớp bùn đáy để hạn chế những hiểm họa cho vụ nuôi sau.
  • Hạn chế được tình trạng xì phèn trong ao nuôi, lớp bùn đáy được làm sạch cũng xử lý được khí độc H2S.
  • Có thể nắm được mực nước trong ao là bao nhiêu để điều chỉnh và có các biện pháp xử lý cho vụ nuôi sau tốt hơn.
  • Ao hoàn toàn sạch sau cải tạo, không gây ô nhiễm đáy ao, xử lý triệt để các chất cặn bã không cần thiết.

Vì vậy, cải tạo ao nuôi tôm là bước không thể thiếu. Quá trình cải tạo ao nuôi tôm dù tốt hay xấu đều ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của tôm.

Hướng dẫn cải tạo ao nuôi tôm hiệu quả để vụ nuôi mới thành công

Trước mỗi vụ nuôi mới, cần chuẩn bị ao theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn nhằm mang lại một vụ nuôi có năng suất cao và tránh các thiệt hại không đáng có xảy ra. Thông thường là những tháng đầu năm là những tháng bận rộn nhất đối với bà con nuôi tôm, bởi vì sau kỳ nghỉ Tết, bà con thường bắt đầu cải tạo ao nuôi tôm trước khi vào vụ nuôi mới. Hôm nay, Biogency sẽ hướng dẫn bà con cách cải tạo ao nuôi tôm hiệu quả.

– Bước 1: Rửa đáy ao

Sau mỗi vụ nuôi cần rửa đáy ao, để tiến hành cần:

  • Bơm bùn sang ao chứa bùn để phơi khô và đổ bỏ. Không nên bơm hoặc đổ bùn lên bờ ao, vì mưa sẽ làm các chất thải chảy ngược lại xuống ao.
  • Thực hiện việc rửa và xả ao nhiều lần cho đến khi sạch thì tiến hành phơi ao. Phơi đáy ao tối thiểu 10 ngày liên tục hoặc đến khi đất nứt chân chim là được. Biện pháp này sẽ giúp tiêu diệt mầm bệnh, giải phóng khí độc tích tụ lâu ngày dưới nền đáy, phân hủy hoàn toàn các chất thải, thuận lợi cho việc gây màu nước và tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho ao nuôi.
  • Đối với những ao không thể bơm cạn nước hoặc thời gian cải tạo rơi vào mùa mưa, bà con có thể sử dụng các chế phẩm sinh học có khả năng diệt khuẩn, phân hủy tốt chất thải để xử lý. Lưu ý: Cần chạy quạt nước liên tục trong suốt quá trình xử lý bằng vi sinh.

– Bước 2: Ngâm xả đáy ao

Biện pháp ngâm xả thường được áp dụng ở những nơi đất phèn hoặc có tôm bị bệnh trong vụ nuôi.

  • Đối với ao có nền đất đã bị nhiễm phèn, bà con sử dụng vôi nóng (CaO) rải đều trên nền đáy, sau đó lấy 40-50cm nước để ngâm từ 2-3 ngày rồi xả bỏ.
  • Trường hợp ao nuôi bị nhiễm EHP, lượng vôi cần dùng để xử lý đáy ao là 60 tấn/ha. Nếu ao đã bị nhiễm EHP trong vụ nuôi trước đó, nên phối hợp sử dụng thêm các chất diệt khuẩn sau khi đã lấy nước. Lặp lại thao tác này từ 2-3 lần. Để đảm bảo hiệu quả, bà con có thể kiểm tra lại độ pH của đất và mật độ vi khuẩn Vibrio.

– Bước 3: Bón vôi

Đây cũng là một bước quan trọng trong quy trình cải tạo ao nuôi tôm. Tùy thuộc vào độ pH của nền đất mà lượng vôi bón vào từ 1-3 tấn/ha để tăng cường hệ đệm, giúp ổn định pH trong suốt quá trình nuôi.

  • Bà con nên dùng vôi đá hoặc vôi nông nghiệp. Chọn mua vôi ở các cửa hàng uy tín, có độ mịn cao (100% lọt rây lọc cỡ 60), độ ẩm thấp và không có lẫn tạp chất. Để đảm bảo tác dụng, vôi cần được rải đều khắp mặt của đáy ao.
  • Vệ sinh và kiểm tra lại hệ thống quạt nước, lắp đặt hệ thống quạt nước đầy đủ. Nếu bà con nuôi tôm ở mật độ cao trên 60 con/m2 thì công suất của toàn bộ hệ thống quạt nước phải đảm bảo ở mức > 3 CV/1000m2 hoặc 36 CV/ha. Tốc độ vòng quay lý tưởng là 100-120 vòng/phút.

Hướng dẫn cấp nước và xử lý nước ban đầu trước khi thả giống

– Bước 1: Lắng nước

  • Nước từ nguồn cấp cần được lọc qua lưới để ngăn ngừa rác và tôm cá tự nhiên xâm nhập vào ao. Sau đó để nước lắng từ 10-20 ngày cho các chất hữu cơ có đủ thời gian phân hủy thành muối dinh dưỡng cho tảo phát triển và giảm bớt mật độ các vi khuẩn gây bệnh.
Hướng dẫn cải tạo ao nuôi tôm trước khi vào vụ nuôi mới
Ao lắng trong nuôi tôm.
  • Bà con có thể cho chạy quạt nước để cung cấp thêm oxy hòa tan thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ. Thời gian lắng càng lâu, thì hiệu quả càng cao, đặc biệt trong điều kiện vùng nuôi bị nhiễm bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (EMS).
  • Trường hợp bà con không có ao lắng thì có thể dùng ao nuôi để làm ao lắng.

– Bước 2: Chuyển nước từ ao lắng vào nuôi

  • Bơm nước qua túi lọc để loại bỏ địch hại hoặc vật chủ trung gian mang mầm bệnh như: còng, cua, tép,…
  • Xác định lại độ mặn của nước để báo cho trại tôm giống thuần post (nếu cần thiết). Mực nước ao lý tưởng là 1,3-1,4m – tạo không gian đủ lớn để tôm hoạt động tốt và giúp ổn định môi trường nuôi.

– Bước 3: Diệt tạp

  • Chạy quạt nước 3 ngày để trứng cá và giáp xác nở hết rồi tiến hành diệt tạp bằng bã trà (saponin), rễ cây thuốc cá (rotenone) hoặc các loại hóa chất diệt tạp chuyên dùng. Thời điểm sử dụng saponin tốt nhất là 4-6 giờ sáng (tăng liều sử dụng khi độ mặn của nước < 10 ppt hoặctrong ao có nhiều cá rô, cá lóc,…) Lưu ý: Cần ngâm saponin trong nước từ 11-12 giờ rồi mới sử dụng. Sau 3 ngày từ khi diệt tạp mới được thả tôm post.
  • Nếu thuốc diệt tạp chất lượng, cá sẽ chết sau khoảng 3-4 giờ. Ngoài ra, để xử lý ốc đinh hoặc rong đáy có thể sử dụng Đồng Sunfat (CuSO4) với nồng độ xử lý là 2-3ppm.

– Bước 4: Diệt khuẩn

Sau 2 ngày diệt tạp, bà con có thể diệt khuẩn nước ao để loại trừ mầm bệnh.

  • Những chất diệt khuẩn được sử dụng phổ biến nhất là Chlorine, TCCA, BKC, thuốc tím KmnO4, Formol, Iodine,… Liều lượng sử dụng tùy thuộc vào lượng chất hữu cơ và độ pH của nước.
  • Nếu nước ao có độ pH càng cao, hàm lượng chất hữu cơ càng nhiều thì nên tăng liều xử lý của Chlorine. Lưu ý: Tác dụng của thuốc tím không bền và Formol có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng nên thường không được ưu tiên để diệt khuẩn nước ao bằng Chlorine.

48 giờ sau khi diệt khuẩn, bà con có thể gây màu nước để tiến hành thả giống. Xem chi tiết: Cách gây màu nước ao nuôi tôm >>>

Hy vọng qua những chia sẻ trên, bà con có thể hiểu rõ công tác cải tạo ao nuôi tôm là vô cùng quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến quá trình nuôi cũng như sản lượng thu hoạch. Chính vì vậy, Biogency mong bà con mình sẽ nhận ra được tầm quan trọng của việc cải tạo ao nuôi tôm để có thể thực hiện tốt việc cải tạo, từ đó cả vụ nuôi mình sẽ tránh được những rủi ro và mang lại sự thành công cho mỗi vụ nuôi.
Mọi thắc mắc bà con có thể liên hệ theo số HOTLINE 0909 538 514 để được hỗ trợ và giải đáp kịp thời. Biogency chúc bà con có một vụ mùa bội thu.

>>> Xem thêm: Xử lý khí độc ao nuôi tôm từ 10mg/l xuống 3 mg/l chỉ trong 3 ngày